Cần quy định chặt chẽ về quảng cáo thuốc và thực phẩm chức năng

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại phiên họp chuyên đề pháp luật ngày 12/8 - Ảnh: Đại Biểu Nhân Dân

Bộ Y tế yêu cầu tăng cường quản lý quảng cáo thực phẩm chức năng

Thủ tướng chỉ đạo xem xét kiến nghị của VAFF về quảng cáo TPCN

“Ma trận” quảng cáo thuốc lá điện tử

Vì sao cần ban hành Quy chế đạo đức quảng cáo thực phẩm chức năng?

Đây là vấn đề được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu lên trong phiên họp ngày 12/8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Theo Chủ tịch Quốc hội, dự thảo cần phải rà soát, làm rõ và có quy định chặt chẽ về vấn đề quảng cáo thuốc và thực phẩm chức năng (TPCN) tràn lan trên truyền thông và không gian mạng nhưng không đúng bản chất. Chủ tịch Quốc hội chỉ ra thực tế, trên truyền hình hiện nay có nhiều quảng cáo thuốc trị các loại bệnh, thậm chí có với bác sĩ, dược sĩ giới thiệu; Nhưng cuối cùng lại thông tin “sản phẩm này không phải là thuốc” và không chịu trách nhiệm. “Quảng cáo mà không chịu trách nhiệm thì như thế nào, chúng ta cần phân tích cặn kẽ”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Những vi phạm trong quảng cáo không chỉ là vấn đề của riêng ngành Dược, mà còn gây nhiều bức xúc trong lĩnh vực thực phẩm chức năng. Theo PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam (VAFF), thực trạng nhức nhối hiện nay là tồn tại nhiều quảng cáo TPCN sai sự thật, lừa gạt, giả mạo; Quảng cáo phóng đại, thổi phồng sản phẩm; Quảng cáo mơ hồ gây hiểu nhầm.

Nhiều đơn vị quảng cáo TPCN khi chưa có Giấy xác nhận nội dung quảng cáo, hoặc quảng cáo không đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Để “dẹp loạn” quảng cáo vi phạm, tháng 5 vừa qua, Hiệp hội đã có văn bản kiến nghị số 19/KN-VAFF lên lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội và một số Bộ, ban ngành liên quan về việc kiểm soát quảng cáo trong lĩnh vực TPCN. 

Ngay sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có Công văn số 4286/VPCP-KGVX về việc quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế tham khảo văn bản kiến nghị của Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam, phối hợp với cơ quan hữu quan để hoàn thiện thể chế, chính sách, các giải pháp cần thiết nhằm quản lý tổng thể, toàn diện, chặt chẽ, hiệu quả hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng theo đúng quy định.

Bộ Y tế cũng có văn bản yêu cầu các địa phương giám sát chặt chẽ việc tổ chức hội thảo giới thiệu thực phẩm chức năng theo quy định của pháp luật; Xử lý nghiêm việc lợi dụng hội thảo giới thiệu sản phẩm để khám chữa bệnh, tư vấn trái phép, bán và giới thiệu thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh.

Thực phẩm chức năng không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Đây là lĩnh vực đang được quản lý bởi Luật An toàn thực phẩm. Cũng trong phiên họp ngày 12/8, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, Thường trực Ủy ban Xã hội nhận thấy, các sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và mỹ phẩm điều trị không phải là thuốc nên xin phép không điều chỉnh trong dự thảo Luật Dược sửa đổi.

Quảng cáo mà không chịu trách nhiệm, dù là với thuốc hay thực phẩm chức năng đều tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững và cạnh tranh lành mạnh trong ngành. Do đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải có quy định chặt chẽ vấn đề này, đồng thời nhấn mạnh 6 chữ “thận trọng, chính xác, đồng bộ," vì quyền lợi hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, cơ sở y tế, để Luật sửa đổi khi ban hành có “tuổi thọ” cao, góp phần chăm lo, chăm sóc sức khỏe người dân tốt hơn, chất lượng hơn.

 
Quỳnh Trang (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn