Ho gà rải rác khó bùng phát thành dịch

Một bệnh nhi ho gà đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Ảnh: BV)

Bệnh ho gà xuất hiện trở lại ở miền Bắc

Khuẩn ho gà đang biến thể nguy hiểm

Phòng hen phế quản cho trẻ bằng cách nào?

Bệnh đường hô hấp ở trẻ - Chớ coi thường!

Sáng 28/1, GS.TS Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết: Theo dự báo của các chuyên gia, bệnh ho gà sẽ không bùng phát thành dịch lớn vì tỷ lệ tiêm chủng ho gà đạt cao và các ca ho gà tản phát, mỗi địa phương chỉ xảy ra vài ba ca.

Trong 9 ca ho gà đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, có 4 ca tại Hà Nội, còn lại là bệnh nhân đến từ Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hà Nam, Hải Dương và Nam Định.

Theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2014 ghi nhận 107 ca ho gà, tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Bắc Ninh, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng,…

Việc ghi nhận các ca bệnh ho gà điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương hiện nay là điều bình thường trong bối cảnh Việt Nam chưa thanh toán được bệnh (tỷ lệ tiêm vaccine ho gà cả nước đạt trên 90%) và từ trước đến nay năm nào bệnh cũng xuất hiện vài ca rải rác mà không thành dịch.

Theo điều tra, số trẻ mắc ho gà điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương đều chưa được tiêm hoặc không tiêm đầy đủ vaccine phòng bệnh.

Vì vậy, ngoài tiêm phòng vaccine cho trẻ (trẻ dưới 1 tuổi cần được tiêm đủ 3 mũi cơ bản, 2 tuổi tiêm mũi thứ 4 và có thể tiêm nhắc lại một mũi khi bước vào lứa tuổi tiểu học), để phòng bệnh ho gà, các bệnh hô hấp cho trẻ, nên tránh cho trẻ tiếp xúc với những đối tượng nghi ngờ mắc bệnh. Khi chăm sóc, tiếp xúc gần với trẻ, người lớn cần thường xuyên rửa tay xà phòng, vệ sinh răng miệng, mũi họng để phòng nguy cơ lây truyền bệnh hô hấp cho trẻ.

Với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, càng nên hạn chế tiếp xúc đông người, ôm hôn trẻ bởi một người lớn có thể mang trong mình rất nhiều loại virus gây bệnh đường hô hấp, gây cúm… nguy hiểm.

Thanh Hà H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Hô hấp