Bé Tr.H.L. (20 tháng tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội) được đưa đến BV Nhi T.Ư trong tình trạng ho sặc sụa, hô hấp khó khăn. Sau khi chụp X-quang, các bác sĩ phát hiện có dị vật bằng kim loại tròn trong khí quản. Mẹ bệnh nhân cho biết con mình đã nuốt phải đầu tròn của chiếc bấm móng tay trong lúc chơi. Lập tức, các bác sĩ đã tiến hành gắp dị vật. Xác định đây là dị vật đường thở rất nguy hiểm và rất khó gắp do dị vật tròn và di động, nên các bác sĩ đã hội chẩn và quyết định nội soi phế quản cấp cứu. Sau hơn 15 phút, đã gắp thành công dị vật. Dị vật nằm trong đường thở ở bệnh nhân nhi nhỏ tuổi rất nguy hiểm, nên các bác sĩ đã phải rất thận trọng khi tiến hành nội soi.
Rất nhiều trẻ bị tắc ruột, tắc thở vì nuốt đồ chơi
BV cũng đã cấp cứu cho cháu K (14 tháng tuổi, ở Hà Nội) bị tắc ruột do nuốt dị vật. Cháu K đến viện trong tình trạng mệt mỏi, bụng chướng, nôn ra dịch vàng. Qua thăm khám, siêu âm ổ bụng và chụp X-quang, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị tắc ruột do nuốt dị vật, nên quyết định mổ nội soi và gắp ra được 4 hạt kim loại nhỏ (loại có gắn trên các vương miện đồ chơi). Các bác sĩ đã phải cắt đoạn ruột bị tổn thương có chứa dị vật khoảng 5cm, sau đó nối lại ruột. Theo lời người nhà, khoảng 3 ngày trước đó, trẻ quấy khóc, ăn uống kém đi, không đi ngoài được, trẻ quấy khóc liên tục, kèm theo nôn dịch màu xanh sau ăn uống. Trước đó, K có chơi với mũ vương miện, nên có thể vô tình nuốt phải các hạt nhỏ đính trên mũ mà gia đình không biết.
Một trẻ khác đã được các bác sĩ cứu sống khi nuốt một đoạn găng tay cao su. Cháu Đ.P.A (2 tuổi, ở Bắc Ninh), được đưa đến viện cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp. Sau khi tiến hành ca nội soi phế quản, các bác sĩ đã gắp ra được dị vật là đoạn găng cao su kích thước 5 x 1.5cm... Trường hợp cháu Lê M. N. (13 tháng tuổi, ở Vĩnh Phúc) đến viện trong tình trạng quấy khóc, thở ậm ạch, sưng vùng đỉnh đầu do ngã đập đầu xuống đất. Trẻ được chẩn đoán chấn thương sọ não, viêm phế quản phổi và nghi ngờ có dị vật ở trong đường thở. Gia đình bé N. cho biết, cháu bị ngã và trước khi ngã có ngậm hạt ngô trong miệng. Các bác sĩ đã nội soi, gắp ra được hạt ngô nằm trong phế quản của bé.
Qua một số trường hợp trên, các bác sĩ BV Nhi T.Ư khuyến cáo, nuốt phải dị vật là một trong những tai nạn nguy hiểm thường xảy ra ở trẻ em, nguyên nhân chính là do cha mẹ bất cẩn, không để ý tới con. Trẻ em thường có thói quen đưa các vật vào mồm. Dị vật bị rơi vào đường thở khi hít vào mạnh hoặc sau một trận cười, khóc, ngạc nhiên, sợ hãi... Trẻ dưới 4 tuổi thường hay nuốt các dị vật.
Dị vật đường thở là những chất vô cơ hay hữu cơ mắc vào thanh quản, khí quản hoặc phế quản. Thường gặp nhiều nhất là hạt lạc, hạt ngô, hạt dưa, hạt na, hạt nhãn, mẩu xương, vỏ tôm, cua, đốt xương cá, mảnh đồ nhựa, kim, cặp tóc... Do đó, để phòng ngừa trẻ nuốt dị vật, các bậc phụ huynh nên quan sát khi trẻ chơi đùa, không cho trẻ chơi các đồ có kích thước nhỏ, sắc nhọn hoặc có nhiều chi tiết nhỏ. Nếu nghi ngờ trẻ nuốt dị vật, phải nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện ngay. N.P
Bình luận của bạn