AI phát hiện 3 bệnh ung thư nguy hiểm chỉ với một giọt máu khô

Xét nghiệm mới chỉ cần qua một giọt máu khô để chẩn đoán các bệnh ung thư - Ảnh: The Sun.

Xét nghiệm ung thư sẽ đơn giản như thử thai

Đột phá y học: Xét nghiệm ung thư bằng ánh mặt trời

Nghiên cứu: Xét nghiệm máu hứa hẹn giúp chẩn đoán bệnh Parkinson

Xét nghiệm nhanh giúp phát hiện vi khuẩn Salmonella trong thực phẩm

Công cụ mới sử dụng công nghệ máy học, một nhánh của AI, để phân tích các sản phẩm phụ của quá trình trao đổi chất, còn gọi là chất chuyển hóa, trong mẫu máu. Những chất chuyển hóa này (được tìm thấy trong huyết thanh) hoạt động như "dấu ấn sinh học" có khả năng phát hiện sự hiện diện của ung thư trong cơ thể, theo trang LiveScience.

Sàng lọc các "dấu ấn sinh học" trong máu đã được đề xuất như một cách tiềm năng để chẩn đoán ung thư giai đoạn đầu khi tỉ lệ sống sót cao hơn và bệnh nhân không có triệu chứng rõ ràng.

Các nhà nghiên cứu cho biết, công cụ này có thể giúp giảm tới 55% các trường hợp không được chẩn đoán ở các nước kém phát triển trên thế giới.

Theo The Sun, tác giả chính Ruimin Wang thuộc Đại học Shanghai Jiao Tong (Trung Quốc), cho biết: “Hơn một tỷ người trên khắp thế giới có tỷ lệ bỏ sót chẩn đoán bệnh cao. Điều này nhấn mạnh sự cần thiết của các công cụ chẩn đoán cho thấy độ chính xác và khả năng chi trả cao hơn. Tuy nhiên, phương pháp tiếp cận của chúng tôi cho phép chẩn đoán nhiều bệnh ung thư trong vòng vài phút với chi phí phải chăng”.

Tại Anh, ung thư ruột hiện là loại ung thư phổ biến thứ ba ở nước này, với 41.596 người được chẩn đoán vào năm 2021 và cướp đi sinh mạng của 16.000 người mỗi năm. Bên cạnh đó, có khoảng 6.500 ca ung thư dạ dày mới hàng năm ở Anh, trong khi 10.500 người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tụy, theo The Sun.

Theo các chuyên gia y tế, tỷ lệ sống sót của cả 3 căn bệnh nguy hiểm này đều cao hơn nhiều nếu ung thư được phát hiện sớm hơn, và các nhà nghiên cứu đang không ngừng tìm cách cải tiến các phương pháp xét nghiệm căn bệnh này.

Hầu hết các xét nghiệm máu hiện nay để phát hiện các bệnh này đều sử dụng máu lỏng để phát hiện các dấu hiệu của bệnh ung thư và "không đủ mạnh" để chẩn đoán từng bệnh riêng lẻ.

Tiến sĩ Chaoyuan Kuang, thuộc trường Cao đẳng Y khoa Albert Einstein cho biết, sử dụng máu khô có thể là yếu tố "thay đổi cuộc chơi".

Theo TS. Chaoyuan Kuang, máu khô có thể được “thu thập, lưu trữ và vận chuyển với chi phí thấp hơn nhiều và với thiết bị đơn giản hơn nhiều”.

“Điều này có thể giúp dân chủ hóa việc cung cấp xét nghiệm phát hiện sớm ung thư trên toàn thế giới” - TS. Chaoyuan Kuang chia sẻ với Live Science.

Tuy nhiên, ông nói cần thêm nhiều năm nghiên cứu nữa để có thể cung cấp rộng rãi xét nghiệm này tới người dân.

Các nhà khoa học ước tính đến năm 2030, khoảng 75% số ca tử vong do ung thư sẽ xảy ra ở những nước có thu nhập thấp và trung bình do người dân gặp nhiều rào cản trong việc chăm sóc y tế. Nghiên cứu mới này kỳ vọng có thể giúp cải thiện khả năng tiếp cận xét nghiệm ở những nơi nguồn lực còn hạn chế như vùng sâu vùng xa.

Nghiên cứu đăng trên Tạp chí Nature Sustainability.

 
Hiệp Nguyễn (Theo Live Science/The Sun)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn