Đề xuất cấm bán rượu bia sau 22h: Nhiều tranh cãi

Quy định cấm bán rượu bia sau 22 giờ sẽ rơi vào quên lãng?

WHO tư vấn chống lạm dụng rượu bia cho Việt Nam

Vấn đề sức khỏe có mặt trong đề xuất không bán rượu, bia sau 22h

Dự thảo quy định cấm bán rượu bia sau 22h

Cấm rượu bia sau 22h có thể không khả thi

 


Ảnh: Q.Thế

Trao đổi với báo chí, bà Vũ Thị Minh Hạnh - Phó viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế, một trong số thành viên tổ biên tập xây dựng dự thảo luật trên - nói: "Hầu hết các nước đều áp dụng hạn chế độ tuổi, hạn chế giờ bán, điểm bán rượu bia. Đây là một trong số những biện pháp có hiệu quả của các nước. Như Thái Lan cấm bán rượu bia cả ngày, chỉ cho phép bán từ 17h-21h, có nước cấm bán trong giờ hành chính. Khi xây dựng dự thảo này, chúng tôi đã bàn rất kỹ và thấy VN dự định cấm bán rượu bia từ 22h-6h sáng là rất "nhẹ", tránh việc các ông lai rai khuya quá ảnh hưởng đến trật tự xã hội, hạnh phúc gia đình..."


* Thưa bà, một trong những vấn đề của dự định này là tính khả thi. Theo bà, mức độ khả thi của việc cấm bán rượu bia sau 22h sẽ như thế nào, ai là người đi phạt và có quyền phạt?

- Quy định nào mới ra cũng có những khó khăn của nó. Nhưng theo tôi, các cửa hàng lớn thì quản lý thị trường có quyền phạt, thức ăn đường phố UBND xã phường có quyền, tùy theo mức độ quản lý, hay các nhà hàng lớn hơn nữa thì sở Công thương, sở Kế hoạch - Đầu tư, khi có bằng chứng về bán rượu bia vào giờ cấm có thể rút giấy phép.

 Lãnh đạo UBND TP.HCM từng bác đề nghị cấm rượu bia.

Tại hội nghị sơ kết quý 1/2014 về tình hình thực hiện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TP.HCM, thượng tá Trần Thanh Trà, trưởng Phòng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Công an TP), từng đề xuất UBND TP cấm kinh doanh rượu bia sau 22h, chỉ cho phép kinh doanh buôn bán rượu bia tại một số khu vực nhất định nhằm hạn chế tai nạn giao thông trên địa bàn TP. Tuy nhiên, đề xuất trên bị Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín bác vì cho rằng đó chưa phải là một giải pháp hay và liên quan đến nhiều vấn đề khác.

Q.KHẢI

* Nhiều ý kiến cho rằng quy định này có thể ảnh hưởng đến thu hút khách du lịch, khi họ có nhu cầu giải trí khuya mà thời điểm đó lại cấm bán rượu bia, thưa bà?

- Nếu nói về khách du lịch, lượng khách đến VN hoàn toàn chưa thể bằng Thái Lan, tại sao Thái Lan cấm bán rượu bia sau 21h mà thu hút được nhiều khách như vậy, VN cấm sau 22h lại ngại về vấn đề du lịch? Tôi cho rằng khách du lịch đến VN cũng phải chấp nhận quy định của VN, và không phải vì không bán rượu bia nữa thì du lịch VN thành ra kém hấp dẫn. Nếu đặt ra quy định nào cũng thấy khó khăn khi thực hiện, sợ thực hiện không được thì cứ để rượu bia lan tràn mãi, ảnh hưởng an ninh trật tự, dẫn đến bạo lực gia đình và tổn phí vật chất của xã hội.

* Thưa bà, VN từng có nhiều quy định liên quan đến cấm rượu bia, nhưng việc thực hiện thật sự chưa hiệu quả như quy định cấm cán bộ công chức uống rượu bia trong giờ hành chính, giờ ăn trưa...

- Gần đây đã có hơn 10 địa phương thực hiện khá tốt quy định này, như Trà Vinh đã kỷ luật 9-10 ông đảng viên, giảm hẳn tình trạng uống rượu bia lan tràn trong giờ làm việc, giảm lãng phí mà năng suất thi hành công vụ lại tăng lên; hay như Bình Dương, Lạng Sơn, Bắc Ninh... cũng là những địa chỉ tốt. Tôi cho rằng việc cấm bán rượu bia sau 22h là hợp lý, 10 đêm rồi mà vẫn còn nhậu, ảnh hưởng đến trật tự xã hội vì có khi chỉ vì nhìn nhau cũng ẩu đả vì đã có hơi men, rồi tai nạn giao thông...

Quy định thời gian bán rượu bia ở các nước

Không chỉ ở VN, nhiều quốc gia khác cũng đưa ra dự thảo và thậm chí thông qua các quy định gây tranh cãi về việc hạn chế thời gian bán rượu bia.

Theo The Straits Times, trong nỗ lực làm giảm các vụ gây rối nơi công cộng do rượu bia gây ra, cuối năm 2013 Chính phủ Singapore ban hành dự luật cấm tiêu thụ bia rượu ở những nơi tập thể, chẳng hạn như ở công viên hay tầng trệt sinh hoạt chung của các hộ dân. Dự luật này còn yêu cầu các cửa hàng hạn chế thời gian bán rượu bia, chẳng hạn như lấy ý kiến người dân về việc cấm bán các loại thức uống có cồn sau 10g tối, nửa đêm hay sau 2g sáng.

Chính phủ Singapore cũng dự định biến những địa điểm phổ biến với du khách như khu Robertson Quay hay khu Tiểu Ấn thành những khu vực không rượu bia để giải quyết các vấn đề như tiếng ồn, xả rác bừa bãi, ói mửa, thậm chí đánh nhau. Hiện nay ở Singapore, những cửa hàng bán lẻ ở các khu dân cư hay các quận thương mại có thể xin giấy phép bán bia rượu 24/24 giờ. Trong khi đó, các cửa hàng ở các khu vực chung và đông người có thể bán bia rượu từ 6g sáng đến 3g sáng hôm sau trong ngày thường và từ 6g-4g sáng hôm sau vào thứ bảy hoặc trước các kỳ nghỉ lễ.

Trong khi đó ở Thái Lan, mọi người có thể thoải mái mua các thức uống có cồn ở các quán bar, khách sạn và nhà hàng. Tuy nhiên, các siêu thị, cửa hàng bán lẻ như 7-Eleven, Mom-and-Pop, hay các cửa hàng chuyên bán rượu bia không được phép phục vụ khách hàng trong thời gian từ 2g-5g chiều và từ 12g đêm đến 11g sáng. Sở dĩ quy định này được ban hành vì Chính phủ Thái không muốn trẻ em (ở đây được hiểu là học sinh, sinh viên) có thể tiếp cận và mua bia rượu. Ở Thái Lan, học sinh, sinh viên thường tan học trong khoảng 2g-5g chiều. Ngoài ra, Ủy ban bầu cử Thái Lan cũng nghiêm cấm bán bia rượu trong những ngày diễn ra bầu cử cho các văn phòng của thủ tướng và thượng nghị sĩ. Thái Lan cũng cấm bán bia rượu trong những ngày lễ tôn giáo. Trong khi đó, một số bang ở Úc chỉ cho phép bán rượu bia đến 10g tối, theo The Straits Times.

Q.TRUNG tổng hợp



*Luật sư ĐINH VĂN QUẾ:

Lại một quyết định "trên trời"!

Đây không phải lần đầu cơ quan tham mưu nghĩ ra những điều cấm "trên trời".Việc cấm uống rượu bia là cần thiết, nhưng cấm thế nào cho có hiệu quả là một vấn đề. Không thể chỉ dùng biện pháp hành chính cứng nhắc, mà phải áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó không thể thiếu biện pháp tuyên truyền giáo dục, làm cho mọi người thấy tác hại của rượu bia. Mặt khác, khi đưa ra biện pháp nào cũng phải tính đến tính khả thi. Đề xuất cấm bán rượu bia sau 22h là một đề xuất không thực tế, phản khoa học không thể thực hiện được.

* Ông KHUẤT VIỆT HÙNG (phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia):

Cần xem cả mặt tích cực và tiêu cực

Theo tôi, ngành y tế đưa ra dự thảo này cũng nhằm đón nhận sự góp ý của các đối tượng bị ảnh hưởng bởi quy định này như các nhà hàng, quán bar, các trung tâm giải trí hoặc những người tiêu dùng rượu bia và cần được sự góp ý của các cơ quan thông tin đại chúng...

Việc đưa ra dự thảo trên là thành ý, nhưng cũng cần xem xét về mặt tích cực và mặt tiêu cực như liệu có ảnh hưởng về khách du lịch hay không và vấn đề quan trọng là liệu việc thực thi, chế tài có hiệu quả hay không.

*Luật sư HUỲNH VĂN NÔNG (Đoàn luật sư TP.HCM):

Tôi ủng hộ

Cá nhân tôi ủng hộ việc cấm bán rượu bia sau 22h. Tuy nhiên để quy định này khả thi, tạo được sự đồng thuận thì cần được lấy thêm ý kiến rộng rãi từ nhiều ngành, đối tượng như ngành công thương, đơn vị sản xuất, người mua bán và cả những người thường uống rượu bia. Bởi một khi quy định ban hành sẽ ảnh hưởng rất nhiều lĩnh vực như du lịch, kinh tế.

*Thượng tá TRẦN THANH TRÀ (trưởng Phòng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM):

Hoàn toàn hợp lý

Về quy định của Bộ Y tế đề xuất cấm bán rượu bia sau 22h là hoàn toàn hợp lý. Vì sau thời điểm 22h, nếu các hàng quán tiếp tục bán rượu bia cho khách nhậu nhẹt ồn ào sẽ làm những người dân sống xung quanh bị mất ngủ. Nhiều trường hợp sau khi nhậu nhẹt say xỉn đã có những hành vi gây rối trật tự công cộng, tụ tập đua xe, quậy phá... Nếu đề xuất của Bộ Y tế được triển khai thì sẽ hạn chế được nhiều vụ tai nạn giao thông, gây rối trật tự công cộng liên quan đến rượu bia.

*Luật sư HOÀNG CAO SANG (Đoàn luật sư TP.HCM):

Sẽ có chồng chéo

Dưới góc độ pháp lý, các nhà hàng, tụ điểm ăn uống được cấp phép hoạt động đến 24h, mà luật lại có quy định đến 22h cấm bán rượu bia thì sẽ ra sao? Rõ ràng sẽ có sự chồng chéo nhau về vấn đề kinh doanh. Vấn đề nữa là cấm bán rượu bia sau 22h thì cơ quan nào sẽ đi kiểm tra và xử lý?

*Anh JAKE HOUSEAGO(Anh):

Uống bia ở đâu?

Có những ngày tôi thường kết thúc công việc lúc 10h tối. Tôi thích uống bia sau khi xong việc. Tôi nghĩ dự thảo này áp dụng cho các cửa hàng thì phù hợp hơn. Hãy nhìn phố Tây Phạm Ngũ Lão lúc 2h sáng mà xem. Rất đông Tây balô đến đó để uống bia rượu. Nếu dự luật này được thông qua thì mọi người sẽ đi đâu uống bia?

*Ông LAN GOOCH (Anh):

Bước lùi đối với du lịch

Tôi đã sống ở VN ba năm nay và tôi thường có thói quen uống rượu bia sau 10h tối. Tôi nghĩ dự thảo này sẽ là một bước thụt lùi đối với nền công nghiệp du lịch đang phát triển của VN. Nó sẽ gây ảnh hưởng lớn đến nền du lịch của các bạn.

*Ông TRẦN VĂN LONG (tổng giám đốc Công ty du lịch Việt):

Không thực tế

Nếu quy định này áp dụng sẽ khó cho các công ty du lịch khi đưa khách đi chơi, nghỉ ngơi du lịch. Thông thường trong chương trình tour du khách có xu hướng nghỉ ngơi, giải trí nên sẽ có thể uống rượu bia trong khoảng thời gian cấm trong đề xuất của dự thảo. Sẽ rất khó chịu, gò bó và không thực tế nếu đã đi chơi, nghỉ ngơi mà bị quản lý quá chặt đến cả giờ giấc được uống rượu bia. Điều cần quản lý và phải quản lý thật chặt chẽ là tình hình an ninh trật tự ở nơi bán rượu bia có đảm bảo an toàn cho các du khách đến đó giải trí, thưởng thức hay không chứ không chỉ đơn thuần là thời gian bán và dung lượng uống của họ.

NHÓM PV

Doan Truong
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý