Bác sỹ Lân Hiếu cảnh báo việc sử dụng hình ảnh các bác sỹ quảng cáo thuốc sai sự thật.
Ẩm thực Hà Nội lọt top 3 thế giới
Mẹo giúp móng tay mọc nhanh và khỏe
Tại sao những cơn đau mạn tính thường tái phát vào ban đêm?
Bị hẹp van 2 lá mức độ vừa nên điều trị thế nào?
Bác sỹ Lân Hiếu cho biết, GS Nguyễn Lân Việt đã nhiều lần khẳng định bị cắt ghép hình ảnh quảng cáo loại thuốc uống điều trị dứt điểm bệnh tăng huyết áp. Vậy nhưng mấy ngày nay Bác sỹ Lân Hiếu luôn nhận được tin nhắn hỏi về vấn đề này, nguy hiểm hơn là ngay cả các bác sỹ cũng “bán tín bán nghi”.
Bác sỹ Lân Hiếu chia sẻ: "Chúng ta biết tăng huyết áp là bệnh phổ biến trên thế giới (các nghiên cứu cho thấy con số lên đến hơn 20% dân số mắc tăng huyết áp). Tăng huyết áp được phân loại thành tăng huyết áp nguyên phát và tăng huyết áp thứ phát. Khoảng 90–95% số ca là tăng huyết áp nguyên phát, được định nghĩa là các trường hợp không xác định được bệnh nguyên gây tăng huyết áp rõ ràng (vô căn). 5-10% có nguyên nhân như hẹp động mạch thận, u thượng thận… có thể chữa khỏi tình trạng tăng huyết áp nếu giải quyết được nguyên nhân. Như vậy khi đã chẩn đoán tăng huyết áp vô căn có nghĩa là cần phải dùng thuốc lâu dài theo hướng dẫn của bác sỹ. Nếu có một loại thuốc chữa dứt điểm tăng huyết áp chắc chắn sẽ được trao giải Nobel y học!!! Chính vì vậy xin khẳng định chúng tôi - những bác sỹ chuyên khoa tim mạch KHÔNG BAO GIỜ QUẢNG CÁO cho các thuốc chữa dứt điểm bệnh tăng huyết áp vô căn. Xin ngừng chia sẻ các quảng cáo vô cùng nguy hiểm này. Tôi cũng đã báo cho cơ quan chức năng để xử lý theo pháp luật."
Câu chuyện về các chuyên gia, bác sỹ hay bệnh viện bị mạo danh hoặc sử dụng hình ảnh để lừa đảo tư vấn, bán thuốc hay cung cấp dịch vụ y tế thu tiền bất chính đã trở nên rất phổ biến. Qua báo chí PSG.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, đã thường xuyên cảnh báo tình trạng quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe lừa đảo người tiêu dùng đầy rẫy trên các nền tảng mạng xã hội. Ông Phong khuyến cáo người tiêu dùng cần cảnh giác trước những quảng cáo thổi phồng công dụng sản phẩm: "Cần ghi nhớ, thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe không thể có công dụng chữa bệnh như thuốc mà chỉ có công dụng hỗ trợ giảm các triệu chứng bệnh. Cũng tuyệt đối không nghe quảng cáo loại nọ loại kia chữa khỏi bệnh mà bỏ qua cơ hội điều trị bệnh sẽ rất nguy hiểm".
Hình ảnh quảng cáo cắt ghép ảnh của bác sỹ Lân Hiếu được đưa tràn lan trên mạng xã hội
Cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực là Bộ Y tế đánh giá, bên cạnh những tổ chức, cá nhân chấp hành tốt các quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe vẫn còn tồn tại rất nhiều những tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về quảng cáo, chủ yếu tập trung vào các hành vi như quảng cáo không đúng bản chất của sản phẩm, quảng cáo khi chưa được thẩm định nội dung và quảng cáo không đúng nội dung đã được thẩm định.
Từ năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, cơ quan liên quan có giải pháp phù hợp, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định trong hoạt động quảng cáo và thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Trước đó Chỉ thị 17/CT-TTg (năm 2017) về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới đã yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh, quảng cáo thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm. Về quy định pháp luật, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, trong đó có quy định hình thức xử phạt đối với những vi phạm về quảng cáo thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm và phụ gia thực phẩm nêu ở trên.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khi còn tại vị phụ trách lĩnh vực, trong năm 2022 đã yêu cầu các ngành y tế, văn hóa, thông tin và truyền thông chủ động rà soát, làm việc với các cơ quan báo chí, truyền thông, các nền tảng mạng xã hội để chấn chỉnh, xử lý nghiêm vi phạm trong quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng. Năm 2022 vừa qua, Bộ Y tế phối hợp với các Bộ Thông tin và Truyền thông, Công Thương, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư; Công an; UBND các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ.
Bộ Y tế đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân phát hành quảng cáo sai sự thật, quảng cáo chưa có thẩm định của cơ quan chuyên môn hoặc không đúng với nội dung đã được thẩm định. Bộ Công Thương tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, các công ty bán hàng đa cấp kinh doanh các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ.
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tuyên truyền quy định của pháp luật về quảng cáo; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, đặc biệt các văn nghệ sỹ tham gia quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh, thổi phồng công dụng, nêu các thông tin chưa được kiểm chứng, quảng cáo các thông tin chưa được cơ quan chuyên môn thẩm định gây ảnh hưởng tới sức khỏe và kinh tế cho người tiêu dùng.
Bộ Y tế đề nghị Bộ Công an chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm các chủ tên miền quảng cáo trên các trang mạng xã hội vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo. Chủ trì phối hợp với các cơ quan của Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND các tỉnh, thành phố điều tra, xử lý các tổ chức, cá nhân quảng cáo có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định, quản lý chặt chẽ hơn về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định Bộ sẽ xử lý kiên quyết các quảng cáo có nội dung sai lệch trên mạng xã hội
Các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân chỉ mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe khi có nhu cầu, không mua qua phương thức truyền miệng. Khi mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải có nguồn gốc rõ ràng, có hóa đơn, chứng từ làm căn cứ, bằng chứng để các cơ quan chức năng xử lý khi có yêu cầu. Tuyên truyền để người dân không tham gia vào các clip, video quảng cáo sai tác dụng, công dụng của thực phẩm bảo vệ sức khoẻ; quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe như thuốc chữa bệnh.
Bộ Y tế cũng đề nghị các cơ quan chủ quản các đơn vị kinh doanh dịch vụ phát hành quảng cáo thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, xử lý quyết liệt những hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe của các đơn vị kinh doanh dịch vụ phát hành quảng cáo thuộc lĩnh vực mình quản lý.
Tình trạng quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng hoặc các nội dung phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục… trên các nền tảng mạng xã hội cũng đã được đại biểu Quốc hội chất vấn tại diễn đàn Quốc hội kỳ họp mới đây. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn, cho biết quảng cáo thực phẩm chức năng, thuốc… hiện đang chiếm tỷ lệ lớn trong các quảng cáo trên mạng xã hội. Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Bộ Y tế chủ động tham gia, rà quét phát hiện các quảng cáo sai, phản cảm gửi cho Bộ Thông tin và Truyền thông để xử lý. Người dân có thể chụp ảnh màn hình các nội dung quảng cáo sai sự thật, phản cảm gửi đến Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ sẽ dùng những hình ảnh này để yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới, chẳng hạn như Youtube để gỡ xuống. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các thể chế để xử lý vấn đề này.
Trong khi các cơ quan nhà nước ra tay xử lý vấn nạn này thì người dân chúng ta, hãy tự bảo vệ mình trước hết bằng cách cảnh giác, chớ vội cả tin vào những quảng cáo dạng nêu trên trên những nền tảng mạng xã hội, khi có nhu cầu hãy tìm đến những nguồn thông tin chính thống, tin cậy.
Bình luận của bạn