Da cháy nắng, cách điều trị và phòng ngừa thế nào?

Da đỏ, bong bóc và đau rát khi bị cháy nắng

Làm dịu da cháy nắng bằng nguyên liệu dễ tìm trong nhà bếp

Biện pháp “cấp cứu” làn da cháy nắng đỏ rát

Làm sao để hồi phục làn da bị cháy nắng?

10 cách hay chữa ngay cháy nắng

Da cháy nắng mất bao lâu để hồi phục?

Cháy nắng là một loại tổn thương da do tiếp xúc quá nhiều với bức xạ tia cực tím (UV) từ ánh nắng mặt trời. Khi da tiếp xúc với tia UV quá mức sẽ gây ra phản ứng trong tế bào da, dẫn đến viêm và đỏ. Tình trạng da bị cháy nắng có thể ở các mức độ khác nhau, từ đỏ nhẹ đến phồng rộp và đau dữ dội hơn.

Theo trang Healthday, thời gian da cháy nắng hồi phục sẽ tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của nó. Với những vết cháy nắng nhẹ thường kéo dài từ một vài ngày đến 1 tuần, trong khi vết cháy nắng nghiêm trọng hơn kèm theo mụn nước có thể mất khoảng 7 đến 10 ngày để lành hẳn.

Cách điều trị da cháy nắng giúp nhanh hồi phục

Điều trị vết cháy nắng bao gồm làm dịu da, giảm viêm và thúc đẩy quá trình lành vết thương. Dưới đây là những cách bạn có thể áp dụng để giảm bớt sự khó chịu do cháy nắng:

- Làm mát da: Tắm nước mát hoặc chườm mát lên vùng bị ảnh hưởng để giúp làm dịu vết bỏng cũng như giảm bớt sự khó chịu.

- Giữ ẩm cho da: Thoa kem dưỡng ẩm phù hợp lên vùng da cháy nắng để giúp làm dịu và cấp ẩm cho da. Gel nha đam (lô hội) thường được xem là an toàn và được sử dụng rộng rãi vì đặc tính làm dịu. Tuy nhiên, nó vẫn có thể gây phản ứng da (như phát ban) ở một số người. Vì vậy, bạn cần thận trọng khi sử dụng.

- Cân nhắc dùng thuốc giảm đau không kê đơn: Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen có thể giúp giảm đau và viêm liên quan đến cháy nắng. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi dùng bất cứ loại thuốc nào để tránh tác dụng phụ không mong muốn.

- Tìm kiếm sự chăm sóc y tế: Nếu bị phồng rộp nghiêm trọng, sốt, ớn lạnh hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng (như vùng da cháy nắng đau nhiều, sưng tấy, mủ…) bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để thăm khám và có phương pháp điều trị phù hợp.

Làm thế nào để phòng ngừa da cháy nắng?

Sử dụng kem chống nắng

Thoa kem chống nắng phổ rộng có khả năng chống tia UVA và UVB với chỉ số chống nắng (SPF) từ 30 trở lên cho tất cả các vùng da tiếp xúc - bao gồm mặt, cổ, tai và tay - ít nhất 20 đến 30 phút trước khi ra ngoài. Bạn cần dặm lại kem chống chống nắng sau 2-3 giờ.

Kem chống nắng có nhiều dạng khác nhau như dạng kem, dạng gel, dạng xịt và dạng thỏi. Hãy chọn loại phù hợp với làn da, sở thích và hoạt động của bạn.

Bảo vệ môi

Thoa son dưỡng môi có chứa SPF để bảo vệ đôi môi của bạn khỏi bị cháy nắng và tổn thương do tia cực tím.

Mặc quần áo bảo hộ

Để bảo vệ da khỏi tia UV có hại bạn nên mặc quần áo dài tay, đội mũ rộng vành… khi ra ngoài. Lưu ý, khi mua quần áo chống nắng hãy chọn loại vải dệt chặt có chỉ số chống tia cực tím (UPF) cao.

Đeo kính râm

Bảo vệ mắt của bạn bằng cách đeo kính râm có khả năng chống tia cực tím. Không phải tất cả kính râm đều có khả năng chống tia cực tím, vì vậy hãy nhớ kiểm tra kỹ thông tin trước khi mua.

Chọn nơi có bóng râm

Nếu có thể, bạn hãy hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, đặc biệt là trong những giờ bức xạ tia cực tím cao điểm từ 10h sáng đến 14h chiều. Trong trường hợp đang ở ngoài trời, nên tìm bóng râm dưới tán cây, ô hoặc mái che để giảm tiếp xúc với tia cực tím.

Chống nắng ngay cả ngày âm u

Bạn hãy tạo thói quen chống nắng quanh năm, không chỉ trong mùa Hè hay những ngày nắng. Bức xạ tia cực tím có thể xuyên qua các đám mây và gây cháy nắng ngay cả trong những ngày âm u.

 
Lê Tuyết (Theo Healthday)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Da liễu