- Chuyên đề:
- Món ngon ngày Tết
Rất nhiều gia đình thường chuẩn bị mâm cỗ chay thịnh soạn để dâng cúng tổ tiên vào ngày Rằm tháng 7
Tối nay ăn gì: Bày biện mỳ vằn thắn cho ngày cuối tuần mát mẻ
Tối nay ăn gì: Đậu phụ nhồi tôm thịt sốt cà chua
Tối nay ăn gì: 10 thực đơn hỗ trợ giảm cân, giúp cơ thể khỏe mạnh
Tối nay ăn gì: Rảnh tay quết bánh bột lọc ăn chơi
Rằm tháng 7 (hay còn gọi là lễ Vu Lan) là ngày để tưởng nhớ công ơn của cha mẹ và tổ tiên nhiều đời nhiều kiếp của mỗi con người chúng ta. Có thể hiểu đơn giản, Vu Lan chính là báo hiếu và không chỉ với cha mẹ ở kiếp này mà còn là đối với cha mẹ nhiều kiếp trước nữa, đồng thời cũng là dịp để bày tỏ lòng hiếu thảo, biết ơn và đền đáp công ơn nuôi dạy của cha mẹ. Đây là cũng là nét văn hóa truyền thống nhắc nhở mỗi con người chúng ta cần biết “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, sống có trước, có sau và để đức lại nối tiếp cho con cháu mai sau. Vào ngày này, hầu hết mọi người đều có xu hướng muốn ăn chay, niệm Phật, cầu an cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ, làm việc thiện…. Ăn chay có nghĩa là không sát sinh, đưa con người về chốn thanh tịnh, đúng với bản ngã của mình. Và vì thế, rất nhiều gia đình thường chuẩn bị mâm cỗ chay thịnh soạn để dâng cúng tổ tiên, hoặc đơn giản hơn là thực hành ăn chay đối với tất cả thành viên vào ngày Rằm tháng 7.
Các món ăn chay rất đa dạng, phong phú, hấp dẫn và cũng đầy đủ chất dinh dưỡng nếu người chế biến chịu khó bày biện, đặt nhiều tâm huyết khi nấu. Với mâm cỗ chay dâng cúng tổ tiên để tỏ lòng hiếu kính, nên chuẩn bị nguyên liệu từ trước đó 1-2 ngày với những loại thực phẩm không quá cầu kỳ, nhưng cần lựa chọn nguyên liệu tươi sạch, rau củ nhiều màu sắc. Một mâm cỗ chay sẽ có những món cơ bản như: xôi ngũ sắc hoặc bánh bao chay, rau củ xào thập cẩm hoặc rau xanh chần nấm hương, giò chả chay, nem chay, chả đậu phụ cuốn lá lốt, canh nấm nấu hạt sen, …
Rằm tháng 7 vào cuối mùa sen, đầu mùa cốm, nên những món chay vì thế mang nhiều hương thơm của các nguyên liệu tự nhiên này. Trước khi nấu cỗ chay, người nội trợ đảm đang sẽ biết cách tận dụng những hạt sen tươi, ninh một nồi lớn để từ đó chế biến ra nhiều món ăn: làm nước dùng cho món canh sen nấm, bổ sung vào món xào ngũ sắc, thêm ít gà chay và nấm hương vào để thành món gà hầm sen, rồi thì nấu chè sen nữa chứ. Cốm thì có thể kết hợp với đậu phụ để làm chả, hoặc trộn với ít dừa nạo nấu xôi cốm… khiến cho món ăn rất dễ làm, lại ngon và thơm dẻo.
Khi sắp lễ, nếu chú ý trong cách bày biện, trang trí món ăn cầu kỳ một chút cũng sẽ góp phần giúp cho mâm cỗ trở nên sang trọng hơn, đẹp và hấp dẫn hơn.
Nếu không có đủ thời gian chế biến cầu kỳ thì vào, ngày lễ Vu Lan, ngoài việc sắm sửa lễ vật như hoa quả, bánh kẹo, nhiều gia đình lại chọn cách tự tay nấu mấy bát chè sen long nhãn truyền thống, chè sen cốm ngọt mát hay xào một đĩa cốm thơm dẻo, dâng lên ban thờ, thể hiện sự thanh tao, tinh tế, tấm lòng thành kính của con cháu tới tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
Bữa cơm của cả nhà ngày hôm đó sẽ chỉ là những món chay nấu rất đơn giản như: cơm với đậu phụ sốt cà chua, chả cốm chay, ít rau củ luộc chấm muối vừng hoặc cơm với đậu phụ rán xào lá lốt, bắp cải tím muối dưa, canh cà bung nấu chay… chỉ vậy thôi mà bữa ăn ngày Rằm tháng 7 cũng rất đầm ấm, vui vẻ, giúp cho tâm thanh tinh, tinh thần an lạc, phấn chấn.
Theo quan niệm của Đạo Phật, việc ăn chay nhằm khuyến khích con người không sát sinh, sống thiện, tinh thần được giải phóng, tâm hồn sẽ an lạc, hoan hỷ. Vì thế người theo Phật giáo được khuyến khích nên phát tâm ăn chay thường xuyên, hoặc ít nhất vào ngày Rằm, mùng 1 hàng tháng. Còn về cơ sở khoa học, ăn chay sẽ giúp mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe con người như: loại bỏ bớt chất béo dư thừa và nạp thêm chất xơ tốt cho hệ tiêu hóa, cải thiện thể lực, thanh lọc cơ thể, hỗ trợ giảm cân, điều chỉnh và cân bằng hormone, tinh thần được thư thái, tinh tấn hơn.
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Món ngon - Nhà hàng
Bình luận của bạn