Ra Giêng anh cưới em...

Niềm hạnh phúc của đôi bạn trẻ trong đám cưới tập thể dành cho 20 cặp đôi là các y, bác sỹ của bệnh viện Quân y 175 - Ảnh: Báo Phụ nữ

Giá trần xét nghiệm SARS-CoV-2 sẽ giảm từ 21/2

Tổ chức chương trình tiêm an toàn, tốt nhất để bảo vệ trẻ 5-11 tuổi

WHO đề xuất rút ngắn thời gian cách ly người mắc COVID-19

Lưu ý khi chăm sóc trẻ mắc COVID-19 tại nhà

Tiêu chuẩn dỡ bỏ cách ly với người mắc COVID-19 điều trị tại nhà

Tham dự buổi lễ, Đại tá Trần Quốc Việt - Phó giám đốc Bệnh viện Quân y 175 - phát biểu : "Trong hai năm vừa qua, các bạn trẻ trong ngành y cũng như một số các đơn vị tuyến đầu chống dịch khác đã trực tiếp tham gia chống dịch COVID-19. Nhiều bạn không được hưởng hạnh phúc đương nhiên của lứa đôi khi đăng ký kết hôn. Chúng tôi cảm thấy cần phải bù đắp một phần trách nhiệm và đã quyết định tổ chức đám cưới cho các em. Chúng tôi muốn tri ân và cảm ơn tất cả những gì các em đã cống hiến trong suốt thời gian qua".

Đám cưới sau tết Nguyên Đán luôn có ý nghĩa đặc biệt. Theo quan niệm, ra Giêng là lúc không khí mùa Xuân vẫn còn lưu luyến. Khoảng thời gian này cũng là mùa lễ hội, nông dân thì "nông nhàn", nên người ta thường tổ chức cưới, hỏi cho con cái. Mỗi đám cưới là một lễ hội thu nhỏ, đặc biệt ở quê. Dịp Tết này tôi về quê được dự một đám cưới trong làng. Phải nói là rất vui, khi được gặp lại biết bao gương mặt thân thương, nhiều thế hệ. Mấy ngày sau thì dịch bùng lên, một đám cưới người cháu phải hoãn. Chúng buồn khôn xiết bởi kế hoạch đã lên, thiệp hồng đã báo. Gần hai năm qua, dịch giã đã khiến bao nhiêu đám cưới, hỏi phải hoãn lại. Hoặc, may mắn được tổ chức thì phạm vi, số lượng khách mời hạn hẹp, nên niềm vui không trọn vẹn. Thậm chí, lúc chưa phủ vaccine, không ít đôi đã phải lìa xa trước lễ vu quy, do một trong hai bị nhiễm COVID-19 tử vong.

Mỗi lần đi qua các trung tâm tổ chức tiệc cưới, lòng lại bùi ngùi bởi "cửa đóng, then cài". Nhiều cơ sở đã phải giải thể khi không trụ nổi tiền thuê mặt bằng, hoặc lãi ngân hàng.

Ảnh cưới đã chụp, thiệp hồng trao tay, nhưng đám cưới của nhiều y, bác sỹ phải hoãn lại vì phải lên đường hỗ trợ các địa phương chống dịch - Ảnh: Thanhnien

Ảnh cưới đã chụp, thiệp hồng trao tay, nhưng đám cưới của nhiều y, bác sỹ phải hoãn lại vì phải lên đường hỗ trợ các địa phương chống dịch - Ảnh: Thanhnien

Lực lượng tuyến đầu, trong đó ngành y đã chịu rất nhiều hy sinh chuyện cá nhân, tình yêu lứa đôi và cả tính mạng cho sứ mệnh an toàn của người dân. Nhiều bà mẹ, ông bố phải chia tay tổ ấm để lao vào các điểm nóng. Nỗi nhớ nhân lên gấp bội nhưng đành phải chịu. Bao bạn trẻ phải gác lại chuyện trăm năm để tập trung cho công tác phòng, chống dịch.

Trong bối cảnh đó, nghĩa cử của Bệnh viện Quân y 175 thực sự lay động. Không chỉ tri ân 20 đôi bạn trẻ trong ngành, họ còn truyền cảm hứng cho nhiều lĩnh vực khác. Rằng, cứ hiến dâng tuổi xuân và tình riêng cho Tổ quốc, đồng bào thì sớm hay muộn sẽ được ghi nhận, đền đáp. Sự kiện đám cưới tập thể càng có ý nghĩa khi Ngày thầy thuốc Việt Nam-27/2 đã cận kề.

Đám cưới tập thể đẹp như trong cổ tích của 20 cặp đôi là sự ghi nhận, tri ân của lãnh đạo Bệnh viện Quân y 175 cũng như của cả xã hội - Ảnh: Báo Phụ nữ

Đám cưới tập thể đẹp như trong cổ tích của 20 cặp đôi là sự ghi nhận, tri ân của lãnh đạo Bệnh viện Quân y 175 cũng như của cả xã hội - Ảnh: Báo Phụ nữ

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2022, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết trong quá trình chống dịch 2 năm qua, đã có trên 3.000 y bác sỹ mắc COVID-19, hơn 10 người đã hy sinh khi chống dịch. Đấy thực sự là những con số biết nói về lòng quả cảm, đức hy sinh của các "chiến sỹ áo trắng".

Cả nước đang trở lại trạng thái bình thường (mới), chắc chắn rồi đây mọi miền quê, thành thị lại rộn ràng các đám cưới. Chúng ta cùng chúc phúc cho các đôi uyên ương trong đám cưới đặc biệt trên, và hy vọng nhiều ngành khác cũng tri ân cán bộ mình theo các hình thức nhân văn. 

 
Thảo Uyên
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa