PGS.TS.Trần Văn Ngọc tại Diễn đàn Nhiễm khuẩn Hô hấp khu vực châu Á lần thứ 9
Ngứa vùng kín có phải do dùng thuốc kháng sinh?
Lạm dụng kháng sinh: Tăng nguy cơ đái tháo đường type 2
Bạc tăng hiệu quả của thuốc kháng sinh lên 1.000 lần
Xét nghiệm máu phòng “bệnh lạm dụng kháng sinh”
Nhân sự kiện diễn đàn Nhiễm khuẩn Hô hấp khu vực châu Á lần thứ 9 tại TP.HCM vừa phối hợp tổ chức, phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Trần Văn Ngọc - Trưởng Khoa Hô hấp, Bệnh viện Chợ Rẫy, cũng là đồng chủ tọa diễn đàn về vấn đề này.
PV: Phó Giáo sư đánh giá thế nào về tình hình các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp tại Việt Nam hiện nay? Hậu quả và tác động từ các bệnh lý này lên cá nhân người bệnh và cộng đồng xã hội ra sao?
PGS.TS Trần Văn Ngọc: Nhiễm khuẩn hô hấp là bệnh rất phổ biến, với tỷ lệ bệnh và tử vong cao nhất trong các bệnh nhiễm trùng tại các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Nhiễm khuẩn hô hấp hiện nay, đặc biệt nhiễm khuẩn trong môi trường bệnh viện phần lớn do vi khuẩn kháng nhiều kháng sinh nên rất khó điều trị so với thập niên trước. Trong nhiễm khuẩn hô hấp cộng đồng, tình hình kháng thuốc cũng rất đáng báo động tuy không nghiêm trọng như trong nhiễm khuẩn bệnh viện.
Hậu quả sẽ làm tăng tỷ lệ thất bại điều trị, tăng tử vong, tăng gánh nặng kinh tế cho gia đình và xã hội.
PV: Theo Phó Giáo sư, nguyên nhân nào đưa đến tình trạng kháng thuốc kháng sinh gia tăng nghiêm trọng hiện nay đối với các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, bao gồm các trường hợp viêm phổi từ cộng đồng khiến bệnh nhân nhập viện? Hệ quả của việc kháng thuốc như thế nào?
PGS.TS Trần Văn Ngọc: Tôi đưa một ví dụ: Theo các kết quả của một khảo sát gần đây ở các nước châu Á có tên ANSORP, chủng vi khuẩn thường gặp trong bệnh viêm phổi cộng đồng là S. pneumonia đã kháng từ ba loại kháng sinh trở lên. Chủng vi khuẩn này được phân lập khoảng 59,3% ở các nước châu Á nhưng lên đến khoảng 75,5% ở Việt Nam.
Như vậy, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy sự gia tăng tỷ lệ các trường hợp vi khuẩn kháng thuốc gây ra ở cả người lớn và trẻ em. Tình trạng kháng thuốc kháng sinh hay là lờn thuốc kháng sinh gia tăng có cả nguyên nhân nội tại và yếu tố bên ngoài tác động trên vi khuẩn. Trong đó, yếu tố bên ngoài giữ vai trò quan trọng như: Sử dụng kháng sinh không đúng chỉ định, lạm dụng kháng sinh, điều trị quá ngắn hay quá dài ngày, sử dụng kháng sinh không đúng liều, kháng sinh kém chất lượng dẫn đến hậu quả là vi khuẩn kháng thuốc ngày càng gia tăng. Hệ quả của việc lờn thuốc này là làm tăng tử vong do bệnh nhiễm khuẩn, tăng chi phí điều trị và tăng thời gian nằm viện.
PV: Làm sao để phòng ngừa và kiểm soát đề kháng/lờn kháng sinh (từ các bên liên quan: Bác sỹ, quản lý, người bệnh…), thưa Phó Giáo sư?
PGS.TS Trần Văn Ngọc: Tất cả chúng ta cần ý thức rằng vi khuẩn kháng thuốc hiện nay rất nghiêm trọng và đang gia tăng nhanh chóng trong khi việc tìm ra kháng sinh mới thì rất chậm chạp, có nguy cơ không còn kháng sinh hiệu quả để điều trị.
Theo tôi, có mối tương quan thật sự giữa sự lạm dụng hay sử dụng kháng sinh không đúng và xuất hiện đề kháng mới ở các vi khuẩn gây bệnh chủ yếu. Vì vậy, việc giám sát quản lý kháng sinh và các hoạt động giáo dục, vận động sử dụng kháng sinh hợp lý và tiêm phòng bệnh do phế cầu là các bước quan trọng để phòng ngừa và kiểm soát đề kháng kháng sinh.
Tôi nghĩ nhà quản lý có trách nhiệm kiểm tra chất lượng tất cả thuốc kháng sinh khi cấp phép sử dụng.
Nhà chuyên môn thì cần tuân thủ tất cả nguyên tắc sử dụng kháng sinh, sử dụng kháng sinh thích hợp và cập nhật những kiến thức về xu hướng đề kháng để điều trị hiệu quả các bệnh nhiễm trùng.
Riêng bệnh nhân, không nên tự tiện mua kháng sinh sử dụng vì bất cứ triệu chứng nào mà phải đi khám bác sỹ nếu có bệnh nhiễm trùng.
PV: Tại sao Phó Giáo sư cho rằng, lựa chọn liệu pháp kháng sinh là cơ sở điều trị hiệu quả các nhiễm khuẩn hô hấp thường gặp?
PGS.TS Trần Văn Ngọc: Để điều trị thành công các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp, ngoài việc tăng cường sức khỏe và sức đề kháng của cơ thể, kháng sinh giúp tiêu diệt phần lớn vi khuẩn gây bệnh giúp cơ thể mau hồi phục, rút ngắn thời gian bị bệnh.
PV: Cảm ơn Phó Giáo sư về cuộc trao đổi này.
Bình luận của bạn