Hệ lụy nguy hiểm khi lạm dụng rượu bia

Thế nào là lạm dụng rượu bia?

Có 4 cấp độ nguy cơ trong sử dụng rượu bia: Sử dụng rượu bia ở mức độ an toàn, nguy cơ thấp; Sử dụng rượu bia ở mức có hại; Sử dụng rượu bia ở mức nguy hiểm; Phụ thuộc/nghiện rượu bia. Trong đó, lạm dụng rượu bia là sử dụng ở mức độ dẫn đến nguy cơ gây hại cho người uống, tổn hại về thể chất, tâm thần và các hậu quả xã hội khác.


Lạm dụng rượu bia gây tổn hại về thể chất, tinh thần và nhiều hậu quả xã hội

Về thực trạng sử dụng rượu bia hiện nay, mức độ sử dụng rượu bia trung bình trên thế giới theo khảo sát của các chuyên gia là 6,2 lít/người. Mức độ này gần như không tăng trong 15 năm qua. Riêng Việt Nam, mức độ tiêu thụ rượu bia hiện có xu hướng gia tăng. Số liệu thu nhận năm 2010 là 6,6 lít. Đến năm 2025, dự báo sẽ tăng lên 7 lít/người/năm. (Số liệu của SAVY II 2010).

Hậu quả đáng sợ khi lạm dụng rượu bia

Lạm dụng rượu bia không chỉ gây tổn hại cho người uống về mặt thể chất, tâm thần mà còn để lại nhiều hậu quả khiến xã hội phải gánh chịu.

- Hậu quả về sức khỏe

Cùng với thuốc lá thì rượu bia là tác nhân của 8 loại bệnh như ung thư, cao huyết áp, tim mạch và đột quỵ. Mức độ nguy hại đối với sức khỏe do lạm dụng rượu bia có sự khác nhau đối với từng cá nhân, quốc gia, châu lục… Đối với mỗi cá nhân, mức độ tổn hại cũng phụ thuộc vào độ tuổi, giới tính, đặc điểm sinh học của mỗi người, địa điểm, bối cảnh sử dụng và tần suất tiêu thụ.


Các vụ tai nạn giao thông hiện đang ngày càng gia tăng

Theo số liệu năm 2012 của WHO trong Báo cáo toàn cầu về Thực trạng rượu bia và sức khỏe, toàn cầu có khoảng 5,3% (3,3 triệu ca) tử vong. Ngoài ra, các rối loạn tâm thần do sử dụng rượu chưa thể ước tính được. Các bệnh lý về tim mạch (tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, đột quỵ), đường tiêu hóa (xơ gan, viêm tụy cấp và mạn tính), ung thư (ung thư vú, thanh quản, thực quản, miệng, hầu, họng), chấn thương chủ định (tự sát thương và bạo lực), chấn thương không chủ định (tai nạn giao thông, ngã, ngộ độc), đái tháo đường… đang ngày càng gia tăng.

Theo thống kê, hiện có 60% số vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân từ sử dụng rượu bia, 68% vụ bạo lực gia đình có nguyên nhân do sử dụng rượu bia, tội phạm 38% số vụ gây rối trật tự an toàn xã hội có nguyên nhân từ sử dụng rượu bia. Hiện có khoảng 20,8% nam vị thành niên đã lái xe sau khi uống rượu bia và bị các chấn thương phải nghỉ học/lao động 1 tuần trở lên.


Bạo lực gia đình có nguyên nhân từ lạm dụng rượu bia

Rượu bia cũng là tác nhân gây bệnh duy nhất với hai bệnh: Loạn thần do rượu, Hội chứng rối loạn phát triển bào thai do rượu – bệnh đang có tỷ lệ mắc gia tăng nhanh chóng.

- Hậu quả về kinh tế

Chi phí về kinh tế phải chi do lạm dụng rượu bia gây ra bao gồm chi phí tiêu dùng rượu bia, chi phí y tế và pháp lý và các chi phí trực tiếp, gián tiếp khác.

Mỗi năm, hậu quả do lạm dụng rượu bia gánh khoảng 3% GDP của mỗi quốc gia, chưa kể đến chi phí do tiêu dùng rượu bia. Đặc biệt, Việt Nam có mức tiêu thị bia đứng đầu trong khu vực Đông Nam Á, vượt xa các nước kế tiếp là Thái Lan và Philippines, mặc dù mức thu nhập chỉ xếp thứ 8.

Năm 2012, Việt Nam tiêu thụ 3 tỷ lít bia, tạm tính tương đương 3 tỷ USD, ước tính khoảng gần 3% số thu ngân sách của cả nước. Trong khí đó, đóng góp cho ngân sách nhà nước của ngành sản xuất rượu bia, nước giải khát của Việt Nam năm 2012 chỉ là hơn 16.000 tỷ đồng (tương đương 800 triệu USD). Như vậy, chi phí tiêu thụ rượu bia nhiều gấp 4 lần mức đóng góp cho ngân sách nhà nước.

(Số liệu theo Báo cáo của Vũ Thị Minh Hạnh, Viện Chiến lược & Chính sách y tế - Bộ Y tế)

CTV4
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp