Gia tăng nguy cơ tái nhiễm COVID-19 dù đã tiêm đủ 3 liều vaccine

Một số trường hợp tái dương tính sau khi đã khỏi COVID-19 dù đã tiêm đủ 3 liều vaccine

Người từng mắc COVID-19 có cần tiêm vaccine nữa không?

BV Hữu nghị Việt Đức: Thực hiện ca nội soi tái tạo khớp cổ tay lần đầu tiên tại Việt Nam

"Omicron tàng hình" đã xuất hiện ở Hà Nội

Việt Nam bỏ đánh số thứ tự F0, bệnh nhân COVID-19 nặng gia tăng

Chia sẻ với Vietnamnet, bác sỹ L.Q.M, công tác tại một bệnh viện Nhi của TP.HCM cho biết vừa trải nghiệm cảm giác tái nhiễm COVID-19 dù đã tiêm đủ 3 mũi vaccine COVID-19 và từng mắc bệnh khi tham gia chống dịch tại Bệnh viện Dã chiến vào tháng 8/2021.

“Trải nghiệm lần 2 vẫn đầy đủ các triệu chứng như ho, sốt, đau họng, mệt mỏi. Vì vậy, mọi người đừng nghĩ nhiễm rồi sẽ không mắc lại mà chủ quan”, bác sỹ M. chia sẻ.

Là F0 lần thứ nhất vào tháng 9/2021 trong giai đoạn đỉnh dịch, nay anh L.H.N (33 tuổi, ở TP.HCM) tái nhiễm sau khoảng 5 tháng. Anh N. chia sẻ với Thanh niên, các triệu chứng ở lần tái nhiễm này khá nhẹ: không sốt, không mất mùi vị mà chỉ đau họng và chảy nước mũi, tương tự cảm cúm. Anh N. test nhanh cho kết quả âm tính trở lại sau 4 ngày, trong khi lần đầu thời gian dương tính kéo dài đến gần 10 ngày. Tuy nhiên, dù việc nhiễm COVID-19 lần 2 không ảnh hưởng đến vấn đề ăn uống, anh N. vẫn bị sụt 2 kg, cảm giác cơ thể yếu đi và khó ngủ hơn.

Bác sỹ Trương Hữu Khanh, Nguyên trưởng khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, nhận định, tình trạng tái nhiễm hiện nay do biến thể Omicron đã tràn lan trong cộng đồng.

“Trước đây, người dân đã nhiễm biến thể Delta, giờ đây nhiễm Omicron. Chúng ta đủ cơ sở nhận định như vậy. Đó cũng là điều bình thường. Phần lớn người nhiễm Omicron có triệu chứng nhẹ, không thêm ca nặng, số tử vong vẫn đang rất thấp”, bác sỹ Khanh chia sẻ.

Cũng theo bác sỹ Khanh, về nguyên tắc, để xác định một ca tái nhiễm phải thực hiện giải trình tự gene để xác định có 2 biến thể khác nhau ở 2 lần nhiễm. Tuy nhiên, việc này phục vụ cho giám sát dịch của giới chuyên môn, người dân không cần phải thực hiện vì vừa tốn tiền vừa mất thời gian.

Các chuyên gia cho biết, sau khi khỏi, cơ thể bệnh nhân sẽ sản sinh ra kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, lượng kháng thể được tạo ra có thể không đủ mạnh hoặc tồn tại không đủ lâu, sau một khoảng thời gian sẽ suy yếu và mất đi. Hoặc kháng thể tạo ra khi nhiễm chủng ban đầu không phù hợp để bảo vệ cơ thể trước chủng mới nên người bệnh tái nhiễm với chủng virus mới.

Hiện tại, các nhà khoa học và chuyên gia y tế chưa có nhận định chắc chắn về khả năng bảo vệ khỏi nhiễm trùng tự nhiên hoặc miễn dịch nhờ vaccine kéo dài bao lâu. Tuy nhiên, khi cơ thể chúng ta không tiếp xúc với mầm bệnh trong thời gian dài, quá trình sản xuất kháng thể bị chậm lại, các tế bào và protein giảm dần khiến khả năng miễn dịch của ta bắt đầu suy yếu.

Tờ Hindustan Times mới đây dẫn lời các chuyên gia cho hay virus SAR-CoV-2 đa số luôn xâm nhập vào cơ thể con người qua đường mũi và cổ họng. Miễn dịch trong lớp niêm mạc của những khu vực này có xu hướng tồn tại tương đối ngắn so với miễn dịch toàn thân.

Tuy nhiên, dù với biến thể nào, virus SARS-CoV-2 vẫn không thay đổi đường lây và cơ chế lây nhiễm. Do đó, người dân cần thực hiện nghiêm 5K và tiêm ngừa vaccine theo khuyến cáo của ngành y tế.

 
Nguyễn An (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn