Hai thói quen tưởng tốt nhưng dễ gây căng thẳng nếu áp dụng sai cách

Một số thói quen chăm sóc sức khỏe vô tình khiến bạn thêm căng thẳng

Tổng Giám đốc WHO đánh giá cao chính sách y tế của Việt Nam

Đông - Tây y chưa kết hợp được như lời Bác Hồ dặn năm xưa !

Podcast: Tại sao không nên ăn sữa chua khi đói?

Vì sao bạn không nên đi ngủ khi tóc ướt?

Trong bối cảnh mạng xã hội ngày càng nhiều nội dung về chế độ ăn uống, luyện tập thật hoàn hảo; không ít người đặt ra những mục tiêu khắt khe với mong muốn sống “lành mạnh” tuyệt đối. Theo các chuyên gia, việc theo đuổi các tiêu chuẩn lý tưởng một cách cứng nhắc, thiếu linh hoạt có thể gây áp lực tâm lý và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.

Đặt mục tiêu quá lý tưởng 

Nhiều người xây dựng lịch tập luyện và chế độ ăn uống nghiêm ngặt, coi việc bỏ một buổi tập hay ăn sai khẩu phần là thất bại. Điều này dễ dẫn đến tâm lý tự trách, lo âu và làm giảm động lực duy trì thói quen tốt.

Chuyên gia dinh dưỡng Brian Ó'hÁonghusa, hiện làm việc tại công ty Triage Method (Ireland), cho biết: “Khi mục tiêu đặt ra quá cao, việc không đạt được có thể khiến chúng ta cảm thấy thất bại. Về lâu dài, điều này ảnh hưởng tiêu cực đến cách nhìn nhận bản thân, cũng như các mối quan hệ xung quanh và chất lượng sống.”

Tiến sĩ Jamey Maniscalco, người sáng lập nền tảng tư vấn chăm sóc sức khỏe trực tuyến Manifest Wellness (Mỹ), nhận định: căng thẳng kéo dài trong quá trình theo đuổi sự hoàn hảo có thể kích hoạt phản ứng căng thẳng của cơ thể, làm tăng nồng độ hormone cortisol - yếu tố liên quan đến lo âu, rối loạn giấc ngủ và suy giảm hệ miễn dịch.

Một số nghiên cứu cũng chỉ ra, chủ nghĩa cầu toàn làm tăng nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần và thể chất theo thời gian. Ngược lại, việc đặt mục tiêu linh hoạt, phù hợp, không quá khắt khe với bản thân lại giúp giảm căng thẳng, giữ được lối sống tích cực.

Đừng đặt mục tiêu tập luyện quá sức mình

Đừng đặt mục tiêu tập luyện quá sức mình

Lạm dụng thiết bị theo dõi sức khỏe

Các thiết bị như đồng hồ thông minh, vòng tay theo dõi sức khỏe có thể hỗ trợ quá trình luyện tập, theo dõi giấc ngủ, nhịp tim và lượng calo tiêu thụ. Tuy nhiên, nếu quá phụ thuộc vào các thiết bị này, người dùng có thể đánh mất khả năng lắng nghe cơ thể.

Tiến sĩ Maniscalco cho biết: khi người dùng kiểm tra số liệu quá thường xuyên mà không có mục đích rõ ràng, điều này có thể gây mệt mỏi cho vùng vỏ não trước trán - khu vực liên quan đến khả năng tập trung, kiểm soát cảm xúc. 

Trong một số trường hợp, người dùng thậm chí còn tạo ra số liệu giả hoặc ép bản thân hoàn thành các "chỉ tiêu" ghi nhận trên thiết bị theo dõi sức khỏe. Điều này khiến việc chăm sóc sức khỏe trở nên gượng ép, tạo thêm áp lực tinh thần thay vì mang lại lợi ích như mong muốn.

Đừng lạm dụng thiết bị theo dõi sức khỏe

Đừng lạm dụng thiết bị theo dõi sức khỏe

Duy trì lối sống lành mạnh một cách linh hoạt

Theo khuyến nghị từ các chuyên gia, để duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần một cách bền vững, người dùng nên đặt ra mục tiêu phù hợp với thể trạng thực tế, không nên đồng nhất thành tích luyện tập hay số liệu thiết bị với giá trị bản thân.

Bên cạnh đó, cần hạn chế lệ thuộc vào thiết bị theo dõi, thay vào đó rèn luyện khả năng lắng nghe và cảm nhận cơ thể. Các kỹ thuật thư giãn như hít thở sâu, thiền định, vận động nhẹ nhàng cũng góp phần hỗ trợ hệ thần kinh và nâng cao sức khỏe tinh thần.

Lối sống lành mạnh nên được xây dựng dựa trên sự thoải mái, tính thực tế và khả năng kết nối với bản thân, thay vì tuân theo các tiêu chuẩn tuyệt đối, có thể gây áp lực không cần thiết và làm giảm chất lượng cuộc sống.

Đào Dung (Theo Real Simple)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp