Kali - thừa, thiếu đều phiền!

Kali (ký hiệu hóa học là K) được phát hiện bởi Sir Humphry Davy vào năm 1807. Giống như Clo và Natri, Kali thuộc nhóm khoáng chất thường rất phổ biến trong thực phẩm, đóng vai trò căn bản trong quá trình phân phối nước, tạo cân bằng axit – bazơ trong cơ thể.


“Công” lớn, “tội” không nhỏ
Những nghiên cứu tiên phong về tác dụng của khoáng chất này đã chỉ ra rằng Kali đóng vai trò quan trọng trong việc phóng thích năng lượng từ chất đạm, chất béo và tinh bột trong suốt quá trình chuyển hóa. Từ đó, có khả năng làm giảm nguy cơ tăng huyết áp - yếu tố quan trọng gây nên đột quỵ (hay còn gọi là tai biến mạch máu não). Ngoài ra, các nhà hóa học còn khẳng định vai trò quan trọng của Kali trong việc đảm bảo chức năng của các tế bào sống, là ion chính trong tế bào cơ thể chịu trách nhiệm đảm bảo hoạt động của hệ cơ bằng cách tạo ra và dẫn truyền những xung động thần kinh, tạo phản ứng co cơ, kể cả hoạt động của cơ tim. Không những thế, Kali còn giúp tăng cường các phản ứng hóa học, hỗ trợ quá trình tổng hợp protein và chuyển hóa gluxit, giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt, tránh tạo sỏi thận và góp phần làm giảm nguy cơ loãng xương. Cùng với các Vitamin khác, Kali giúp cơ thể khỏe mạnh, tránh các dấu hiệu tê chân tay, vọp bẻ, chống stress và giúp cơ thể hồi phục sau quá trình gắng sức.

Kali là khoáng chất thường được các bác sĩ kê toa để bệnh nhân bổ sung trong quá trình điều trị tăng huyết áp, bệnh lý đại tràng, dị ứng, đau đầu, mệt mỏi toàn thân ..., đặc biệt đối với người già.

Với vai trò vô cùng quan trọng như vậy đối với cơ thể, dễ hiểu vì sao tình trạng thừa hay thiếu Kali đều gây ra những tác hại không nhỏ.

BẠN CÓ BIẾT?
- Trước đây, con người tiêu thụ một lượng Kali nhiều gấp 7 lần Natri. Nhưng ngày nay, mối tương quan này đã bị đảo ngược.
- Ngày 31/01/2013, Tổ chức Y tế thế giới đã công bố hướng dẫn mới về lượng muối và kali ăn vào hàng ngày. Theo đó, người lớn mỗi ngày nên sử dụng ít hơn 2.000 mg natri (tương đương 5 g muối ăn) và ít nhất 3.510 mg kali.



Một trong những đặc điểm về chế độ ăn uống của con người hiện đại là sử dụng Natri nhiều hơn Kali gấp 3 lần. Trong khi trước đây, lượng Kali được con người sử dụng nhiều gấp 7 lần Natri. Như vậy là mối tương quan giữa 2 loại kháng chất này trong chế độ ăn của con người ngày nay đã bị đảo ngược. Đáng tiếc là sự đảo ngược này lại theo chiều hướng xấu đi, gây nên nguy cơ cao về bệnh tật. Theo các chuyên gia y tế, người sử dụng nhiều natri và ít kali có thể tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, do đó tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.

Lời khuyên được đưa ra cho vấn đề này là chúng ta cần tiêu thụ một lượng Kali khá lớn vào cơ thể: từ 3-5 g/ngày đối với người lớn và từ 0,5 -1 g/ngày đối với trẻ em. Một chế độ ăn bình thường phải cung cấp mỗi ngày từ 2 đến 6 g Kali.

Lượng dư thừa sẽ được loại thải qua nước tiểu và mồ hôi. Thận là cơ quan chính giữ vai trò điều hóa lượng Kali trong cơ thể với sự can thiệp của Aldosterone - loại hormone tham gia điều chỉnh các chất khoáng trong cơ thể.

Khi thừa, khi thiếu sẽ ra sao?
Ở các nước phát triển, những trường hợp ghi nhận giảm kali máu do thiếu hấp thụ Kali là tương đối hiếm. Những trường hợp giảm lượng Kali trong cơ thể thường là do nhiều nguyên nhân khác như đi ngoài, nôn nhiều lần - đặc biệt ở trẻ em, hoặc ở các bệnh nhân tiểu đường, rối loạn chức năng thận, sử dụng aspirin, cortisone, thuốc lợi tiểu, hoặc ra mồ hôi quá nhiều dẫn đến mất nước. Triệu chứng liên quan đến thiếu hụt Kali trong cơ thể là rối loạn nhịp tim, giảm trương lực cơ, đau mình mẩy, mệt mỏi, căng thẳng, giảm trí nhớ, tăng huyết áp, đầy hơi chướng bụng hoặc giảm nhu động ruột. Việc giảm kali huyết kéo dài sẽ dẫn đến rối loạn hệ tim mạch và thần kinh, thậm chí có thể dẫn đến liệt cơ, thậm chí tử vong.

Bên cạnh đó, việc bổ sung Kali có thể là cần thiết trong trường hợp giảm Kali huyết. Tuy nhiên, cần phải cận trọng với những tác động không mong muốn nếu việc bổ sung này vượt quá 8g Kali/ngày. Tốt nhất là nên tham khảo ý kiến bác sĩ bởi nếu tỷ lệ Kali trong máu quá lớn cũng rất nguy hiểm đối với cơ thể. Tăng Kali máu có thể dẫn đến tắc thực quản hoặc ruột, gây ra những tác động không tốt tới dạ dày, gây buồn nôn, nôn, đi ngoài, đầy hơi, dẫn đến hiện tượng tim đập nhanh, thậm chí trong những trường hợp nặng có thể dẫn đến ngừng tim, thậm chí tử vong.

Kali có trong các loại thực phẩm nào?
Kali có trong rất nhiều loại thực phẩm. Các loại hoa quả và rau xanh là nguồn cung cấp Kali quan trọng nhất: các loại đậu quả và đậu hạt, táo, bầu, bí, chuối và đu đủ… Có điều cần lưu ý là việc nấu chín trong nước sẽ làm giảm từ 50 đến 70% lượng Kali trong các loại thực phẩm này. Do đó, chúng ta nên làm chín bằng hơi hoặc bỏ lò hoặc ăn sống để lượng Kali trong thực phẩm được hấp thụ tối đa.
Kali còn có trong nhiều loại cá, sò biển, sữa chua, hạt bí đao, ngũ cốc, chocolate…

anhvan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp