Khi bị dồn đến chân tường, sự sáng tạo sẽ được giải phóng

Trò chuyện với ông chủ "Hồng Lam"

Thành Lộc: Hãy cố gắng tận hưởng nỗi đau!

Thanh Hằng, Thành Lộc "vượt khó" trong nhiệm vụ mới

Bà chủ Q.Home: Tôi là bộ lọc cho khách hàng!

Khi cơ quan quản lý làm doanh nghiệp “sướng”

Qua đêm bão biển vẫn thấp thoáng những vì sao

Cuối cùng năm 2013 cũng khép lại với những con số biết nói: Số doanh nghiệp đăng ký thành lập tăng nhưng vốn giảm (-15,4%). Số doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động tăng mạnh, vào khoảng 42.460 doanh nghiệp, như vậy, chỉ trong một quý số đóng cửa tăng thêm hơn 17.000 doanh nghiệp. Nhìn về 2014, không ít quan ngại, tình hình sẽ còn khó hơn nữa khi mà các nền kinh tế khác đã trỗi dậy trong khi nền kinh tế Việt Nam còn bị “nghẽn mạch tăng trưởng”.

Trong cái nền chung còn u ám đó, cá nhân chị cảm nhận một năm 2013 đi qua như thế nào?

Một năm buồn vui cùng chất chứa. Là một doanh nhân nghị sĩ, rồi bản thân cũng tham gia nhiều Hiệp hội nên tôi có cơ hội để cảm nhận thực tế khắc nghiệt từ các góc độ khác nhau – như một người trong cuộc, một người có thể tiếp xúc với những dữ liệu thông tin chung của nền kinh tế cũng như của đội ngũ doanh nghiệp nói riêng. Các cụ có câu “một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”, lúc này, trước con số của doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản, tôi thực sự cảm thấy buồn thấm thía. Nhưng tôi nghĩ, cá nhân tôi và những doanh nhân khác chắc hẳn đều đã học được ít nhiều từ câu chuyện thất bại nói trên. Không thể chìm đắm vào nỗi buồn, chúng ta cần phải tránh được vết xe đổ để tiếp tục hành trình của mình.

Với VID Group, năm qua tuy khó khăn nhưng cũng đạt được kết quả kinh doanh đáng khích lệ khi đón được dòng vốn đầu tư FDI từ 20 dự án của các doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc. Đạt được kết quả này ban lãnh đạo rất ghi nhận nỗ lực của toàn thể đội ngũ nhân viên trong tập đoàn.

Chị sửa soạn tâm thế ra sao khi đón một năm mới, được dự đoán còn nhiều khó khăn? Liệu sau hai năm cầm cự, có phải giờ đến lượt các doanh nghiệp vốn được coi là khỏe cũng phải ra đi?


Đúng là năm 2014 sẽ còn rất khó khăn. Vậy nên, mục tiêu của năm cần được phản ánh đúng như nghị quyết đã được Quốc hội thông qua. Rõ ràng, sau một năm 2013, khó khăn đến từ cả khách quan bên ngoài lẫn những yếu tố nội tại ở bên trong, lúc này tiềm lực của nền kinh tế đã mỏng đi, sức của doanh nghiệp trong nước cũng cạn hơn. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, không nên chỉ nhìn về tương lai với một màu xám. Những khuyến nghị về những bất cập của nền kinh tế, về độ khó của thị trường, về sức khỏe của doanh nghiệp là cần thiết để chúng ta có cái nhìn bình tĩnh, cẩn trọng hơn, nhưng không phải vì thế mà đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân tự triệt tiêu sức cố gắng hay ý chí phấn đấu.


Những doanh nghiệp còn tồn tại và phát triển bây giờ xứng đáng được tưởng thưởng vì họ đóng vai trò quan trọng vào việc đóng góp ngân sách, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, giảm gánh nặng cho xã hội… Khủng hoảng hay khó khăn đều có mặt giá trị của nó, giúp cho đội ngũ doanh nghiệp có cơ hội rèn luyện sức kiên nhẫn, độ dẻo dai và bật lên sáng tạo. Giờ đây đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam đã trưởng thành hơn, thay vì kêu gọi hay trông đợi sự hỗ trợ từ chính sách, vào bà đỡ Nhà nước, họ đã tự đứng trên đôi chân mình. Tôi rất tâm đắc với câu, khi bị dồn đến chân tường ấy là khi sự sáng tạo được giải phóng.

Thưa chị, trên thực tế, các trụ cột của nền kinh tế như doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân đều đang kém sức, chỉ còn có doanh nghiệp FDI. Thậm chí, có vị chuyên gia còn nói rằng, nếu cứ thế này, 5 năm nữa thôi, nền kinh tế Việt Nam trở thành nền kinh tế FDI? Có phải vì môi trường đầu tư bất cập, chính sách không theo kịp đòi hỏi thực tế?

Tôi cho rằng, việc các doanh nghiệp FDI tìm đến Việt Nam cho thấy thực tế, môi trường đầu tư của chúng ta có được cải thiện nhất định dù vẫn còn có những điểm trừ so với một số nước trong khu vực. Chúng ta phải ghi nhận những nỗ lực của cả bộ máy cho việc tạo dựng môi trường kinh doanh chung được hấp dẫn hơn, chẳng hạn như chính sách miễn giảm thuế, điều chỉnh tiến độ tăng lương cơ bản, những nỗ lực đàm phán trong TPP… Tuy rằng, không phải ước vọng nào cũng trở thành hiện thực, có những điều chúng ta phải vừa làm vừa học, thậm chí phải trả giá. Nhưng, chúng ta cũng cần nhìn nhận thực tế cho khách quan, không lạc quan suông nhưng cũng không quá tiêu cực. Lúc này, doanh nghiệp cần điểm tựa, cần những chính sách hỗ trợ của Chính phủ được đi vào đời sống. Nhưng mặt khác, chính các doanh nghiệp cũng phải tìm kiếm con đường đi của mình. Có hình ảnh này, tôi nghĩ rất đúng, đó là chúng ta đang tiến ra biển lớn nổi sóng trên con thuyền nan, vậy thì phải đồng lòng, vững tay chèo, không thể có cách nào khác.

Chị vừa giữ vai doanh nghiệp khai thác hạ tầng công nghiệp vừa vai đầu tư vào mảng ngân hàng, chị nghĩ gì về sự tắc nghẽn tín dụng hiện nay? Làm sao tháo gỡ được?

Thực ra, Ngân hàng nhà nước đã chỉ đạo sát sao việc bơm vốn tín dụng ra sản xuất. Nhưng phải nói rằng, câu chuyện tăng trưởng tín dụng không chỉ là việc của ngân hàng, doanh nghiệp mà nó còn liên quan đến những chỉ số vĩ mô như GDP, lạm phát … Điểm nghẽn nằm ở chính sức mua của thị trường thấp, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Vậy nên, năm 2014, Chính phủ cần gia tăng các giải pháp kích thích tiêu dùng, đặc biệt với những thị trường có tính tác động lớn như bất động sản… Về phía thị trường cũng đã ghi nhận những tín hiệu tích cực từ việc VAMC mua nợ xấu từ các ngân hàng, các giải pháp kỹ thuật giúp cơ cấu lại nợ, giãn nợ… giúp cho ngân hàng và doanh nghiệp có thể cân đối lại hoạt động của mình. Ngân hàng mua trái phiếu chính phủ đã góp phần thúc đẩy đầu tư cho cơ sở hạ tầng, điều hết sức cần thiết trong việc tạo dựng nền tảng thu hút đầu tư bền vững.

Đưa DN, doanh nhân vào Hiến pháp – những câu chuyện hậu trường

Năm 2013, bên cạnh niềm vui chung của cả nước khi Hiến pháp sửa đổi được thông qua, có niềm vui riêng của giới doanh nghiệp, doanh nhân khi được đưa vào khoản 3 Điều thứ 51 của Hiến pháp. Chị Nguyễn Thị Nguyệt Hường chia sẻ rằng, kỳ họp Quốc hội lần này sẽ sống mãi trong chị như một kỷ niệm không thể nào quên. Chị và các doanh nhân nghị sĩ, cùng ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong vai trò đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã đi trọn một sứ mệnh lịch sử. Đó là lần đầu tiên cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân được định danh trong một văn bản pháp lý cao nhất của đất nước sau hành trình 70 năm không ít thăng trầm.

Tôi được biết, trong bản dự thảo trình ra Quốc Hội lúc đầu không có điều này. Vậy làm sao chỉ trong khuôn khổ kỳ họp lại có thể đưa được doanh nghiệp, doanh nhân vào trong Hiến pháp một cách thuyết phục, thưa chị?

Tôi đã đọc rất kỹ Hiến pháp 1992 và dự thảo Hiến pháp sửa đổi, quả đúng là không hề có điều khoản nào đề cập đến đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân. Chỉ duy nhất có một chữ doanh nghiệp trong bản dự thảo sửa đổi, nhưng đáng buồn là trong phần đối tượng giám sát của các cơ quan quản lý. Chúng tôi những nghị sĩ doanh nhân cảm thấy rất buồn vì điều đó. Không thể phủ nhận thực tế khách quan rằng, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân đã có những đóng góp hết sức thiết thực vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Chúng ta có được ngày khai sinh cho mình là ngày 13/10 – Ngày Doanh nhân Việt Nam, nhưng lại không tìm thấy “giấy khai sinh” ở đâu? Đảng và Nhà nước đã có Nghị quyết 09 về sự phát triển của đội ngũ doanh nghiệp doanh nhân…. Nếu không đưa được doanh nghiệp, doanh nhân vào Hiến pháp cũng đồng nghĩa chưa phản ánh được khách quan sự vận động của xã hội.

Trong các hoạt động tiếp xúc các cấp lãnh đạo cũng như trong giao tiếp với cử tri, hay tại các diễn đàn, hội thảo, chúng tôi đều nỗ lực nêu quan điểm, ý kiến và lắng nghe phản hồi về giới của mình. Chúng tôi nhận ra, hơn lúc nào hết, đây là thời điểm chín muồi rất thuận từ trong lòng dân để giới doanh nghiệp, doanh nhân được công nhận sứ mệnh của mình. Và thực tế đã cho thấy, niềm tin sự kỳ vọng của giới doanh nghiệp đã được thấu hiểu. Chúng tôi đều cảm nhận sự thiêng liêng ở thời điểm thông qua Hiến pháp.



Có vẻ như, tinh thần kinh doanh mà chị đề cập nhiều lần đang lụi đi cùng với sự ra đi của không ít doanh nghiệp?


Đó là thực tế đáng buồn. Tôi nghĩ lúc này chúng ta cần một chương trình ở cấp quốc gia để vực dậy tinh thần kinh doanh, khát vọng muốn làm giàu trong mỗi người dân. Tỷ lệ doanh nghiệp/số đầu dân của Việt Nam hiện còn quá thấp, như vậy, rất khó tạo dựng được những thương hiệu doanh nghiệp mang tầm cỡ thương hiệu quốc gia. VCCI cần nhận lấy vai trò đi đầu, phối hợp với các Hiệp hội để khởi tạo chương trình nói trên một cách bền vững như một trong những hoạt động kiến tạo đường ray cơ chế chính sách để có môi trường kinh doanh cạnh tranh hơn. Tôi mong đến một ngày Việt Nam có tỷ lệ 4 người dân có 1 người làm kinh doanh.

Và một nụ cười rất Nguyệt Hường

Câu chuyện giữa tôi và chị đề cập đến những vấn đề vốn dĩ khô khan và không phải không có những sắc màu u ám, thế nhưng, trong suốt cuộc chia sẻ, lúc nào chị cũng giữ một vẻ điềm tĩnh, nhẹ nhàng và một nụ cười sáng. Có thể như chị nói, chị luôn muốn nhìn mọi sự việc, hiện tượng ở góc độ đa chiều và mang sắc màu của lạc quan, nhưng cũng có thể chị có ý thức trong tạo dựng hình ảnh cá nhân. Hỏi chị, có khi nào cảm thấy mệt mỏi bởi việc đóng khung mình trong hình ảnh một nữ doanh nhân, chính khách chỉnh chu, mực thước? Câu trả lời ngắn gọn - chị không chấp nhận sống cuộc sống của mình trong dáng vẻ của một mẫu hình nào đó. Vẻ ngoài thế nào, con người là như thế. Chị, luôn nghiêm túc để thực sự tròn được vai của một doanh nhân trước đối tác và hàng ngàn lao động gắn bó với doanh nghiệp. Chị, thể hiện trách nhiệm trước cử tri từ ngay từ việc giữ hình ảnh đến chương trình hành động của mình. Và không thể thiếu một Nguyệt Hường với mái ấm gia đình kết nối các thế hệ doanh nhân.

Một vẻ ngoài đầy đặn, một nụ cười tươi, vẻ như mọi thứ đều tròn trịa trong cuộc đời người đàn bà này. Nhưng, ai mà đo lường hết được những sóng ngầm trong chị để có thể cân bằng cuộc đời mình theo một quỹ đạo chu toàn như vậy. Chỉ có chị tự biết mà thôi! Với cuộc đời – chị nói, muốn được từ câu chuyện của mình để góp phần tiếp thêm ngọn lửa ước vọng định danh những thương hiệu Việt trên sân chơi lớn thời hội nhập ở trong mỗi con người đang khao khát khởi nghiệp, hay đang ở khúc khó khăn của sự sống còn. Có niềm tin sẽ có được tất cả – chị mỉm cười tạm biệt! Câu chuyện chúng tôi khép lại vì cái hẹn không thể trì hoãn - về nhà kèm cậu con trai lớp 6 chuẩn bị thi học kỳ.

vanhuong
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Trò chuyện