Khó tính vì... cô đơn

Tuổi già thường đi liền với khó tính

Phòng bệnh xương khớp cho người già

TPCN cho người già: Không phải cứ nhiều là tốt

Người già nên coi bệnh tật như cơn gió nhẹ

6 cách ngừa bệnh Alzheimer ở người già

Người già không nên... dậy sớm

Theo các chuyên gia tâm lý, sự "đổi tính đổi nết" của người già do nhiều nguyên nhân. Người già thường hay kỹ tính, cuộc sống bó hẹp trong gia đình nên suy nghĩ đến bản thân nhiều hơn. Ngược lại, lớp trẻ năng động và luôn có xu hướng “hướng ngoại”. Họ có phong cách sống trẻ trung, nghĩ cũng “thoáng” hơn. Điều này gây nên những mâu thuẫn trong các gia đình có hai, ba thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà.

Biểu hiện "khó tính" của người già bắt nguồn từ sự "cô đơn"

Người già thường chỉ loanh quanh trong ngôi nhà cả ngày, bị bó hẹp giữa 4 bức tường, con cái, cháu chắt lại đi làm, đi học nên họ thường xuyên cảm thấy cô đơn. Mặt khác khi con cháu trở về, thường ít hoặc không nói chuyện với ông bà vì nhiều lý do riêng. Cộng với việc khi tuổi cao hơn, họ không còn sức khỏe để bươn chải, lăn lộn với thương trường, chẳng thể đủ tỉnh táo để làm việc kiếm sống, không còn uy lực để ăn to nói lớn với đàn con…

Đó là một thực tế mà không phải người già nào cũng có thể chấp nhận, họ luôn “ôn cố tri tân” (nhắc lại cái cũ để hiểu biết hơn cái mới) vào hào quang của mình ngày nào. Họ không hiểu rằng giờ đây mình chỉ là “chuối chín cây”, chiếc lá mùa thu và buộc phải sống dựa vào tình cảm, nuôi dưỡng của gia đình và xã hội. Thậm chí nhiều cụ gần như trở thành một gánh nặng cho con cháu với trách nhiệm “ bảo bọc” miễn cưỡng.

Chính vì vậy, khi hiểu được những thực tế phũ phàng ấy người già trở nên đau khổ, buồn bực và muốn phản kháng. Từ đó sinh ra những tâm sinh lý bất thường mà chỉ những người lớn tuổi mới có như hay cằn nhằn, than thở, cáu gắt, khó chịu… rất nhiều người già lại trở thành “nhi hóa”: Hay khóc, tự ái, mặc cảm, xa lánh, ganh tỵ…

Vậy làm thế nào để người già "dễ tính" hơn?

- Tạo môi trường sống thoải mái cho người già

Nếu người già được sống trong một môi trường thoải mái, giàu tình yêu thương và vị tha thì tâm lý, tính cách họ cũng sẽ rộng lượng, dễ chịu hơn. Các thành viên trong gia đình cần ôn hòa, thoải mái, chia sẻ và yêu thương nhau nhiều hơn. Người già sẽ sống vui, sống khỏe khi con cháu hiếu thảo, luôn luôn lễ phép và tôn trọng ý kiến của họ.

Con cháu cần thường xuyên quan tâm hỏi han để người già không cảm thấy cô đơn

- Trẻ hóa bản thân

Con cháu làm cho người cao tuổi được trẻ hóa bản thân, tức là họ biết tự chăm sóc bản thân mình, không tạo gánh nặng cho xã hội và được làm theo những gì họ muốn. Những người cao tuổi về hưu, họ có rất nhiều kinh nghiệm với vốn kiến thức tích lũy được theo năm tháng. Đó là kho báu quý giá cho lớp trẻ nếu họ biết cách “khai phá”. Hãy để người già đóng góp nhiều hơn cho gia đình và xã hội. Như vậy họ không cảm thấy mình vô dụng, không giúp được gì cho con cái nữa.

Thêm vào đó, người già trẻ hóa bản thân ở cả tâm hồn và hình thể. Cách ăn mặc, chăm sóc cơ thể một cách khoa học của người cao tuổi giúp họ giữ được những nét tươi trẻ. Như vậy họ sẽ tự tin hơn trong sinh hoạt và giao tiếp với mọi người.

Lớp trẻ cần thường xuyên nói chuyện, tiếp xúc với người già nhiều hơn, đồng thời, để người già đọc sách báo, quan tâm đến đời sống, nhu cầu và tính cách của lớp trẻ. Tránh những mâu thuẫn dễ khiến người già “khó tính”, đây cũng là cách làm cho tâm hồn họ không “già cỗi”.

Tập thể dục cũng là 1 cách giúp người già tăng cường sức khỏe, bớt "khó tính"

- Chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người già

Người cao tuổi nên duy trì một chế độ dinh dưỡng hợp lý, lưu ý giảm lượng đường và muối trong bữa ăn, tăng cường ăn nhiều rau tươi, quả chín và các thức ăn giàu chất chống oxy hóa, ăn thêm đậu, lạc, vừng và cá; đặc biệt là tăng cường vận động. Hơn nữa, cần bổ sung lượng sữa phù hợp với cơ thể, phòng chống loãng xương và thiếu chất dinh dưỡng. Người già cũng nên dùng thêm một số thực phẩm chức năng.

Đến tuổi, phụ nữ có thể chủ động bổ sung thêm lượng hormone nữ bằng cách tăng cường cung cấp estrogen thực vật có nhiều trong đậu phụ, sữa đậu nành... Nam giới nên dùng các thực phẩm như: mật ong, trứng, ngũ cốc, rong biển… để bổ sung nội tiết tố cần thiết.

- Thú chơi tao nhã

Bạn có thể tìm cho người già những thú chơi tao nhã vừa để tâm hồn thêm thư thái, vừa để rèn luyện sức khỏe. Những thú vui như làm vườn, chơi cây cảnh, chơi chim, chăm bể cá cảnh, nuôi thú cưng hay đi câu cá, đánh cờ… Có nhiều cách chọn sao phù hợp với niềm yêu thích, sức khỏe và điều kiện gia đình, điều kiện kinh tế của người cao tuổi. Tìm đến các thú chơi tao nhã sẽ rút ngắn thời gian rảnh rỗi có thừa của người già, tránh làm họ cảm thấy buồn chán dễ sinh cáu gắt.

- Gắn bó với tập thể

Người già vẫn cần duy trì gắn bó với tập thể để giảm bớt sự cô đơn và tìm những niềm vui khác nhau cho mình, bạn có thể khuyên và định hướng người già tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương, câu lạc bộ người cao tuổi như câu lạc bộ thơ, diễn văn nghệ… Ngoài ra, có các câu lạc bộ thể dục thể thao hợp lứa tuổi như cầu lông, dưỡng sinh…

Theo chuyên gia, con cái cần có sự quan tâm chăm sóc bố mẹ trong thời gian này. Nên thường xuyên về thăm, tổ chức những buổi họp mặt gia đình. Một bữa cơm ấm cúng có đủ con cháu quây quần xung quanh, đầy ắp tình yêu thương sẽ làm cho người già vui sống. Đừng cáu gắt với sự nhiều chuyện, nóng nảy hay suy diễn của bố, mẹ. Con cái càng xa lánh, giận dỗi, bố mẹ sẽ càng cảm thấy cô đơn và khó tính hơn. Chỉ cần một hành động nhỏ bất kính, thiếu tôn trọng của con cái với bố mẹ sẽ khiến họ cảm thấy tủi thân và thêm phần “không dễ tính”.
Minh Hiếu H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Chăm già