Hạt chia và tiềm năng của “siêu thực phẩm”

Hạt chia nhỏ bé nhưng rất giàu dinh dưỡng với nhiều lợi ích sức khỏe

Ngày Thế giới không thuốc lá 2023: Thuốc lá đe dọa an ninh lương thực

Nhãn sạch - Ý tưởng khẳng định chất lượng thực phẩm

Ebola đe dọa an ninh lương thực ở Tây Phi

Siêu đậu tương giải quyết khủng hoảng lương thực toàn cầu

Lợi ích sức khỏe của hạt chia

Hạt chia là hạt của cây Salvia hispanica có nguồn gốc từ Nam Mỹ, kích thước nhỏ và có nhiều màu như trắng, đen, nâu. Loài cây này cùng họ Hoa môi với một số cây gia vị như húng quế, bạc hà.

Giống những người họ hàng, hạt chia cũng có nhiều giá trị dinh dưỡng như giàu chất xơ, chất béo lành mạnh và protein. Hơn nữa, hạt chia có vị nhẹ nhàng và dễ kết hợp vào những món tráng miệng, salad, làm bánh.

“Nhỏ mà có võ” là cách mô tả hạt chia chuẩn nhất. Theo các nhà khoa học tại Đại học Oregon (Mỹ),nhờ hàm lượng chất dinh dưỡng dồi dào, hạt chia đem lại những lợi ích với sức khỏe tim mạch và cải thiện cholesterol. Ngoài ra, hạt chia còn có đặc tính chống ung thư, chống viêm, kháng khuẩn, chống oxy hóa.

Hạt chia giàu chất xơ nên có khả năng hút nước rất mạnh, khi ngâm cùng nước, sữa sẽ tạo thành dạng gel đặc. Nhờ vậy, ăn hạt chia tốt cho quá trình giảm cân và sức khỏe đường ruột, giúp giảm nguy cơ tăng đường huyết.

Hạt chia: “Mắt xích” quan trọng chống biến đổi khí hậu và khủng hoảng lương thực

Cây chia có thể phát triển tốt ở những vùng đất năng suất thấp, cho ra thực phẩm giàu dinh dưỡng

Cây chia có thể phát triển tốt ở những vùng đất năng suất thấp, cho ra thực phẩm giàu dinh dưỡng

Các nhà khoa học tại Đại học Oregon mới đây đã giải trình tự bộ gene của giống cây chia và phát hiện ra tiềm năng của thực phẩm này với an ninh lương thực toàn cầu.  

Lâu nay, giới khoa học luôn tìm cách tối ưu hóa các cây trồng như gạo, lúa mì, ngô, kê, đậu nành, hạt ép dầu và cây có củ… qua biến đổi gene. Quá trình lai tạo cho ra sản lượng lương thực lớn, giúp giảm thiểu nạn đói nhưng chưa thể giải quyết nạn thiếu dinh dưỡng.

Dựa trên thực trạng này, các nhà khoa học tìm cách cải thiện các giống cây ít được quan tâm hơn như hạt chia, củ sắn, củ từ, đậu hạt… Đây là những cây trồng chủ được được người dân bản địa canh tác nhằm duy trì sinh kế, không có giá trị kinh tế toàn cầu.

Nghiên cứu của Đại học Oregon đã phát hiện ra các chỉ thị di truyền (genetic marker) quyết định đặc tính dinh dưỡng của hạt chia. Dựa trên cơ sở này, các nhà khoa học trên toàn thế giới có thể tạo ra các giống hạt chia giàu dinh dưỡng hơn nữa.

Hạt chia được kỳ vọng mang tới giải pháp cho biến đổi khí hậu và khủng hoảng lương thực nhờ khả năng sinh trưởng tốt ở những vùng đất không được canh tác (đất bỏ hoang, bãi cỏ chăn nuôi gia súc, ruộng đất canh tác biên). Nhóm các nhà nghiên cứu hy vọng mang cây chia về canh tác tại Oregon, nơi có khí hậu tương tự với Nam Mỹ. Hiện đã có Đại học bang Kentucky (Mỹ) phát triển giống cây này tại địa phương.

Chia sẻ với báo chí, PGS Sushma Naithani – Khoa Bệnh học Thực vật và Cây trồng, Đại học Oregon cho hay: “Tại thời điểm này, để đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng lâu dài, chúng ta cần đa dạng hóa chế độ ăn của con người bằng cách lai tạo và cải thiện nguồn gene của những giống cây giàu dinh dưỡng nhưng ít được quan tâm như cây chia.”

Tham khảo toàn văn nghiên cứu mới đăng tải trên tạp chí Frontiers in Plant Science tại đây: https://www.frontiersin.org/articles/10.3389/fpls.2023.1272966/full

 
Quỳnh Trang (Theo Fortune)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Nghiên cứu - Sản xuất