Bộ Y tế yêu cầu tăng cường quản lý quảng cáo thực phẩm chức năng

Bộ Y tế yêu cầu tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng - Ảnh minh họa: DAD.

Thủ tướng chỉ đạo xem xét kiến nghị của VAFF về quảng cáo TPCN

Cục ATTP, Công an TP Hà Nội phối hợp điều tra sai phạm trong quảng cáo TPCN

Vì sao cần ban hành Quy chế đạo đức quảng cáo thực phẩm chức năng?

Xây dựng một ứng dụng giúp người dân nhận diện vi phạm trong quảng cáo TPCN

Mới đây, trong công văn số 3832/BYT-ATTP gửi các tỉnh, thành phố, Bộ Y tế nêu rằng hiện nay trên một số trang mạng xã hội, một số phương tiện truyền hình, truyền thanh đang quảng cáo TPCN khi chưa có giấy xác nhận nội dung quảng cáo, quảng cáo sai sự thật hoặc quảng cáo không đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

Sử dụng hình ảnh, danh nghĩa của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo gây hiểu lầm cho người sử dụng.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp lợi dụng hình ảnh các văn nghệ sĩ, người nổi tiếng, người có ảnh hưởng với công chúng để quảng cáo vi phạm quy định.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Công văn số 4286 của Văn phòng Chính phủ về việc quản lý hoạt động quảng cáo TPCN, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại các Thông báo số 382 năm 2023 và Thông báo số 16 năm 2024 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ, trong các cuộc họp Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm.

Chỉ đạo tăng cường công tác quản lý quảng cáo TPCN trên địa bàn, cụ thể tiếp tục thực hiện công văn số 4318 của Bộ Y tế về tăng cường phối hợp quản lý quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Kiểm tra, giám sát việc quảng cáo TPCN, giám sát chặt chẽ việc tổ chức hội thảo giới thiệu TPCN theo quy định của pháp luật. 

Xử lý nghiêm việc lợi dụng hội thảo giới thiệu sản phẩm để khám chữa bệnh, tư vấn trái phép, bán và giới thiệu TPCN như thuốc chữa bệnh.

Bên cạnh đó, chỉ đạo cơ quan báo chí của địa phương quản lý nội dung trong các chương trình tương tác, quảng bá cho doanh nghiệp để không vi phạm quy định về quảng cáo TPCN.

Không phát hành quảng cáo khi chưa có thẩm định nội dung của cơ quan có thẩm quyền hoặc quảng cáo không đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn người dân chỉ mua các sản phẩm TPCN khi thực sự có nhu cầu và dùng đúng hướng dẫn sử dụng, khi có bệnh phải tới cơ sở y tế để được khám chữa bệnh kịp thời. 

Đặc biệt, công khai tên cơ sở vi phạm, sản phẩm vi phạm, nội dung vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật.

Công văn số 4286/VPCP-KGVX của Văn Phòng Chính Phủ về việc quản lý hoạt động quảng cáo TPCN - Ảnh: sức khỏe+

Công văn số 4286/VPCP-KGVX của Văn Phòng Chính Phủ về việc quản lý hoạt động quảng cáo TPCN - Ảnh: Sức Khỏe+

Trước đó, ngày 5/6, Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam (VAFF) đã có văn bản kiến nghị số 19/KN-VAFF lên lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội và một số Bộ, ban ngành liên quan về việc kiểm soát quảng cáo trong lĩnh vực TPCN. Trong đó, VAFF đã nêu ra các sai phạm phổ biến hiện nay về quảng cáo TPCN gây ra nhiều bức xúc từ các cơ quan quản lý đến người tiêu dùng, cùng những tác hại nguy hiểm cho toàn xã hội. Bên cạnh đó, VAFF cũng đã đưa ra những kiến nghị cụ thể nhằm kiểm soát hoạt động quảng cáo TPCN.

Ngay sau đó, ngày 20/6, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Văn phòng Chính phủ đã ban hành công văn số 4286/VPCP-KGVX gửi Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các Bộ, ban ngành có liên quan về việc quản lý hoạt động quảng cáo TPCN.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp quản lý quảng cáo TPCN đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại các Thông báo số: 211/TB-VPCP ngày 20/7/2022, số 382/TB-VPCP ngày 16/9/2023 và số 16/TB-VPCP ngày 17/01/2024 của Văn phòng Chính phủ.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tham khảo văn bản kiến nghị của VAFF, chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương rà soát hệ thống quy định của pháp luật hiện hành và đánh giá thực trạng quảng cáo TPCN, nhất là các hạn chế, tồn tại và nguyên nhân.

Trên cơ sở đó, các cơ quan theo thẩm quyền chỉ đạo việc thực hiện các giải pháp phù hợp và đề xuất việc hoàn thiện thể chế, chính sách, các giải pháp cần thiết nhằm quản lý tổng thể, toàn diện, chặt chẽ, hiệu quả hoạt động quảng cáo TPCN theo đúng quy định.

 
Hiệp Nguyễn
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn