Để không... mất Tết vì con

Nỗi lo của các mẹ

Chị Lan Thương (Khu tập thể viện 103, Hà Đông - Hà Nội) chia sẻ: “Mình còn nhớ Tết năm ngoái cho cháu về quê nội, vì phong tục ở quê đến nhà ai cũng phải ở lại dùng cơm, ăn chút bánh kẹo lấy may đầu năm cho tình cảm. Mà trẻ con thì rất thích bánh kẹo, cứ thấy ai đưa là lấy ngay, quát con không cho ăn thì không được, thế là tặc lưỡi đồng ý cho con ăn. Con nhà mình bị đường ruột từ khi mới sinh. Thường ngày ở nhà mình rất cẩn thận trong việc ăn uống cho con. Ấy thế, ngay sau ngày đầu tiên của năm mới cháu đã bị rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi khiến cả nhà lo lắng, Tết mất vui. Năm nay không cho con về quê thì không được, cho về thì lo”.

Cùng cảnh ngộ với gia đình chị Lan, chị Thu Thủy (Thanh Khê – Đà Nẵng) vì nhà nội ở Thanh Hóa, đi xa cả năm, Tết đến có đứa cháu đích tôn phải cho về thăm ông bà. Do nề nếp sinh hoạt ở quê khác, lại phải đi thăm hỏi mọi người nên việc ăn uống thất thường, đồ ăn tích trữ trong tủ lạnh không được bảo quản cẩn thận, nên sau khi ăn vào cháu bị rối loạn tiêu hóa nặng. Đã vậy ở quê thuốc men thiếu thốn, thế là anh chị phải rút ngắn thời gian ở chơi Tết với bố mẹ, bay vào Đà Nẵng đưa cháu đi điều trị.


Trẻ bị rối loạn tiêu hóa dễ dẫn đến những hậu quả như bị sút cân, gầy yếu và suy giảm sức khỏe.

Bí quyết phòng tránh trẻ bị rối loạn tiêu hóa ngày Tết

Theo bác sỹ Vũ Vân Anh (Trung tâm truyền Thông – Sở Y tế Hà Nội), ngày Tết là dịp họp mặt, vui chơi sau một năm bận rộn, nên mọi người thường lơ là sức khỏe của mình cũng như của con mình. Hơn nữa, ngày Tết thường có thói quen gặp đâu ăn đấy, nếp sinh hoạt ngày thường bị đảo lộn, giờ giấc và thực đơn bị thay đổi, các bé tha hồ ăn những món khoái khẩu như kẹo, bánh, mứt, xúc xích, uống nước ngọt có ga... nên đến bữa ăn chính thì ngang bụng, không còn đoái hoài gì đến cơm hay cháo nữa. Mà những loại thực phẩm đó thường chứa nhiều chất bảo quản, đường hóa học hoặc phẩm màu nên các bé rất dễ bị đau bụng. Bên cạnh đó, các mẹ thường tích trữ nhiều đồ ăn trong tủ lạnh khiến thực phẩm không được tươi ngon và dễ bị hỏng do lẫn mùi của nhau vì thế khả năng nhiễm khuẩn cũng khá cao… Đó là nguyên nhân khiến bé dễ bị mắc rối loạn tiêu hóa như táo bón, tiêu chảy, chướng bụng, đầy hơi, đi ngoài phân sống… Với trẻ nhỏ, hệ tiêu hóa chưa phát triển hoàn thiện cả về cấu tạo và chức năng nên rất nhạy cảm.

Những triệu chứng rối loạn tiêu hóa nếu ở giai đoạn nhẹ thì thường không gây nguy hiểm gì và rất dễ điều trị, nhưng do tâm lý mải vui nên không ít cha mẹ thường bỏ qua những biểu hiện ấy, chỉ đến khi con bị đi ngoài nhiều lần trong ngày và kéo dài từ hai đến ba ngày thì lúc đó tình hình nghiêm trọng các mẹ mới hốt hoảng. Trẻ bị rối loạn tiêu hóa thường đi phân lỏng toàn nước, có mùi tanh. Lúc này, việc điều trị trở nên khó khăn hơn và dễ dẫn đến những hậu quả như con bị sút cân, gầy yếu và suy giảm sức khỏe.

Bác sĩ Vân Anh chia sẻ thêm, để tránh tình trạng cả nhà mất Tết chỉ vì con bị rối loạn tiêu hóa các mẹ hãy để ý chăm sóc sức khỏe cho bé. Hãy đảm bảo đủ các chất dinh dưỡng cần thiết như chất đạm, chất béo, tinh bột, rau củ quả, trái cây tươi… Kiểm soát những loại thức ăn chứa nhiều đường và chất bảo quản như kẹo, bánh, mứt Tết, nước ngọt, đồ hộp… Đối với những gia đình hay phải di chuyển về quê xa, đi du lịch hãy sắp sếp một thời khóa biểu ăn uống hợp lý để duy trì chế độ ăn gần với ngày thường, tăng cường rau xanh trong bữa ăn của bé, tăng cường cho bé uống nước. Vì điều kiện ngày Tết nên không thể chợ búa như hàng ngày các mẹ dự trữ đồ ăn của bé phải bảo quản trong hộp kín và để ở ngăn riêng, tránh bị lẫn mùi bởi những thức ăn khác.


Cho dù ngày Tết thì các mẹ vẫn nên cố gắng hết sức đảm bảo dinh dưỡng cho con như ngày thường để tránh tình trạng bé bị rối loạn tiêu hóa. (Ảnh minh họa)

Khi trẻ bắt đầu có dấu hiệu của triệu chứng rối loạn tiêu hóa như đi ngoài, các mẹ phải bù nước bằng cách cho con uống nhiều nước, nhất là nước điện giải để các bé tránh tình trạng mất nước.

Với trẻ bị táo bón, đầy bụng, khó tiêu thì nên xoa bụng, chườm ấm, không nên bắt bé ăn nhiều thức ăn, tăng cường chất xơ.

Khi các bé bị rối loại tiêu hóa thường khó chịu và trở nên biếng ăn, vì thế các mẹ cần cho bé ăn nhỏ bữa nhiều lần trong ngày, không cần kiêng cữ quá nhiều vẫn phải cho các bé ăn đủ chất.

Đặc biệt các mẹ phải rửa tay thường xuyên cho con, nhất là trước sau khi ăn bằng xà bông diệt khuẩn. Vì bàn tay các bé là nơi tiếp xúc rất nhiều đồ vật, vì vậy cần phải được giữ sạch sẽ để phòng tránh một số bệnh như tiêu chảy, tay chân miệng.

Lưu ý rằng nếu những biểu hiện trên không được cải thiện và có chiều hướng xấu đi, mẹ cần phải đưa trẻ đến gặp bác sỹ, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc để tránh những tác hại khôn lường.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ