Chagas - "Căn bệnh thầm lặng" đáng sợ lây lan từ ký sinh trùng

Ký sinh trùng Trypanosoma cruzi được nhìn qua kính hiển vi - Ảnh: Medline Plus.

Cách tẩy giun sán hiệu quả cho trẻ từ những loại rau củ quen thuộc

Diệt ký sinh trùng trong cơ thể bằng cách tự nhiên

Nguy cơ nhiễm ký sinh trùng nguy hiểm khi đi bơi

Bệnh Chagas: Căn bệnh thầm lặng gây ra 12.000 ca tử vong mỗi năm

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã đến lúc lồng ghép bệnh Chagas vào chăm sóc sức khỏe ban đầu để phát hiện và điều trị bệnh sớm. Ở nhiều quốc gia, tỷ lệ phát hiện bệnh Chagas thấp (<10%, thường là <1%) và thường có những rào cản đối với việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe đầy đủ.

Bệnh Chagas phổ biến ở những người dân nghèo ở lục địa Mỹ Latinh nhưng ngày càng được phát hiện ở các quốc gia và lục địa khác.

Thường được gọi là “căn bệnh thầm lặng” vì phần lớn người nhiễm bệnh Chagas không có triệu chứng hoặc triệu chứng cực kỳ nhẹ. Có khoảng 6-7 triệu người mắc bệnh Chagas trên toàn thế giới, với 12.000 ca tử vong hàng năm. Mỗi năm lại xuất hiện thêm 30.000–40.000 trường hợp mắc mới.

Bệnh Chagas đã từng chỉ xuất hiện ở phạm vi các vùng nông thôn khu vực Châu Mỹ. Tuy nhiên, do sự dịch chuyển giữa nông thôn và thành thị, cùng sự gia tăng dân số trong những thập kỷ trước, nên hầu hết những người nhiễm bệnh hiện đang sống ở các khu vực thành thị và tình trạng lây nhiễm ngày càng được phát hiện nhiều ở Mỹ, Canada và nhiều quốc gia Châu Âu hay một số quốc gia Châu Phi, Đông Địa Trung Hải và Tây Thái Bình Dương.

Bệnh Chagas là gì? Đường lây truyền bệnh thế nào?

Bọ xít hút máu Triatomine mang trong mình ký sinh trùng Trypanosoma cruzi thường xuất hiện ở khu vực Châu Mỹ

Bọ xít hút máu Triatomine mang trong mình ký sinh trùng Trypanosoma cruzi thường xuất hiện ở khu vực Châu Mỹ

Bệnh Chagas do ký sinh trùng đơn bào Trypanosoma cruzi gây ra. Loại ký sinh trùng này được tìm thấy trong ruột của loài bọ xít hút máu Triatomine cả ở người và động vật lần đầu phát hiện tại Châu Mỹ nên còn gọi là Trypanosomiasis Mỹ. Căn bệnh này lưu hành khắp các vùng Mexico, Trung Mỹ và Nam Mỹ sang phía Nam Argentina. 

Ước tính có khoảng 6–7 triệu người trên toàn thế giới bị nhiễm Trypanosoma cruzi - ký sinh trùng gây bệnh Chagas, chủ yếu ở các vùng nông thôn của Châu Mỹ Latinh.

Ký sinh trùng Trypanosoma cruzi sẽ ẩn mình trong các vết nứt kẽ của tường vách và mái tranh, phát triển mạnh trong điều kiện sống thấp.

Theo các nhà nghiên cứu, con đường lây truyền bệnh Chagas chủ yếu là do vật trung gian truyền bệnh. Con người sẽ bị mắc bệnh nếu tiếp xúc với phân của loài bọ xít hút máu Triatomine - một loại côn trùng hút máu người và động vật. Từ đó ký sinh trùng Trypanosoma cruzi sẽ xâm nhập vào cơ thể người qua vết đốt hoặc vết xước ở da (do ngứa gãi) hoặc qua kết mạc; lây nhiễm thông qua đường tiêu hóa (khi ăn phải thức ăn bị nhiễm ký sinh trùng), qua đường máu, từ mẹ sang con trong quá trình mang thai, cấy ghép nội tạng và tai nạn phòng thí nghiệm.

Bệnh Chagas không lây truyền từ người sang người như cảm lạnh, cúm hay qua tiếp xúc thông thường với người hoặc động vật bị nhiễm bệnh.

Bệnh Chagas được đặt theo tên của Carlos Ribeiro Justiniano Chagas, một bác sỹ và nhà nghiên cứu người Brazil, người đã phát hiện ra căn bệnh này vào năm 1909.

Dấu hiệu của bệnh Chagas

Một trong những triệu chứng của bệnh Chagas là một bên mí mắt bị sưng phù - Ảnh: CDC

Một trong những triệu chứng của bệnh Chagas là một bên mí mắt bị sưng phù - Ảnh: CDC

Theo CDC, bệnh Chagas biểu hiện theo 2 giai đoạn: cấp tính và mạn tính.

- Giai đoạn cấp tính: ban đầu kéo dài khoảng 2 tháng sau khi nhiễm bệnh. Trong giai đoạn cấp tính, một số lượng lớn ký sinh trùng lưu thông trong máu, nhưng trong hầu hết trường hợp, người nhiễm ký sinh trùng Trypanosoma cruzi thường không xuất hiện triệu chứng hoặc các triệu chứng thường nhẹ và không đặc hiệu.

Ở gần 50% số người bị bọ triatomine cắn, các dấu hiệu đặc trưng đầu tiên có thể nhìn thấy là tổn thương da hoặc sưng tấy đỏ tía ở mí mắt của một bên mắt. Ngoài ra, người bệnh có thể có biểu hiện sốt, nhức đầu, hạch bạch huyết to, xanh xao, đau cơ, khó thở, sưng và đau bụng hoặc ngực.

- Giai đoạn mạn tính: ký sinh trùng ẩn náu chủ yếu ở tim và cơ tiêu hóa. Từ 10-30 năm sau khi nhiễm bệnh, có tới 1/3 số bệnh nhân Chagas bị rối loạn tim mạch và cứ 10 người thì có 1 người bị bệnh tiêu hóa (thường là phì đại thực quản hoặc đại tràng), các rối loạn thần kinh hoặc cả hai.

Trong những năm sau đó, nhiễm trùng ở những bệnh nhân này có thể gây ra sự phá hủy hệ thần kinh và cơ tim, hậu quả là rối loạn nhịp tim hoặc suy tim tiến triển và đột tử.

Cách phòng ngừa và điều trị bệnh Chagas

Nhiễm trùng Trypanosoma cruzi có thể chữa khỏi nếu bắt đầu điều trị ngay sau khi nhiễm bệnh.

Ở những bệnh nhân mạn tính, điều trị bằng thuốc chống ký sinh trùng có khả năng ngăn ngừa hoặc hạn chế sự tiến triển của bệnh và ngăn ngừa lây truyền, ví dụ như lây nhiễm từ mẹ sang con.

Theo CDC, để phòng ngừa bệnh do ký sinh trùng Trypanosoma cruzi cần thực hiện các biện pháp như: Kiểm soát vector (vật trung gian truyền bệnh) ở khu vực Châu Mỹ; Sàng lọc máu, các sản phẩm của máu và các cơ quan trước khi truyền và ghép; Xét nghiệm và điều trị cho các bé gái, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, trẻ sơ sinh và anh chị em có mẹ nhiễm bệnh mà không được điều trị ký sinh trùng trước đó.

Có 2 cách tận để điều trị người mắc bệnh Chagas bao gồm: Điều trị chống ký sinh trùng để tiêu diệt ký sinh trùng trong người cơ thể người bệnh và điều trị triệu chứng, để kiểm soát các triệu chứng và dấu hiệu nhiễm trùng.

Để tiêu diệt ký sinh trùng, bệnh Chagas có thể được điều trị bằng thuốc benznidazole hoặc nifurtimox, đều được FDA chấp thuận để điều trị cho trẻ em từ sơ sinh đến dưới 18 tuổi và có sẵn tại các hiệu thuốc trên thị trường.

Cả hai loại thuốc này đều có tác dụng chữa khỏi bệnh hoàn toàn nếu được sử dụng ngay sau khi nhiễm bệnh ở giai đoạn cấp tính, kể cả các trường hợp lây truyền bẩm sinh. Tuy nhiên, hiệu quả của cả hai loại thuốc này đều giảm dần khi một người nhiễm bệnh càng lâu và các phản ứng bất lợi thường xảy ra nhiều hơn ở tuổi già.

 
Hiệp Nguyễn (Theo WHO/CDC)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin