Chàng trai khó thở tưởng béo phì ai ngờ phát hiện bệnh hiếm

Bệnh nhân K. nhận chúc mừng từ các bác sĩ sau khi được chữa trị thành công ca bệnh hiếm gặp

Thực phẩm giúp trẻ tăng miễn dịch chống nhiễm trùng đường hô hấp

Thời tiết thất thường, đề phòng trẻ mắc các bệnh đường hô hấp

TS.BS Mai Phan Tường Anh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết để cứu bệnh nhân K., các bác sĩ phải đưa ra nhiều phương án bởi bệnh nhân có thể trạng béo phì (nặng 110kg), tiểu đường type 2. Quá trình phẫu thuật, điều trị cho bệnh nhân gặp nhiều khó khăn khi bác sĩ thực hiện kỹ thuật ECMO (tim, phổi nhân tạo) vừa phẫu thuật nội soi ít xâm lấn.

Theo đó, bệnh nhân đến nhập viện cấp cứu trong tình trạng khó thở, mệt nhiều. Qua thăm khám và kết quả siêu âm, chụp CT cho thấy bệnh nhân có khối u lớn, kích thước 75x71x69mm. Đây là khối u nang ruột đôi nằm cạnh thực quản, chèn ép khí quản và phế quản, gần như gây tắc nghẽn hoàn toàn.

Yêu cầu lúc này là phải phẫu thuật ngay cho người bệnh để khai thông đường thở. Tuy nhiên, do anh K. có nhiều bệnh nền, dễ biến chứng, việc chăm sóc và xoay trở khó vì béo phì. Ngoài ra, khối u chèn ép lâu ngày gây xẹp khí quản, không thể kiểm soát đường thở bằng nội khí quản như ca bệnh bình thường. Do đó, bệnh viện đã hội chẩn liên chuyên khoa để đưa ra các phương án cứu người bệnh. Ngày 21-3, anh K. được đưa vào phòng mổ, gây mê và đặt ống thở. Tuy nhiên, do nang chèn ép nhiều nên không đặt được ống thở dù có hỗ trợ của nội soi phế quản. Vì vậy, bệnh viện quyết định hội chẩn để sử dụng ECMO hỗ trợ phẫu thuật. Đây là biện pháp hỗ trợ hô hấp tối ưu trong các phẫu thuật lớn, liên quan đường dẫn khí bị chèn ép.

Các bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân K.

Các bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân K.

Bệnh nhân được nội soi lồng ngực để cắt bỏ nang ruột, sử dụng kỹ thuật ECMO nhằm đảm bảo oxy hóa máu tối ưu cho ca mổ kéo dài gần 6 giờ. Mặc dù khối nang lớn đã được cắt bỏ, nhưng đường thở người bệnh bị chèn ép lâu ngày chưa thể giãn nở hoàn toàn. Vì vậy, bác sĩ phải tiếp tục duy trì ECMO hậu phẫu. Sau 5 ngày, người bệnh ngưng ECMO và xuất viện trong tình trạng khỏe hoàn toàn, tự vận động và vệ sinh cá nhân tốt. Anh cũng không còn cảm giác khó thở như trước đây.

Sau cơn “thập tử, nhất sinh" anh K. cho biết vì nghĩ mình khó thở do béo phì nên anh không đi khám sớm. Đến khi tình trạng ngày càng trầm trọng, không thể gắng sức để làm công việc thường ngày, anh mới đến bệnh viện. “Hiện sức khỏe tôi đã hồi phục 100%, có thể leo cầu thang bình thường và không còn cảm thấy mệt như trước” – anh K. chia sẻ.

 

Bác sĩ Tường Anh cho biết thêm nang ruột đôi là tổn thương bẩm sinh trên đường tiêu hóa hiếm gặp, thường được chẩn đoán ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, tần suất 1/4.500. Nang ruột này chèn ép khí quản lại càng hiếm gặp hơn, thế giới cũng chỉ ghi nhận vài ca. Việc phòng ngừa phụ thuộc vào quá trình tầm soát khi mang thai. Tùy vào độ tuổi, thể trạng và vị trí tổn thương của trẻ, việc điều trị cuối cùng luôn là phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ đoạn ruột đôi. Trong đó, phẫu thuật nội soi luôn là cách thức được ưu tiên chọn lựa.

 

 

Mộc Khuê
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Hô hấp