Mèo cũng có thể mắc một số bệnh "tuổi già" tương tự như con người.
Những lý do khiến mèo cưng bỏ ăn
Mèo cưng cũng biết khi nào “sen” buồn
Cách chọn cát phù hợp cho mèo cưng
5 lý do khiến mèo cưng vệ sinh sai chỗ
Với điều kiện chăm sóc tốt, tuổi thọ trung bình của mèo hiện nay đã kéo dài đến giai đoạn cuối tuổi thiếu niên, thậm chí hơn 20 năm. Tuy nhiên, tuổi cao kéo theo sự lão hóa của não bộ. Tình trạng suy giảm nhận thức ở mèo giờ đây đã được y học thú y công nhận, tương tự như hội chứng "sundowner" ở người cao tuổi.
Các dấu hiệu phổ biến của chứng mất trí ở mèo
Mất trí nhớ ở mèo là một quá trình tiến triển từ từ, ảnh hưởng đến khả năng nhận thức và hành vi. Ban đầu, các biểu hiện có thể không rõ ràng hoặc bị nhầm lẫn với các thay đổi tuổi già thông thường. Theo thời gian, “sen” có thể bắt đầu nhận ra các dấu hiệu rõ rệt hơn, bao gồm:
- Đi lại vòng quanh hoặc đi tới đi lui không mục đích
- Kêu liên tục hoặc bất thường, đặc biệt là vào ban đêm
- Chải lông quá mức hoặc ngược lại, ít tự chải lông
- Chán ăn
- Lạc hướng, dễ bị "kẹt" ở các góc tường hoặc không biết quay lại
- Tần suất đi vệ sinh ngoài hộp cát nhiều hơn
Cách chẩn đoán bệnh mất trí ở mèo
Không có xét nghiệm đơn lẻ nào có thể chẩn đoán chính xác chứng mất trí ở mèo. Vì vậy, bước đầu tiên là loại trừ các nguyên nhân bệnh lý thực thể. Ví dụ, mèo bị viêm khớp có thể ngại di chuyển đến khay vệ sinh, gây nhầm lẫn với hành vi mất trí.
Chẩn đoán cũng thường dựa trên việc kết hợp đánh giá lịch sử bệnh lý, hành vi hiện tại và khám lâm sàng toàn diện. Khi các bệnh lý thể chất đã được loại trừ hoặc được kiểm soát, bác sĩ thú y sẽ cân nhắc đến khả năng mèo cưng mắc suy giảm nhận thức.

Sự chăm sóc tận tình từ "sen" chính là "liều thuốc" tốt nhất cho những chú mèo già
Hỗ trợ mèo già bị suy giảm nhận thức
Mặc dù không có cách chữa khỏi hoàn toàn, nhưng hiện vẫn có một số biện pháp giúp cải thiện chất lượng sống cho mèo, bao gồm:
- Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng: Một số chất bổ sung có thể hỗ trợ chức năng nhận thức ở mèo già như các vitamin và chất chống oxy hóa (vitamin B12, C, E, beta-carotene), các acid béo Omega-3 hoặc acid amin carnitine.
- Kích thích tinh thần hằng ngày: Các trò chơi đơn giản như đồ chơi nhồi thức ăn, que lông vũ hoặc bóng có thể giúp duy trì sự hứng thú cho mèo cưng. Hãy dành thời gian chơi cùng mèo mỗi ngày, kể cả khi chúng chỉ hưởng ứng nhẹ nhàng. Bên cạnh đó, duy trì giờ giấc sinh hoạt đều đặn cũng giúp giảm lo âu cho mèo như cho ăn đúng giờ, kiểm soát lượng ăn để chắc chắn mèo không bỏ bữa.
- Giúp mèo thích nghi với thay đổi về thể chất: Nếu mèo hay tỉnh giấc ban đêm hoặc kêu nhiều, hãy bố trí đèn ngủ ở các khu vực thường đi lại để mèo dễ định hướng. Thêm khay vệ sinh ở nơi dễ tiếp cận nếu mèo gặp khó khăn trong việc di chuyển. Ngoài ra, “sen” cũng cần chuẩn bị chỗ nằm ấm, có ánh nắng hoặc bệ cao để mèo nghỉ ngơi và hỗ trợ việc chải lông thường xuyên nếu mèo không còn tự chăm sóc kỹ như trước. Điều quan trọng là giữ môi trường sống yên tĩnh, ổn định và tránh thay đổi quá nhiều, nhằm giúp mèo cảm thấy an toàn.
Nếu bạn đang chăm sóc một chú mèo già có dấu hiệu suy giảm trí nhớ, điều quan trọng nhất là kiên nhẫn và thấu hiểu. Mèo cưng sẽ không cố tình "nghịch ngợm" hay "làm phiền" mà chỉ là chúng đang vật lộn để thích nghi với những thay đổi trong não bộ và thế giới xung quanh.
Sự hiện diện, tình cảm và sự chăm sóc tận tình từ “sen” chính là liều thuốc tinh thần tốt nhất để giúp mèo cảm thấy được yêu thương, an toàn và sống những năm cuối đời một cách trọn vẹn nhất.
Bình luận của bạn