Không được phép quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng công thức follow-up formula?

Chiều 15-7, trong khuôn khổ phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), nhằm giải thích rõ Khoản 4 Điều 7 của Luật Quảng Cáo về các loại sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em, ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên – Nhi đồng (VHGD-TNTN-NĐ) của Quốc hội cho biết, hiện nay trên thị trường có hai loại sản phẩm dinh dưỡng công thức là infant formula và follow-up formula. Hai loại sản phẩm này đều có dạng lỏng hoặc dạng bột được chế biến từ sữa bò hoặc sữa động vật khác với các thành phần thích hợp.

Trong đó, khái niệm dễ gây nhầm lẫn là sản phẩm follow-up formula. Sản phẩm này được Bộ Y tế cấp phép cho các công ty sữa ghi nhãn mác là thức ăn bổ sung và hiện nay đang được quảng cáo tràn lan kèm theo hình ảnh trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khiến cho các bà mẹ dễ nhầm lẫn lựa chọn thay vì cho con bú sữa mẹ sau 6 tháng đầu đời và lâu hơn, trong khi thành phần và công thức của nó không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng để có thể thay thế sữa mẹ. Các chuyên gia của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) lo ngại rằng sẽ có nhiều nguy cơ nghiêm trọng cho sức khỏe của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nếu để sản phẩm này được phép quảng cáo.



Để thống nhất quản lý thị trường quảng cáo sữa và nhất quán với mục tiêu khuyến khích việc nuôi con bằng sữa mẹ của Nhà nước Việt Nam, Thường trực Ủy ban VHGD-TNTN-NĐ cơ bản nhất trí với quan điểm của Chính phủ xác định sản phẩm dinh dưỡng công thức follow-up formula sử dụng thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi không phải thức ăn bổ sung (thức ăn dặm) và do đó không được phép quảng cáo.

Tuy nhiên, việc giải thích sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ trong Dự thảo Nghị định của Chính phủ chỉ liệt kê 2 loại sản phẩm dinh dưỡng công thức cụ thể (infant formula và follow-up formula) là chưa đủ. Trong tương lai, những loại sản phẩm dinh dưỡng công thức mới cho trẻ dưới 24 tháng tuổi có thể được các công ty sữa đưa ra thị trường sẽ không nằm trong đối tượng bị Luật Quảng cáo điều chỉnh. Do vậy, Thường trực Ủy ban đề nghị Chính phủ nghiên cứu đề xuất cách giải thích phù hợp, tránh việc phải tiếp tục bổ sung văn bản giải thích pháp luật khi có những sản phẩm mới phát sinh.


CTV7
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp