- Chuyên đề:
- Kinh nghiệm nuôi con
Đau bụng là biểu hiện thường thấy ở trẻ bị nhiễm giun
Trẻ bị nhiễm giun: Dấu hiệu nhận biết và cách tẩy giun tự nhiên
Bé 20 tháng có thể tẩy giun không?
Mẹ đã biết cách tẩy giun đúng cách cho trẻ?
Uống thuốc tẩy giun, 7 học sinh nhập viện
Dấu hiệu nhiễm giun ở trẻ nhỏ
Trẻ nhỏ hiếu động và chưa có ý thức cao về vệ sinh cá nhân là đối tượng có nguy cơ cao nhiễm giun. Các bé dễ phơi nhiễm với trứng giun khi có thói quen đùa nghịch, bò lê, đi chân đất, cắn móng tay...
Tùy theo loại giun trẻ bị nhiễm, đây là một số dấu hiệu cha mẹ cần tẩy giun cho trẻ:
- Giun đũa: Trẻ bị nhiễm giun đũa thường đau bụng vòng quanh rốn, hay bị rối loạn tiêu hóa, nôn hoặc đi nặng ra giun.
- Giun móc: Trẻ nhiễm giun móc dễ bị thiếu máu, xanh xao, thường mệt mỏi, chán ăn, đau bụng âm ỉ vùng thượng vị hoặc quanh rốn. Đôi khi, trẻ có thể bị táo bón, đi ngoài phân đen.
- Giun tóc: Khi nhiễm nhiều giun tóc, trẻ mới có biểu hiện rõ rệt như đau bụng, mót rặn, đi ngoài nhiều lần phân ít có chất nhầy lẫn máu.
Nhiễm giun khiến trẻ khó chịu, đau bụng và quấy khóc
- Giun kim: Trẻ bị nhiễm giun kim thường khó ngủ, hay quấy khóc do ngứa hậu môn và thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa, phân lỏng đôi khi có lẫn máu và chất nhầy.
Thuốc tẩy giun cho trẻ em
Cha mẹ nên bắt đầu cho trẻ tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần khi trẻ đủ 2 tuổi. Trong trường hợp trẻ dưới 2 tuổi, cha mẹ phải đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị theo sự hướng dẫn của bác sỹ. Một số thuốc tẩy giun cho trẻ phổ biến và dễ sử dụng gồm:
Albendazole
Albendazole có tác dụng ức chế tiêu thụ glucose ở ấu trùng và giun trưởng thành, khiến giun bất động rồi chết. Thuốc được chỉ định cho trẻ trên 2 tuổi, có thể tẩy giun đũa, giun móc, giun tóc, giun lươn, giun kim.
Mebendazole
Mebendazole có cơ chế gần giống với albendazole, ngoài ra còn ức chế sự sinh sản của giun. Chỉ dùng thuốc này cho trẻ trên 2 tuổi.
Pyrantel
Pyrantel được dùng để tẩy giun kim, giun đũa, giun móc cho trẻ từ 2 tuổi trở lên với liều 10mg/kg cân nặng.
Trẻ có thể tẩy giun bằng thuốc viên hoặc dạng siro
Trước khi quyết định tẩy giun cho con, cha mẹ cần kiểm tra sức khỏe của trẻ và tham khảo ý kiến bác sỹ. Phụ huynh cũng cần đảm bảo liều dùng, lịch uống nhắc lại và dạng thuốc (viên nén, viên nhai, siro) phù hợp với con trẻ.
Trẻ mắc một số bệnh mãn tính, bệnh tim bẩm sinh, suy gan, suy thận hoặc đang ốm, sốt... không nên tẩy giun khi không có chỉ định và theo dõi của bác sỹ.
Lưu ý khi tẩy giun cho trẻ
- Một số sản phẩm thuốc tẩy giun có hình dạng giống với kẹo, mùi chocolate hoặc hoa quả hấp dẫn. Cha mẹ cần bảo quản thuốc ở nơi cao, tránh trường hợp trẻ sử dụng thuốc tẩy giun quá liều.
- Thời điểm uống thuốc tẩy giun hiệu quả nhất là sau bữa ăn tối 2 giờ hoặc vào sáng sớm khi bụng đói. Tuy nhiên, với trẻ nhỏ, cha mẹ nên cho các bé ăn no trước khi uống thuốc tẩy giun.
Giúp trẻ hình thành thói quen vệ sinh cá nhân để bảo vệ sức khỏe
- Để phòng tránh tình trạng tái nhiễm giun, phụ huynh cần cố gắng giữ gìn vệ sinh nhà cửa, dạy trẻ rửa tay thường xuyên trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên tạo thói quen ăn uống lành mạnh, hợp vệ sinh cho cả gia đình.
- Thuốc tẩy giun có thể gây một số tác dụng phụ ở trẻ như đau bụng, buồn nôn và tiêu chảy thoáng qua. Nếu trẻ có phản ứng dị ứng với thuốc (phát ban, ngứa, nổi mề đay), hãy đưa trẻ đi khám để được tư vấn cách xử lý phù hợp.
Bình luận của bạn