Trẻ vị thành niên ăn nhiều đồ ăn nhanh làm tăng nguy cơ ung thư vú

Nữ giới tuổi vị thành niên hạn chế ăn thức ăn nhanh có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú - Ảnh: Dailymail.

Những khó khăn người bệnh ung thư vú phải đối mặt

Điều trị ung thư vú: Cần chú ý tới cả yếu tố tinh thần!

Podcast: Ô nhiễm không khí có làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú không?

"Tỷ lệ phụ nữ chủ động khám sàng lọc ung thư vú còn rất thấp"

Các nhà khoa học từ lâu đã cảnh báo về chế độ ăn nhiều đường, carbohydrate, thịt và thực phẩm chế biến sẵn có thể làm tăng mức độ viêm nhiễm trong cơ thể, làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư và bệnh tim.

Tuy nhiên, một nghiên cứu mới trên Tạp chí Nghiên cứu Ung thư Vú (Breast Cancer Research) vào tháng 10 cho thấy, chế độ ăn này có thể đặc biệt nguy hiểm đối với các bé gái tuổi teen, khi các em đang bước vào tuổi dậy thì và phát triển ngực, vì nó có khả năng dẫn đến phát triển ung thư vú trong tương lai.

Theo Dailymail, các nhà nghiên cứu từ Đại học Y khoa Nam Carolina (MUSC) đã phát hiện ra rằng, thức ăn nhanh và đồ ăn vặt có nồng độ cao các sản phẩm glycat hóa bền vững (AGEs). AGEs là những hợp chất có hại, hình thành từ protein hoặc chất béo bị glycat hóa sau khi tiếp xúc với đường, thường thấy trong các thực phẩm chiên hoặc nướng. Chúng là nguyên nhân gây tổn hại hệ thần kinh, bệnh về mắt, thận và tim.

Các nhà nghiên cứu cho biết, mức AGEs tăng có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú. Tuy nhiên, chúng gần như bị bỏ qua do thiếu nghiên cứu về mối liên hệ nhân quả trực tiếp.

Nghiên cứu mới đã kiểm tra mối quan hệ nhân quả bằng cách nấu thức ăn gốc glucose ở nhiệt độ 120 độ C trong 15 phút, tạo ra các sản phẩm có phổ AGEs thường thấy trong thực phẩm chiên, nướng và cho chuột ăn. Sau đó, họ chia chuột thí nghiệm thành ba nhóm: nhóm đối chứng với chế độ ăn thông thường, nhóm ăn thực phẩm có AGEs nồng độ thấp và nhóm ăn thực phẩm có AGEs nồng độ cao.

Kết quả, nhóm nghiên cứu đã phát hiện các con chuột ăn thực phẩm chứa nhiều chất béo bị glycat hóa tạo ra tế bào vú bất thường, có sự thay đổi ở mô vú tương tự các bệnh nhân ung thư giai đoạn đầu. Sự thay đổi này ở người được gọi là tình trạng "gia tăng mật độ vú", thể hiện ở ảnh chụp quang tuyến vú.

Các phát hiện này không tiết lộ mối liên hệ nhân quả trực tiếp giữa thực phẩm AGEs cao và ung thư vú, tuy nhiên, nó cho thấy rằng việc ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, làm tăng nguy cơ tăng mật độ vú, dẫn đến ung thư vú trong tương lai.

TS.BS Steven Quay, người không tham gia vào nghiên cứu, một nhà khoa học làm việc tại Seattle (Mỹ) cho biết, sự phát triển của vú ở bé gái tuổi dậy khiến cơ thể dễ tổn thương trong vài năm. Thời điểm này, các tác động từ môi trường, chế độ ăn hoặc những thủ tục y khoa như chụp X-quang cũng có thể để lại hậu quả hơn. Vì vậy, cần xây dựng các hướng dẫn để khuyến nghị về chế độ ăn ít thực phẩm chế biến sẵn cho các bé gái vị thành niên nhằm giảm nguy cơ ung thư vú trong tương lai.

Theo TS Steven Quay, lĩnh vực điều trị ung thư vú đã có nhiều tiến bộ và thành công, song việc ngăn ngừa bệnh từ sớm vẫn rất cần thiết.

Có rất nhiều lý do khác khiến một người có thể được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú, bao gồm cả yếu tố di truyền. Đàn ông cũng có thể bị ung thư vú, mặc dù nghiên cứu không xem xét chế độ ăn ở người cao tuổi và nguy cơ ung thư vú ở nam giới.

Hơn 264.000 phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú mỗi năm. Đây là căn bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ tại Mỹ, với hơn 43.000 ca tử vong vì căn bệnh này hàng năm.

 
Hiệp Nguyễn (Theo Dailymail)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn