Hòa Bình: Cứu sống bé sinh non nặng 800gr

Thông tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, bé gái Bạch Thị Huệ sinh non khi mới được 25 tuần tuổi và nặng gần 800gr. Nhập viện khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, bé Huệ ở tình trạng non tháng, thở rên, suy hô hấp, phản xạ yếu, phổi thông khí kém.


Chăm sóc trẻ sinh non tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình

Trước tình trạng bé non yếu như vậy, các bác sỹ đã can thiệp bằng thở CPAP, nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch và chăm sóc toàn diện. Sau 5 ngày, bé Huệ có nhiều cơn ngừng thở, phảichuyển sang cho thở máy. Trong quá trình điều trị, cháu bị những đợt thiếu máu phải truyền bù máu. Đến ngày thứ 8, bác sỹ cho cháu tập ăn, chuyển sang thở ôxy và cho ăn tăng dần. Đến nay, cháu Huệ đã ăn được 10 ml/lần cách mỗi 2 giờ. Sau 1 tháng, cháu Huệ đã phản xạ khá, ăn tiêu và tăng lên được 1,3 kg, có tiến triển tốt.

Đây không phải là trường hợp trẻ sơ sinh sinh non đầu tiên được cứu sống và có tiến triển tốt. Nhiều trẻ ra viện đã đạt trên 2,5kg.

Trẻ sinh non dễ gặp nhiều bệnh

Theo Bác sỹ Đỗ Xuân Khánh, Trưởng Khoa Nội - Nhi, trẻ sinh non là trẻ khi lọt lòng mẹ ở thời điểm tuổi thai chưa đến 37 tuần (tính từ ngày người mẹ có kinh lần cuối), thường cân nặng của trẻ sinh non nặng dưới 2,5kg. Khi trẻ có trọng lượng lúc sinh nhỏ hơn 1,5kg và được gọi là “trẻ rất nhẹ cân”. Các trẻ này có thể là trẻ non tháng hoặc là trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai; hoặc có thể là cả hai, nghĩa là trẻ vừa non tháng, vừa suy dinh dưỡng mà hậu quả trên sự phát triển trí tuệ là rất lớn trong những năm về sau này.

Nếu không được chăm sóc, điều trị và dinh dưỡng phù hợp sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển về thể trạng và trí tuệ của trẻ sau này.

Mối nguy hiểm chung của trẻ sinh non nhẹ cân là sự non nớt chưa hoàn thiện của các chức năng trong cơ thể. Phổi non khiến trẻ thở khó khăn, mạch máu mỏng manh nên dễ bị chảy máu trong não; tim có khi chưa phát triển đầy đủ nên có thể bị bệnh tim bẩm sinh; dạ dày, ruột, các dịch tiêu hóa không đủ nên khó bú, khó bài tiết phân, nước tiểu… Hệ miễn dịch yếu nên dễ bị nhiễm trùng.

Trẻ càng non tháng càng không có các chất dự trữ quan trọng như đường, chất béo (DHA, ARA), calci, sắt vì dự trữ chỉ có ngày càng nhiều trong ba tháng cuối của thai kỳ.

Nuôi dưỡng các trẻ nầy rất khó vì trẻ cần nhiều chất dinh dưỡng, nhu cầu về chất đạm, vitamin và khoáng chất cao mà khả năng ăn vào lại hạn chế do kích thước dạ dày không đủ lớn, khả năng tiêu hóa các chất dinh dưỡng cũng thấp thơn do thiếu các men tiêu hoá rất ít. Trẻ khó tăng cân, dễ bị trào ngược dạ dày thực quản, dễ ọc sữa tím tái. Trẻ hay bị chướng bụng, khó đi tiêu, phải xoa bụng giúp bé mới có thể đi tiêu được mỗi ngày. Do thiếu men tiêu hóa và niêm mạc ruột dễ bị tổn thương nên trẻ dễ bị viêm ruột. Vào khoảng được trên 15 ngày tuổi trở đi trẻ dễ bị thiếu máu.

thuychi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ