Ngành y tế cấp bách ứng phó nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn

Cấp bách ứng phó với nguy cơ hạn hán tại các địa phương - Ảnh: Báo điện tử ĐCSVN

Dấu hiệu say nắng chớ chủ quan

Lưu ý sức khỏe khi mang thai vào mùa Hè

Bệnh thường gặp ở trẻ trong mùa Hè và cách phòng ngừa

Tập thể dục khi thời tiết vào Hè cần lưu ý gì?

Để truyền thông có hiệu quả cho các cán bộ y tế cơ sở, người dân và người lao động trên địa bàn thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) đã xây dựng các tài liệu:

- Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe mùa nắng nóng cho cộng đồng và người lao động.

- Hướng dẫn xử lý nước hộ gia đình bằng các biện pháp đơn giản.

1. Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe mùa nắng nóng

Một số vấn đề sức khỏe thường gặp trong mùa nắng nóng là: Say nắng, say nóng hoặc đột quỵ do nóng. Một số đối tượng có nguy cơ cao gồm: Người già, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai; Những người làm việc, luyện tập với cường độ cao ở ngoài trời nắng lâu hoặc trong môi trường nóng bức; Những người mắc các bệnh mạn tính.

Biểu hiện và cách xử trí

Mức độ nhẹ

Biểu hiện gồm mệt mỏi, khát nước, hoa mắt, chóng mặt, tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, hồi hộp đánh trống ngực, chuột rút.

Xử trí: Chuyển ngay nạn nhân vào chỗ mát, thoáng gió. Nới lỏng quần áo hoặc cởi bỏ bớt quần áo bên ngoài, lau cơ thể bằng khăn mát hoặc có thể dội nước mát vào cơ thể rồi lau khô, đặt khăn thấm nước mát hoặc nước đá tại vùng nách, bẹn, hai bên cổ để nhanh giảm nhiệt.

Cho nạn nhân uống từng ngụm nhỏ nước mát (nếu uống được). Tốt nhất là uống nước có bổ sung muối và khoáng chất như nước Oresol pha đúng liều lượng theo hướng dẫn sử dụng. Nếu bị chuột rút, cần xoa bóp nhẹ nhàng vùng cơ bị chuột rút. Không để cho nhiều người vây quanh nạn nhân. Sau khoảng 10-15 phút các biểu hiện sẽ giảm dần.

Mức độ nặng

Biểu hiện gồm đau đầu dữ dội, khó thở tăng dần, cảm giác buồn nôn hoặc nôn, yếu hoặc liệt nửa người, co giật, ngất xỉu hoặc hôn mê, trụy tim mạch (tim đập nhanh, huyết áp tụt…) và có thể tử vong.

Xử trí: Gọi ngay cấp cứu 115 hoặc nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Trong quá trình vận chuyển thường xuyên chườm mát cho nạn nhân.

Biện pháp dự phòng

Áp dụng các biện pháp dự phòng say nắng, đột quỵ do nắng nóng - Ảnh: VTV

Áp dụng các biện pháp dự phòng say nắng, đột quỵ do nắng nóng - Ảnh: VTV

Khuyến cáo chung

Hạn chế ra ngoài trời nắng, đặc biệt từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều; Những người đang ở trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp không nên đi ra ngoài nắng đột ngột; Mặc quần áo sáng màu, thoáng mát, thấm mồ hôi; Tăng cường ăn các loại rau xanh và hoa quả, uống tối thiếu 1,5-2 lít nước/ngày, chia thành nhiều lần uống trong ngày; Rèn luyện thân thể.

Đối với những người phải làm việc trong thời tiết nắng nóng

- Bố trí thời gian làm việc vào những lúc trời mát mẻ. Không nên làm việc quá lâu trong môi trường nóng bức, tránh quá sức. Nên định kỳ sau khoảng 45 phút đến 1 giờ làm việc thì nghỉ ngơi 15-20 phút ở nơi thoáng mát.

- Hạn chế tối đa diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể đặc biệt là vùng vai gáy. Sử dụng quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính phù hợp. Có thể dùng thêm kem chống nắng.

- Không sử dụng đồ uống có cồn. Uống nước đều đặn trong suốt thời gian làm việc. Đặc biệt cần uống thêm các loại nước có bổ sung thêm muối và khoáng chất như Oresol nếu bị mất nhiều mồ hôi trong quá trình làm việc.

- Làm thoáng mát nơi làm việc như dùng mái che, tấm phản chiếu nhiệt, vật liệu cách nhiệt, hệ thống phun nước...

2. Hướng dẫn xử lý nước hộ gia đình bằng các biện pháp đơn giản

Hướng dẫn biện pháp xử lý nước an toàn cho các hộ gia đình - Ảnh: VTV

Hướng dẫn biện pháp xử lý nước an toàn cho các hộ gia đình - Ảnh: VTV

Áp dụng đối với những hộ gia đình chưa được cấp nước sạch hoặc trong trường hợp khẩn cấp (như lũ lụt, hạn hán) không có nước sạch để sử dụng.

Nguồn nước xử lý nên chọn nước giếng đào, nước giếng khoan. Trường hợp phải dùng nước ao hồ, sông suối, kênh rạch thì cần chọn những điểm có khả năng ít bị ô nhiễm nhất, cố gắng lấy nước càng xa bờ càng tốt. Các biện pháp xử lý nước:

Bước 1: Làm trong nước: Đơn giản nhất là dùng phèn chua hoặc lọc bằng vải sạch

Bước 2: Khử trùng nước:

- Nếu khử trùng nước bằng hóa chất: Với hộ gia đình, thường khử trùng nước bằng Cloramin B. Một viên Cloramin B 0,25g có thể khử trùng được 25 lít nước trong. Với nguồn nước tập thể, khử trùng bằng hoá chất bột (thường là Cloramin B loại 27% clo hoạt tính, Clorua vôi) và phải do cán bộ y tế chỉ đạo, hướng dẫn.

Lưu ý: Nước đã được khử trùng có thể sử dụng cho sinh hoạt. Tuy nhiên nước này vẫn phải đun sôi rồi mới uống trực tiếp được; Không khử trùng đồng thời với đánh phèn vì phèn làm mất tác dụng khử trùng của Clo; Sau khi khử trùng ngửi thấy mùi Clo thì việc khử trùng mới có tác dụng; Nếu lỡ cho quá nhiều Clo thì mở nắp, chờ thêm nửa giờ hoặc một giờ nữa cho bớt mùi rồi mới sử dụng; Việc khử trùng nước bằng hóa chất bột cần được thực hiện dưới sự hướng dẫn của các cán bộ y tế có chuyên môn; Cần kiểm tra hạn sử dụng của hóa chất.

- Trường hợp khử trùng nước bằng cách đun sôi nước, lưu ý: Chỉ sử dụng nước để uống trực tiếp sau khi đã đun sôi; Nước sau khi đun sôi không được để quá lâu, nên thường xuyên đun nước mới hàng ngày để uống; Trường hợp không có hóa chất khử trùng, chỉ ăn uống nước đã đun sôi kỹ, không ăn các loại rau sống rửa bằng nước chưa khử trùng.

- Ngoài các biện pháp xử lý nước như trên, hộ gia đình có thể sử dụng thêm thiết bị lọc để xử lý nước. Nên sử dụng những thiết bị đã được kiểm tra của các cơ quan chức năng, tuân thủ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.

Lưu ý: Nước đầu vào của các thiết bị lọc nước phải là nước đã được làm trong, không dùng trực tiếp nước bề mặt từ ao hồ, sông suối, kênh rạch… để tránh bít tắc thiết bị lọc.

 
Nguyễn Thanh (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn