Cẩn trọng với viêm tiểu phế quản ở trẻ

 


Viêm tiểu phế quản là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi
Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương vừa tiếp nhận điều trị cho 2 trẻ nhỏ bị suy hô hấp nặng do biến chứng của viêm tiểu phế quản. Trường hợp thứ nhất là cháu Vũ Thủy Thanh (20 tháng tuổi, ở Hà Nội), có biểu hiện thở khò khè, ho có đờm nhưng gia đình tự mua thuốc và khí dung cho cháu tại nhà. Điều trị như vậy gần 1 tháng không đỡ, ngày 7/9 vừa qua, gia đình mới đưa trẻ đến viện. Tương tự, trường hợp còn lại là một bé trai 9 tháng tuổi (ở Hà Nội), có các triệu chứng ho nhiều, ngạt mũi, cứ ăn vào là nôn trớ, mẹ cháu bé tự mua thuốc cho uống. Hơn 1 tuần sau cháu không đỡ, bệnh còn nặng hơn nên mới được đưa đi viện.

TS.BS Lê Thị Hồng Hạnh, Phó Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương cảnh báo, viêm tiểu phế quản là bệnh rất hay gặp và dễ mắc lại ở trẻ nhỏ trong 2 năm đầu đời. Nếu chẩn đoán, điều trị muộn viêm tiểu phế quản có thể gây biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, thậm chí tử vong.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai: “Trẻ dưới 5 tuổi dễ bị viêm tiểu phế quản do khả năng miễn dịch còn yếu và chưa phát triển đầy đủ, dẫn đến dễ phát sinh các bệnh truyền nhiễm. Nguyên nhân gây bệnh viêm phổi và viêm tiểu phế quản cấp đều chủ yếu do virus gây ra. Ngoài ra, còn có các yếu tố khác như: Môi trường sống đông đúc chật hẹp, khói thuốc, trẻ không được bú sữa mẹ đầy đủ, trẻ bị suy dinh dưỡng hoặc suy giảm miễn dịch…”.


Tiêm chủng cho trẻ đầy đủ, đúng lịch để phòng các bệnh đường hô hấp

Viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ là bệnh nguy hiểm và thường mắc nhiều vào mùa đông xuân. Tổn thương cơ bản là xuất hiện hiện tượng viêm xuất tiết, phù nề niêm mạc tiểu phế quản lan rộng và hậu quả có thể gây tắc hẹp đường thở làm cho trẻ khó thở, tím tái. Nếu không phát hiện kịp thời, điều trị tích cực, trẻ có thể tử vong vì ngạt thở.

Viêm tiểu phế quản nhẹ có thể điều trị tại nhà. Phụ huynh cần chú ý theo dõi để chăm sóc hỗ trợ trẻ kịp thời, cho trẻ uống nhiều nước và nếu trẻ sốt thì điều trị hạ sốt… Với trường hợp nặng thì đưa trẻ vào viện thăm khám để có hướng điều trị kịp thời. Tùy theo tình trạng bệnh, trẻ có thể được chỉ định điều trị bằng kháng sinh tiêm và dùng thêm một số biện pháp như thở oxy, khí dung hoặc truyền dịch.

Để phòng bệnh hô hấp cho trẻ cần: "Bảo đảm cho trẻ bú mẹ ngay sau khi sinh càng sớm càng tốt, cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng tuổi; Trẻ sau 6 tháng có thể cho ăn dặm thêm và phải cho trẻ ăn đủ chất nhưng lưu ý không nên ép trẻ ăn để trẻ nôn, trớ vì sẽ sặc lên mũi và gây các bệnh đường hô hấp; Vệ sinh cá nhân và môi trường sạch sẽ, không nên đun bếp hoặc hút thuốc trong phòng; Giữ ấm cho trẻ nhất là khi trời lạnh và thay đổi thời tiết; Tiêm phòng cho trẻ đẩy đủ và đúng lịch; Phát hiện sớm các biểu hiện nhiễm khuẩn hô hấp để trẻ được điều trị kịp thời…”. (PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai)

Linh Ly (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ