Trẻ bị sởi có nên dùng kháng sinh?

Bệnh sởi có thể phòng tránh được nếu trẻ tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch

Làm sao để con nhanh khỏi bệnh sởi?

Bệnh sởi ở trẻ nguy hiểm thế nào, mắc bao lâu sẽ khỏi?

Những lưu ý khi cho trẻ tiêm vaccine phòng bệnh sởi

CDC: Bệnh sởi nguy cơ trở thành mối đe dọa toàn cầu mới do COVID-19

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính với các triệu chứng khá đặc trưng như như sốt, phát ban, chảy mũi, ho, đỏ mắt... Bệnh có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn nếu không có miễn dịch để phòng bệnh.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), sởi là bệnh do virus sởi gây ra. Bệnh sởi có thể tự khỏi nhưng vẫn gây ra tử vong trên các bệnh nhi có bệnh lý nền. Việc tiêm vaccine đầy đủ theo lịch có thể giúp con bạn phòng tránh bệnh hiệu quả.

Liên quan đến việc trẻ mắc sởi gia tăng, BS. Dũng cho biết, nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể là do việc trẻ không được tiêm phòng đầy đủ. Nếu như trước đây, tiêm vaccine sởi thường chỉ 1 mũi thì hiện nay phải tiêm ít nhất 2 mũi, vậy nên có thể nhiều trẻ chưa được tiêm phòng. Nguyên nhân là khi đến lịch tiêm thì trẻ bị ốm, ho nên hoãn tiêm. Hiện nay các bậc cha mẹ lựa chọn tiêm dịch vụ rất nhiều. Khi tiêm dịch vụ thường họ rất thận trọng, chỉ cần trẻ ho, hắt hơi đều không tiêm. Tuy nhiên, theo BS. Dũng, thực tế trẻ ho, hắt hơi có thể kéo dài cả tháng, nếu không tiêm sẽ quá thời gian.

Bên cạnh đó, khoảng trống ở các trẻ từ 9 tháng tuổi trở xuống chưa được tiêm phòng cũng là nguyên nhân gây gia tăng số bệnh nhi mắc sởi.

"Nếu như trước kia các bà mẹ thường mắc và khỏi sởi tự nhiên, nên kháng thể mạnh hơn kháng thể được tiêm. Đến khi sinh con thì kháng thể trong mẹ vẫn truyền cho con được rất nhiều, do đó sẽ bảo vệ cho con 1 giai đoạn sau khi chào đời. Thế nhưng bây giờ số lượng kháng thể của các bà mẹ lại giảm vì các bà mẹ không mắc sởi mà chỉ tiêm phòng mới có kháng thể. Như chúng ta đã biết, ngày trước thường chỉ tiêm 1 mũi vaccine nên lượng kháng thể càng ít. Vì vậy, những đứa trẻ khoảng 6 tháng là có thể bị mắc sởi", BS. Dũng chia sẻ.

Thông thường thời gian ủ bệnh sởi là khoảng 11 ngày với các triệu chứng mờ nhạt, khó phát hiện. Sau đó, triệu chứng bệnh xuất hiện rầm rộ. Theo BS. Dũng cho biết: "Sau thời gian ủ bệnh trẻ bắt đầu sốt. Khoảng 1-2 ngày sau các ban sởi bắt đầu mọc lan dần ra mặt, rồi xuống ngực bụng, lưng và cuối cùng là đến chân. Tiếp đến 2-3 ngày thì ban bay và trẻ hết sốt. Tuy nhiên, khi phát ban bay sẽ để lại vết thâm trên da (còn gọi là vết lằn da hổ). Sau khoảng 1 tuần trẻ tỉnh táo. Nhưng vết lằn da hổ có thể ở lại đến 2-3 tuần sau".

Khi trẻ nhỏ mắc bệnh sởi, thay vì nôn nóng sử dụng kháng sinh, phụ huynh nên thực hiện một vài phương pháp giúp cải thiện bệnh sởi tại nhà. Việc đầu tiên khi phát hiện trẻ có dấu hiệu mắc bệnh sởi là để trẻ được nghỉ ngơi ở những nơi thoáng đãng và sạch sẽ. Trong suốt thời gian trẻ mắc bệnh, phụ huynh nên cung cấp thêm cho trẻ các chất dinh dưỡng cần thiết.

Quan niệm dân gian cho rằng trẻ bị bệnh sởi cần phải kiêng gió, kiêng nước và tránh đi ra ngoài, tuy nhiên đây là quan điểm hoàn toàn sai lầm. Khi trẻ mắc bệnh sởi, cha mẹ phải vệ sinh sạch sẽ cho bé để giảm thiểu tối đa nguy cơ trẻ bị sởi bị bội nhiễm các loại vi khuẩn khiến tình trạng ngày càng nặng hơn.

Về việc có nên cho trẻ dùng kháng sinh khi bị sởi không? BS. Dũng khuyến cáo, khi trẻ bị sởi chưa có biến chứng phụ huynh tuyệt đối không tự ý cho trẻ uống kháng sinh. Bởi đối với virus kháng sinh không có tác dụng. Trong trường hợp trẻ xuất hiện biến chứng sởi các bác sỹ sẽ thăm khám và chỉ định dùng kháng sinh (nếu cần).

"Vaccine sởi đến nay được đánh giá tương đối an toàn với trẻ em. Để phòng bệnh cho con, phụ huynh cần chủ động đưa con đi tiêm mũi đầu khi đủ 9 tháng, mũi thứ 2 trẻ được 18 tháng tuổi", BS. Dũng nói.

 
Lê Tuyết
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bệnh thường gặp