Cúm - bệnh đặc biệt nguy hiểm với trẻ sơ sinh

Trẻ mắc bệnh như thế nào?

Các loại siêu vi trùng (Cúm A và cúm B) là các tác nhân gây bệnh mạnh nhất và dễ dàng lây lan qua không khí. Nếu em bé của bạn ở gần một ai đó bị cúm, đang ho hoặc hắt hơi, bé có thể sẽ hít phải các giọt nhỏ chứa virus gây bệnh thông qua đường hô hấp (Mũi, miệng). Một người nhiễm cúm có thể truyền bệnh trong khoảng thời gian 1 ngày trước và 5 ngày sau khi xuất hiện các biểu hiện của bệnh.


Do virus cúm sinh sôi rất nhanh, chúng có thể dễ dàng lây lan qua các môi trường như trường học, nhà trẻ, khu vui chơi và cả trong gia đình, thông qua việc tiếp xúc gần. Thông thường quá trình lây nhiễm sẽ diễn ra sau 1 đến 4 ngày tiếp xúc. Tuy nhiên, mức độ nặng nhẹ trên mỗi người bị nhiễm là khác nhau, rất có thể có những người mang trong mình virus cúm mà không hề biết mình đã nhiễm bệnh. Khi họ có các triệu chứng nhẹ, họ thường lầm tưởng là do cảm lạnh và vô tình truyền virus cúm sang cho người khác.

Phải làm gì khi con bị cúm?

Phương pháp điều trị tốt nhất là nghỉ ngơi và cho trẻ bú mẹ hoặc bú bình thường xuyên. Nếu trẻ đã ăn được (nhai được), cho trẻ ăn thêm các loại hoa quả để mát, ăn cùng với súp hoặc canh sẽ giúp trẻ nuốt dễ hơn.

Nếu bạn cảm thấy bé khó chịu, hãy hỏi bác sĩ rằng liệu bạn có thể cho bé uống các loại thuốc giảm đau như Acetaminophen (loại dùng cho trẻ em) có được không. (Không được cho trẻ uống Aspirin khi chưa có được khuyến cáo sử dụng của bác sĩ. Việc sử dụng loại thuốc này có thể gây ra hội chứng Reye, hiếm gặp nhưng nguy hiểm đến tính mạng).

Ngoài ra, tuyệt đối không được sử dụng thuốc kháng sinh. Kháng sinh chỉ có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn. Virus – Khác với vi khuẩn – là nguyên nhân gây bệnh cúm. Do đó, việc sử dụng kháng sinh sẽ không đem lại kết quả. Tuy nhiên, kháng sinh được khuyên sử dụng khi bé của bạn mắc các bệnh như viêm phổi, nhiễm trùng tai hoặc viêm phế quản sau khi mắc cúm.

Bé của bạn sẽ khá hơn trong từ 3 đến 5 ngày. Bạn sẽ thấy con mình giảm sốt và ăn tốt trở lại. Tuy nhiên đây chỉ là con số trung bình. Một số trẻ, thậm chí cả người lớn sẽ có thể vẫn bị ho và đau nhức cơ thể trong 2 tuần tiếp theo, thậm chí là lâu hơn.


Khi nào thì nên gọi cho bác sĩ?

Bạn nên gọi cho bác sĩ nếu bé:

- Dưới 3 tháng tuổi và sốt trên 38 độ C. Bé ở giai đoạn này cần được kiểm tra để tránh bị nặng hơn.

- Từ 3 đến 6 tháng tuổi và sốt trên 38,3 độ C.

- 6 tháng tuổi trở lên và sốt trên 39,4 độ C .

- Sốt kéo dài trên 3 ngày.

- Ho dai dẳng trên 1 tuần.

- Phát triển các triệu chứng của bệnh cúm và bị nhiễm HIV dương tính hoặc có các bệnh mãn tính (Ung thư, bệnh về thiếu máu, tiểu đường hoặc các bệnh liên quan đến tim, phổi hoặc thận).

- Phát triển các triệu chứng của bệnh cúm và bị viêm – thấp khớp hoặc bệnh Kawasaki (hay còn gọi là chứng hạch-da niêm), cả hai bệnh trên đều được điều trị bằng liệu pháp sử dụng Aspirin dài hạn (trong trường hợp này, lợi ích của việc sử dụng Aspirin lớn hơn là những rủi ro mà hội chứng Reye có thể mang lại).

- Có biểu hiện bị đau tai (Trẻ hay kéo tai và quấy khóc).

- Thở khò khè hoặc có vẻ như khó thở hơn so với bình thường.

- Ốm lại ngay sau khi khỏi cúm (Rất có thể trẻ bị nhiễm cúm lần 2 và cần được điều trị)

- Có bất kỳ biểu hiện nào của việc bị mất nước.


Cần theo dõi chặt chẽ sức khỏe của trẻ

Nên tiêm vaccin phòng cúm

Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh (CDC) khuyến cáo rằng tất cả những người khỏe mạnh – trẻ em và người lớn – nên tiêm vaccin phòng cúm hàng năm, bắt đầu từ 6 tháng tuổi. Thậm chí nếu bé của bạn quá nhỏ để tiêm phòng, những người thường xuyên tiếp xúc với bé có thể hạn chế nguy cơ lây nhiễm cho bé bằng cách tiêm phòng.

Việc tiêm phòng là hết sức cần thiết nếu trẻ nằm trong nhóm có nguy cơ cao – Nhóm trẻ bị mắc bệnh tiểu đường, suy giảm hệ thống miễn dịch, thiếu máu, hoặc bị bệnh tim mãn tính, bệnh về phổi (bao gồm cả hen suyễn), hoặc bệnh thận.

Tuy nhiên, hiệu quả của vaccin phòng cúm phụ thuộc rất nhiều vào sức khỏe của bé (hiệu quả hơn nếu các bé khỏe mạnh) cũng như chủng virus mà bé mắc phải (Mỗi loại vaccin phù hợp với những chủng virus nhất định). Trong vài năm gần đây, người ta đã phát triển các loại vaccin phù hợp hơn nhiều so với trước kia.

Nếu bé không bị mắc cúm sau khi tiêm phòng, đó là một dấu hiệu tốt. Tuy nhiên, việc tiêm phòng không bảo vệ trẻ khỏi những chủng virus khác có các biểu hiện giống của bệnh cúm. Bạn nên tìm hiểu thêm về việc tiêm phòng cúm.

Chú ý vệ sinh sạch sẽ!

Bạn có thể giữ cho bé luôn khỏe mạnh bằng cách vệ sinh thật tốt: Rửa tay cho bé bằng xà bông và nước ấm, đồng thời mọi thành viên trong gia đình cũng phải rửa tay thường xuyên để ngăn ngừa mầm bệnh lây lan.

Tốt nhất là bạn nên giữ bé tránh xa những người đang bị ốm (những người này có thể đã bị nhiễm bệnh trước khi có các triệu chứng cụ thể). Ngay cả khi bạn rất cẩn thận, bé vẫn có nguy cơ mắc cúm. Nhưng bạn đừng quá lo lắng, với những trẻ đã từng mắc cúm, bé sẽ ít bị lại trong cùng năm đó do cơ thể trẻ đã có sự miễn dịch nhất định.

vanhuong
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ