Hiện nay, các bà mẹ khi sinh nở có nhiều sự lựa chọn hơn về dịch vụ, nơi sinh con cũng như bác sĩ đỡ đẻ. Những người nhiều tiền sẽ chọn các bệnh viện quốc tế có tiếng như Vinmec, Việt Pháp... Thấp hơn một chút là đẻ dịch vụ tại Phụ sản Hà Nội hoặc Việt Nhật. Còn đa số đẻ thường tại viện C hoặc khu A của Phụ sản Hà Nội.
Từ lâu, khoa D3 (khoa sinh dịch vụ) của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã được nhiều người truyền tai về trình độ bác sĩ, sự thoải mái cũng như có lợi thế là người nhà được vào phòng đẻ cùng sản phụ. Sinh dịch vụ tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội gồm sinh thường (D3) và sinh mổ (D4).Dù sinh thường hay mổ, khi làm thủ tục nhập viện, bạn đều phải đóng trước 10 triệu đồng tại quầy thu ngân của bệnh viện. Đó là số tiền tạm ứng cho toàn bộ quá trình sinh nở và nghỉ ngơi của bạn và em bé tại viện. Cụ thể:
- Tiền đẻ thường (tự chọn bác sĩ): 6 triệu đồng.
- Tiền đẻ mổ (tự chọn bác sĩ): 6 triệu đồng.
Vì đây là tiền dịch vụ nên bạn sẽ không được bảo hiểm thanh toán. Nếu sử dụng thẻ bảo hiểm y tế, được giảm 80% số tiền chi phí nằm viện (khoảng 200.000 đồng). Số tiền được giảm không đáng kể bởi khi đẻ ở D3, đa số là tiền dịch vụ và bảo hiểm không thanh toán các khoản này.
Số tiền 4 triệu đồng còn lại dùng để tạm ứng cho tiền phòng, thuốc, tắm bé, vệ sinh cho mẹ... Cụ thể tiền phòng dịch vụ:
- Phòng 2 giường (vệ sinh khép kín): 500.000 đồng.
- Phòng 4 giường (vệ sinh khép kín): 400.000 đồng.
- Phòng 6-8 giường (vệ sinh không khép kín): 300.000 đồng.
Khác biệt lớn nhất khiến các bà mẹ chọn sinh tại khoa dịch vụ là vì sự sạch sẽ, thoải mái, không đông đúc và bác sĩ niềm nở. Khi sinh, được nằm riêng một phòng và có người nhà ở bên khi "vượt cạn". Bạn được tự mình chọn bác sĩ tốt nhất để tham gia đỡ đẻ. Ngoài ra, các trang thiết bị cho mẹ và con như nước nóng, quần áo, khăn, tã... đều có đầy đủ.
Các bà mẹ thường chọn khám thai tại các phòng khám ngoài cho thoải mái và đỡ đông đúc. Khi đến 37 tuần thì bắt đầu vào viện khám tổng thể và đăng ký đẻ dịch vụ. Đến thời điểm này, bệnh viện mới tiếp nhận hồ sơ của sản phụ và thực hiện xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm...
Sau khi có đủ giấy tờ xét nghiệm, bạn có thể đăng ký luôn tại phòng 340 nhà D3 hoặc mang về nhà, đăng ký khi nào trở dạ và nhập viện. Khi đăng ký, bạn sẽ được chọn bác sĩ đỡ đẻ. Theo kinh nghiệm của nhiều bà mẹ từng sinh con tại D3, nếu đẻ vào ban đêm, bạn nên chỉ định kíp trực đỡ luôn. Nếu đẻ vào ban ngày, có thể chỉ định bác sĩ mà mình tin tưởng. Thời gian đăng ký từ thứ 2 đến thứ 6.
Sở dĩ như vậy bởi nếu chỉ định một bác sĩ nhất định, kíp trực sẽ không can thiệp vào quá trình sinh nở của bạn. Nếu bác sĩ chưa đến kịp mà bạn đã sẵn sàng sinh thì sẽ rất khó xoay xở.
Một số kinh nghiệm của các bà mẹ từng sinh tại D3 viện Phụ sản Hà Nội: - Nên theo khám của một bác sĩ làm tại Phụ sản Hà Nội và nhờ người đó làm hồ sơ sinh giúp, không mất thời gian chờ đợi khi bụng đã quá to. - Không nên đưa phong bì cho kíp đỡ đẻ và bác sĩ bởi bạn sử dụng dịch vụ và chi rất nhiều tiền cho ca đẻ của mình. - Nên ăn cơm nhà mang đến bởi cơm ở căng tin bệnh viện đắt, phục vụ chậm và không ngon. - Người nhà khi vào cùng sản phụ nên mang theo một chai nước. Quá trình sinh nở lâu và kêu la nhiều sẽ khiến cơ thể mất nước nhanh. - Không nên mang theo quá nhiều tã lót và chăn cho con bởi đa số sử dụng đồ của bệnh viện. - Nếu đẻ thường, bạn sẽ nằm lại viện khoảng từ 1 - 2 ngày nên không cần mang quá nhiều đồ. |
Bình luận của bạn