Hiểu đúng về giải độc tố từ rượu lưu cữu trong cơ thể

“Nam vô tửu như kỳ vô phong”. Quý ông nào khi rượu vào đều ngân nga câu này như một thứ “bình phong che chắn” cho thú vui này. Và những hậu quả sau đó: mệt mỏi, cáu bẳn, nôn, buồn nôn, ngộ độc rượu cấp... đều do người thân, vợ con “gánh” cả. Thế nên, nhiều bà vợ đã nghĩ ra “tuyệt chiêu” hoặc do chính các quý ông nghĩ đến để giảm “gánh” cho vợ con/người thân là uống “thuốc giải rượu”.

Giải rượu cấp kỳ - Coi chừng lợi bất cập hại
Thực tế, hiện nay có rất nhiều phương thức “giải rượu” được lưu truyền một cách rộng rãi trong cộng đồng. Hiệu quả của những phương thức này như thế nào chưa được khoa học chứng minh bằng những nghiên cứu có đối chứng, nhưng vẫn được nhiều người thích/buộc phải uống rượu sử dụng và đôi khi, nó ảnh hưởng đến sức khỏe người uống rượu. Mà, các loại “thuốc giải rượu” hiện nay đang gây những tác hại khá rõ rệt.


Không hiếm trường hợp được điều trị tại bệnh viện vì hiểu sai ý nghĩa của "thuốc giải rượu"

Theo Thạc sỹ Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), trung tâm đã từng cấp cứu cho nhiều trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc thuốc giải rượu và thuốc cai rượu. Các viên giải rượu thường có hàm lượng vitamin B1, B6, PP rất cao giúp thần kinh tỉnh táo nên uống được nhiều, tuy nhiên, hiện không có bất cứ công trình nào chứng minh các chất này làm giảm nồng độ cồn trong máu. Do vậy lượng rượu vào cơ thể càng nhiều sẽ phá huỷ gan càng lớn, các cơ quan khác trong cơ thể cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều người đến với Trung tâm chống độc Bạch Mai khi gan đã bị xơ nặng. Trong khi đó, biểu hiện dễ nhận thấy nhất của tác dụng phụ của các loại thuốc giải rượu này là mệt mỏi kéo dài thường sẽ bị dễ dàng bỏ qua.

Pha rượu với nước uống có gaz hoặc dùng nước uống có gaz để giải rượu là cách uống tự sát. Uống nước có gaz với rượu sẽ làm cho cồn ethylic chạy khắp cơ thể, sinh ra lượng anhydride carbonic lớn, gây nguy hại đến dạ dày, gan, thận, tim và huyết quản, làm tăng huyết áp, thậm chí có thể dẫn tới tử vong.

Ngoài "thuốc giải rượu", một số loại thuốc khác cũng được các quý ông sử dụng để “giã” rượu, uống được nhiều hơn là các loại thuốc có chứa paracetamol hay aspirin… cũng gây nên những tác hại không mong muốn. Khi uống bia rượu cùng với paracetamol sẽ làm gan tê liệt, ảnh hưởng đến chức năng của gan. Tác hại của paracetamol cộng thêm các tác hại của rượu bia khiến cho quá trình xơ gan, ung thư gan tiến triển nhanh hơn. Với aspirin, khi uống phối hợp với rượu sẽ kích ứng niêm mạc dạ dày, gây chảy máu đường tiêu hoá.

Cũng theo ThS. Nguyễn Trung Nguyên, với thuốc cai rượu, đa phần bệnh nhân không hề biết đến tác dụng phụ của thuốc. Cơ chế của thuốc cai rượu là ngăn chặn sự chuyển hóa và đào thải của rượu, khiến rượu tích lũy trong cơ thể dưới dạng độc, gây nên những khó chịu cho cơ thể như: tim đập mạnh, mặt đỏ bừng, ói mửa, đổ mồ hôi, tụt huyết áp, chóng mặt, nhức đầu dữ dội... khiến người uống sợ, không dám uống rượu nữa. Nhưng, loại thuốc này nếu sử dụng ở những người sức khỏe yếu, có tiền sử bệnh tim mạch, đái tháo đường hoặc nhạy cảm với thuốc dễ gây ra tình trạng ngộ độc nặng, dễ dẫn đến tử vong.


Uống có trách nhiệm, biết dừng đúng lúc là cách "giải rượu" tốt nhất

Đào thải độc tố rượu lưu cữu trong cơ thể mới là quan trọng!
Theo PGS.TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), hiện nay, có một số loại thảo dược được sử dụng để giải rượu theo dân gian có khả năng bảo vệ gan, hỗ trợ chức năng gan, giúp cơ thể thải bớt những độc tố từ rượu ra khỏi cơ thể…

Một trong những mẹo hóa giải tác hại của rượu hiện nay là pha loãng nồng độ cồn để giảm tác hại của rượu ngay từ khi uống. Uống một chén rượu uống một ly nước là lời khuyên hữu ích với những người uống rượu ở mức độ vừa phải. Nhưng điều này lại không dễ thực hiện với những người uống rượu nhiều, thường xuyên và người nghiện rượu.

Trong Đông y, có một cách giúp các quý ông có thể giảm được bớt độc tố trong rượu có thể ảnh hưởng đến cơ thể là làm nóng rượu trước khi uống. Ngâm chai rượu/chén rượu vào nước nóng, dưới tác động của nhiệt độ, một số chất có hại của rượu sẽ bay hơi, từ đó giảm được những tác động xấu của rượu tới sức khỏe cơ thể.

Theo bác sỹ Đông y Trần Trí Tiến, Trưởng khoa Đông y (Bệnh viện Đa khoa Thường Tín), một số loại thảo dược có thể làm hạn chế sự tích tụ của acetaldehyde – một độc chất được chuyển hóa từ rượu ethylic sau khi vào cơ thể, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển hóa acetaldehyde thành acid acetic - tương đối vô hại và phân huỷ thành CO2 và H2O trong tế bào. Đồng thời, các loại thảo dược này còn có tác dụng tăng cường năng lượng cho cơ thể, giảm mệt mỏi, giải độc, tạo các chất chống oxy hóa, hỗ trợ các chức năng gan thận… Ví dụ, sắn dây có vị ngọt, tính bình giúp giải cơ, thông đại tiểu tiện, làm ra mồ hôi, giải độc. Người bị say rượu, uống rượu nhiều có thể giải chất độc của rượu, giải rượu trong cơ thể bằng cách cho uống nước vắt từ củ sắn dây thêm ít muối; hoặc dùng nước bột sắn dây pha với chút muối, hoặc quấy chè sắn dây với ít muối. Ngoài ra, có thể dùng nước lá dong, nước chanh pha thêm chút muối, nước cà gai leo, nước nhân trần, nước hoa Hibicus... Đối với trường hợp mạn tính, có thể dùng trà hoa tam thất,… Nước chanh nóng không đường và có vài lát gừng sẽ rất tốt cho những lần đi “nhậu” về quá khuya – vừa giúp giải được rượu và chống cảm lạnh.

Cũng theo bác sỹ Tiến, hiện nay, trên thị trường có một số loại nước uống thực phẩm chức năng có tác dụng đẩy nhanh quá trình chuyển hóa của rượu khi vào cơ thể và thải loại các độc chất ra khỏi cơ thể. Công thức của những loại nước uống này được xây dựng dựa trên những vị thuốc Đông y có tác dụng bảo vệ gan, thải độc gan và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể... Tuy nhiên, các loại nước uống này chỉ có tác dụng hỗ trợ chứ không thể bảo vệ cơ thể hoàn toàn khi mà người dân vẫn “cố tình” tàn phá sức khỏe bằng việc lạm dụng rượu bia.

Và, uống có trách nhiệm, có văn hóa là cách “giải” rượu tốt nhất.

Cơ chế giải độc tố rượu lưu cữu trong cơ thể

Rượu khi vào cơ thể bị oxy hóa chuyển thành acetaldehyde, rồi acid acetic trước khi chuyển hóa thành CO2 và nước, và được thải trừ ra khỏi cơ thể theo đường mồ hôi, nước tiểu. Tuy nhiên, với những người uống nhiều rượu, uống thường xuyên, gan bị “quá tải”, không chuyển hóa hết được lượng rượu, khiến các chất độc được chuyển hóa từ rượu tồn đọng trong cơ thể, tạo nên những tác hại không mong muốn.

Bởi vậy, không nên hiểu vấn đề “giải rượu” chỉ là giải cứu các cơn say cấp kỳ mà phải hướng tới việc “giải độc tố rượu”: Trong cơn say là làm cho người uống rượu đào thải nhanh lượng rượu uống vào trong cơ thể qua mồ hôi, nước tiểu... Và sau đó, tiếp tục loại bỏ các độc tố từ rượu tránh lưu cữu lâu ngày trong cơ thể. Một trong những hoạt chất thường được dùng để giải độc tố của rượu hiện nay là muối succinate – hoạt chất tham gia trong tế bào giúp rượu ethylic chuyển hóa nhanh, đào thải nhanh khỏi cơ thể. Sự kết hợp của muối succinate với các hoạt chất khác như alpha lipoic acid, L-Carnitine Fumarate… không chỉ giúp cơ thể đào thải độc tố mà còn tăng cường sức đề kháng, “quét sạch” gốc tự do - vốn tăng nhanh do rượu.

GS. TSKH Hoàng Tích Huyền

thuychi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp