Dinh dưỡng hợp lý cho bệnh nhân ung thư

1. Chọn một chế độ ăn ưu thế là những thức ăn có nguồn gốc thực vật, phong phú về rau quả, đậu, khoai, củ, các loại hạt, ít các loại thực phẩm từ tinh bột đã qua chế biến. Chế độ ăn dựa vào thức ăn nguồn gốc thực vật chứa các vitamin và khoáng chất thiết yếu, chất xơ và các thành phần khác giúp cơ thể chống đỡ với các yếu tố gây ung thư. Loại thức ăn này thường ít cheất béo, ít năng lượng nên còn giúp kiểm soát cân nặng cơ thể. Hạn chế dùng các thực phẩm chế biến vì thức ăn này thường có nhiều chất béo, muối, thịt và đường tinh chế, đồng thời quá trình chế biến có thể phá hủy nhiều chất dinh dưỡng và các thành phần khác có vai trò bảo vệ cơ thể khỏi ung thư.

2. Ăn nhiều rau tươi và quả chín. Liều dùng hàng ngày nên là từ 400 – 800gr. Các bằng chứng khoa học cho thấy chế độ ăn đủ rau quả có thể giảm tới 20% nguy cơ mắc ung thư. Tác dụng bảo vệ của rau quả với ung thư là do sự tương tác phức tạp giữa vitamin, khoáng chất, chất xơ và các thành phần hóa học khác có trong rau quả.

3. Giới hạn lượng thịt màu đỏ không quá 80gr mỗi ngày và thay thế lượng thịt cần thiết cho cơ thể còn lại bằng cá, thủy sản, thịt gia cầm. Bằng chứng đã cho thấy, sử dụng nhiều thịt đỏ có liên quan đến nguy cơ ung thư vú, đại trực tràng.

4. Duy trì cân nặng nên có và vận động thân thể đều đặn. Thiếu cân hoặc thừa cân đều tăng nguy cơ ung thư. Duy trì chỉ số BMI ở khoảng (18,5 – 23). Ở tuổi trưởng thành, cân nặng dao động không quá 5kg, không nên để càng lớn tuổi càng tăng cân, nhất là sau khi mãn kinh. Đồng thời cần duy trì chế độ vận động thân thể hợp lý, hợp bệnh lý như tập thể dục, thể thao, đi xe đạp, đi bộ, làm vườn, khiêu vũ...).


Không nên vừa uống rượu vừa hút thuốc lá

5. Không uống rượu, nếu uống chỉ nên uống ít. Theo khuyến cáo của WHO, nam giới không uống quá 3 đơn vị rượu/ngày và nữ không quá 2 đơn vị rượu/ngày. Một đơn vị rượu tương đương 330ml bia 4%, hoặc 125ml rượu vang 11%, hoặc 75ml rượu 20%, hoặc 40ml rượu nặng 40%. Nguy cơ ung thư tăng lên khi vừa uống rượu vừa hút thuốc.

6. Sử dụng thực phẩm ít béo và ít muối, đặc biệt là thực phẩm có nguồn gốc động vật (dùng sữa gầy, không dùng quá nhiều và thường xuyên các thức ăn xào, rán, bánh ngọt nhiều chất béo...). Phần lớn các thực phẩm chế biến đều chứa nhiều muối và chất béo. Ăn nhiều loại thực phẩm này có nguy cơ thừa cân, béo phì và làm tăng nguy cơ ung thư.

7. Chế biến và bảo quản thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh. Một số nấm mốc phát triển ở thực phẩm có thể gây ung thư. Nên bảo quản lạnh các thực phẩm tươi sống và sử dụng trong thời gian cho phép. Không dùng thực phẩm bị mốc, đặc biệt là các loại hạt. Hạn chế ăn thường xuyên thịt, cá, thức ăn rán, nướng ở nhiệt độ cao. Các thực phẩm qua chế biến như lạp xưởng, xúc xích... thường có nitrat và nitrit, khi vào cơ thể kết hợp với các amin để tạo thành nitrisamin, là chất xác định có thể gây ung thư. Quá trình hun khói cũng có thể tạo ra các chất gây ung thư. Bởi vậy, không nên ăn các thực phẩm này thường xuyên.

8. Không hút thuốc lá. Hút thuốc lá vừa gây độc hại, vừa tăng nguy cơ ung thư cho người hút và cả những người xung quanh.
thuychi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Ung thư