Ảnh minh họa
Trước hết, cần phải khẳng định rằng: Rau xanh rất tốt cho sức khỏe của mỗi người, kể cả người lớn, trẻ nhỏ ở bất kỳ lứa tuổi nào. Rau nằm trong nhóm thực phẩm thứ tư, cung cấp vitamin, muối khoáng và đặc biệt là chất xơ. Chất xơ không được hấp thu trong quá trình tiêu hóa, không cung cấp năng lượng nhưng nó tạo ra khối lượng chất thải trong ruột, giúp tăng nhu động ruột, chống táo bón. Điều quan trọng nữa là chất xơ sẽ thúc đẩy sự hấp thu của cơ thể đối với 3 nhóm thức ăn là đạm, béo và đường. Bên cạnh đó, một số loại rau giàu chất đạm, vì thế, dù rau là loại thức ăn rẻ tiền nhưng lại có vai trò dinh dưỡng khá cao.
Bên cạnh rất nhiều lợi ích như cung cấp vitamin,
khoáng chất giúp cơ thể không bị suy nhược vì mất nước, giúp làn da căng mịn,
khỏe đẹp…, rau xanh còn một tác dụng đặc biệt khác là giúp giảm cân một cách an
toàn, hiệu quả.
Phòng chống bệnh ung thư: Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Điều dưỡng trưởng, Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt: Các chất dinh dưỡng và các chất chống oxy hóa thường tập trung nhiều ở các loại trái cây và rau quả có màu sáng. Một số củ quả có màu cam như cà rốt, khoai lang hay bí ngô có chứa dưỡng chất carotenoids, được chứng minh có liên quan đến việc giúp phòng chống bệnh ung thư đại tràng, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư vú và ung thư phổi. Các loại rau có màu sẫm như cải xoăn hay bông cải xanh thì giàu dưỡng chất indoles, có tác dụng giúp giải độc gan và phòng chống ung thư gan. Rau bina hữu ích trong việc ngăn ngừa một số loại ung thư như ung thư buồng trứng, ung thư tuyến tiền liệt. Rong biển là thực phẩm hàng đầu chống ung thư vú. Cây sả, cần tây phòng chống ung thư đại trực tràng. Măng tây phòng chống ung thư hạch, ung thư bàng quang, ung thư da…
Giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa: Một trong các thành phần tuyệt vời của rau là chất xơ, đặc biệt là chất xơ không hòa tan trong nước gồm cellulose và hemicellulose, vốn có nhiều trong các loại rau xanh, quả, măng... có vai trò trong chuyển hóa lipid, glucid và lipoprotein. Vì thế, chúng làm giảm thời gian thức ăn tồn đọng trong hệ tiêu hóa. Nhiều nghiên cứu đã đưa ra bằng chứng về những tác dụng đáng kể của chất xơ không hòa tan trong việc phòng ngừa táo bón, phòng ung thư đường tiêu hóa mà đặc biệt là ung thư đại tràng, kích thích thành ruột, tăng nhu động ruột khiến việc đẩy phân ra ngoài dễ dàng hơn. Ngoài ra, chất xơ có tác dụng hấp phụ các chất độc có trong hệ tiêu hóa, tăng khả năng miễn dịch, tăng cường hoạt động của hệ vi khuẩn đường ruột nên giảm được nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa.
Cải thiện thị lực: Chế độ ăn uống với nhiều rau quả và trái cây sẽ bổ sung các các loại vitamin cần thiết, giúp giữ gìn đôi mắt tốt hơn. Vitamin A, C, và E là những thành phần chính cho mắt khỏe mạnh. Nó giúp hỗ trợ trong việc phòng chống thoái hóa điểm vàng ở mắt. Vitamin A ngăn ngừa bệnh quáng gà, trong khi vitamin C hoạt động bảo vệ sức khỏe mắt, Vitamin E có liên quan đến việc phòng ngừa đục thủy tinh thể và trì hoãn việc tăng trưởng đục thủy tinh thể.
Ăn rau cũng phải… đúng cách?Ăn đa dạng các loại rau, củ, quả mới là cách ăn khoa học
Ăn nhiều rau xanh, hoa quả là tốt, tuy nhiên, ăn đa dạng các loại rau, củ, quả mới là cách ăn đúng khoa học. Tùy vào từng loại rau, các bà nội trợ sẽ chọn cách chế biến khác nhau, nhưng tiếc là: Không có phương pháp chế biến rau củ quả nào có thể giúp bạn giữ được 100% lượng chất dinh dưỡng! Vì vậy, lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng là nên thay đổi các phương pháp chế biến như hấp, luộc, hầm, nướng…, vừa để phù hợp với đặc điểm của từng loại rau củ khác nhau, vừa để phù hợp với khẩu vị của từng người, từng bữa ăn. Điều đó giúp các món ăn ngon hơn theo sở thích và cung cấp nhiều dưỡng chất nhất cho cơ thể.
Rất nhiều người cho rằng chỉ nên ăn rau sống, việc nấu chín rau, củ, quả sẽ làm mất hết các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, theo các chuyên gia của Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam thì trên thực tế có rất nhiều loại rau, củ, nếu ăn sống sẽ rất khó tiêu hóa, thậm chí gây hại cho hệ tiêu hóa. Một số chất dinh dưỡng như lycopene có trong cà chua hay beta-carotene có trong cà rốt sẽ lại được giải phóng và hấp thu có hiệu quả hơn khi được nấu chín.
Một số lời khuyên nhỏ khi chế biến các loại rau củ được các chuyên gia dinh dưỡng đưa ra là: Luộc hoặc nấu là cách tốt nhất để chế biến cà rốt; Bông cải xanh nên được hấp hoặc xào, thậm chí là ăn sống. (Nguyên nhân là do bông cải xanh khi nhận nhiệt cao có thể sản xuất sulforaphane, một chất chống ung thư). Đối với các loại rau củ muốn giữ lại vitamin C thì nên ưu tiên phương pháp nướng lò vi sóng vì chúng giữa lại vitamin C trong rau nhiều hơn phương pháp luộc.
Ở người trưởng thành, trong khẩu phần ăn hằng ngày nên có tối thiểu khoảng 300g rau xanh và 100g quả tươi. Trẻ em trên 5 tuổi hoàn toàn có thể ăn lượng rau xanh + hoa quả với khẩu phần như người lớn. |
Bình luận của bạn