Người trẻ và hội chứng overthinking

Overthinking hay còn được gọi là “hội chứng rối loạn lo âu” trở thành một vấn đề nghiêm trọng với nhiều người trẻ

Làm thế nào để ngừng "overthinking"?

Suy nghĩ tiêu cực kéo dài ảnh hưởng xấu tới sức khỏe

Thường xuyên suy nghĩ tiêu cực khiến bạn dễ mắc bệnh Alzheimer

Cách cải thiện rối loạn lo âu tại nhà an toàn, hiệu quả

Luôn mắc kẹt trong “mê cung” suy nghĩ

Áp lực từ cuộc sống hiện đại khiến nhiều bạn trẻ rơi vào vòng xoáy của những suy nghĩ chồng chéo lên nhau. Mỗi khi gặp phải những chuyện không như mong muốn, nhiều người trẻ có xu hướng suy nghĩ quá nhiều, thậm chí đến mức mất ăn, mất ngủ, gây ảnh hưởng đến những hoạt động khác trong cuộc sống. Mọi vấn đề lớn, nhỏ qua cách nhìn của những người mắc hội chứng overthinking đều trở nên nghiêm trọng.

Một sai sót nhỏ cũng khiến bản thân dằn vặt cả tháng, đó là hình ảnh của bạn Nguyễn Minh Hải (23 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội) khi bắt đầu công việc chính thức sau ra trường. Minh Hải chia sẻ: “ Chỉ cần sếp nói nặng lời vài câu mình lại bắt đầu suy nghĩ mình là kẻ thất bại. Những suy nghĩ ấy cứ đeo bám mình thời gian dài, khiến mình mất ngủstress. Càng suy nghĩ, tinh thần và thể chất mình ngày một suy sụp, mình cũng chẳng có sức lực và cảm hứng làm việc. Rồi từ đó công việc lại càng trở nên tệ hơn.”

Nhiều tháng nay, bạn Nguyễn Phương Hòa (19 tuổi, sinh viên trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền) gần như chưa ngày nào được thanh thản khi liên tục những lo lắng cứ dày vò bạn. “Thời gian gần đây em luôn nhìn nhận và suy nghĩ mọi thứ dưới góc nhìn tiêu cực. Em luôn lo lắng quá mức mọi thứ ở tương lai: sợ ra đường bị tai nạn, đi thang máy sợ thang rơi, lo người, ngày người nọ ghét bỏ mình… Em cố gắng thoát khỏi nó bằng nhiều cách như nghe nhạc, xem phim, ăn uống theo sở thích nhưng vẫn không thể nào thoát ra được.”

Câu chuyện của Hải và Hòa không phải hiếm gặp. Nghiên cứu của giáo sư tâm lý học người Mỹ, Susan Nolen-Hoeksema được công bố trong cuốn sách “Women Who Think Too Much: How to Break Free of Overthinking and Reclaim Your Life” cho thấy, có đến 73% người trong độ tuổi 25-35 suy nghĩ quá nhiều. Đối với những người trong độ tuổi từ 45-55%, con số này chỉ dừng ở mức 52%. Điều đó cho thấy, nhiều người trẻ hiện nay đang có xu hướng suy nghĩ nhiều hơn so với người già.

Tác động của hội chứng overthinking đến sức khỏe

Overthinking có khả năng ảnh hưởng đến mọi mặt trong cuộc sống của người trẻ, bao gồm cả sức khỏe thể chất, tinh thần, công việc và sự phát triển các mối quan hệ xã hội

Overthinking có khả năng ảnh hưởng đến mọi mặt trong cuộc sống của người trẻ, bao gồm cả sức khỏe thể chất, tinh thần, công việc và sự phát triển các mối quan hệ xã hội

Trả lời VTV Online, Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, overthinking làm tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề về sức khỏe thể chất như đau đầu, đau bụng và gián đoạn giấc ngủ. Những dấu hiệu sinh lý này có thể được gây ra bởi sự căng thẳng và lo lắng thường đi kèm với việc suy nghĩ quá nhiều. Tuy nhiên, hậu quả của việc suy nghĩ quá nhiều không dừng lại ở đó. Theo thời gian, nó cũng có thể làm suy giảm hệ thống miễn dịch của bạn. Phản ứng căng thẳng của cơ thể được kích hoạt khi bạn lo lắng hoặc căng thẳng, tạo ra các chất như cortisol có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch của bạn.

Bên cạnh đó, người suy nghĩ quá nhiều có thể mắc phải các bệnh lý rối loạn tâm thần khác như trầm cảm, rối loạn ăn uống, nghiện chất kích thích và đồ uống có cồn. Nếu tình trạng này kéo dài mà không được can thiệp, người mắc có thể bị trầm cảm.

Overthinking có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và làm giảm chất lượng cuộc sống. Vì vậy cần có các giải pháp cụ thể để hạn chế hội chứng này tác động đến mỗi chúng ta.

Làm thế nào để ngừng "overthinking"?

Cần có các giải pháp cụ thể để hạn chế hội chứng overthinking tác động đến mỗi chúng ta

Cần có các giải pháp cụ thể để hạn chế hội chứng overthinking tác động đến mỗi chúng ta

Tạp chí Health đưa ra một số gợi ý giúp bạn thoát khỏi overthinking như:

Đánh lạc hướng tâm trí: Làm những phép tính nhẩm đơn giản hoặc ngâm nga một giai điệu. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể thực hiện một vài hoạt động gây phân tâm như đọc sách, nghe nhạc hoặc trò chuyện với người thân, bạn bè để đánh lạc hướng những suy nghĩ tiêu cực.

Thực hành chánh niệm: Một cách phổ biến để thực hành chánh niệm là thiền định và tập trung vào hơi thở. Phương pháp có khả năng làm bạn bình tĩnh, thư thái hơn.

Nghĩ về những kỷ niệm tích cực: Hãy cố gắng điều chỉnh lại những suy nghĩ theo hướng lạc quan hơn và nhớ về những ký ức tốt đẹp từng diễn ra khiến bạn cảm thấy hạnh phúc.

Hít thở sâu: Luyện tập và áp dụng các kỹ thuật thở sâu là một cách giúp bạn bình tĩnh, thư giãn và giảm căng thẳng hiệu quả.

Viết ra những suy nghĩ không tích cực: Viết ra những suy nghĩ miên man không dứt có thể thuyết phục tâm trí ngừng suy nghĩ theo vòng tròn. Hành động này có thể giúp giảm mức cortisol - một loại hormone tăng lên khi mức độ căng thẳng gia tăng.

Tập thể dục: Tập thể dục đều đặn thường xuyên hỗ trợ cải thiện giấc ngủ, điều này rất quan trọng bởi vì giấc ngủ kém có thể làm trầm trọng thêm vòng lặp của những suy nghĩ tiêu cực.

Chuẩn bị và lên kế hoạch cho tương lai: Nếu việc suy nghĩ quá mức là kết quả của việc bạn đang lo lắng hay bị choáng ngợp bởi công việc và các dự định sắp tới, vậy hãy thử chia chúng ra thành các nhiệm vụ nhỏ riêng lẻ và lập kế hoạch hành động cho từng nhiệm vụ. Điều này sẽ giúp bạn tập trung làm được nhiều hơn, từ đó giảm thiểu áp lực và suy nghĩ ít hơn. 

Lưu ý: Những cách trên chỉ áp dụng cho những đối tượng overthinking ở mức độ nhẹ, nếu bạn cảm thấy suy nghĩ quá nhiều dẫn đến không kiểm soát được hành vi, nên tìm gặp bác sĩ tâm lý để có phương pháp điều trị phù hợp, kịp thời.

 
Đào Dung
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội