Dùng mật cá trắm có thể bị ngộ độc, nguy kịch đến tính mạng
28 người ngộ độc vì bánh mì nhiễm khuẩn nguy hiểm
Cách phòng tránh ngộ độc ốc biển
Bí quyết ăn hải sản không bị ngộ độc
Kinh nghiệm dân gian xử trí ngộ độc nấm
Theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm, trong những năm gần đây, tại Việt Nam vẫn ghi nhận các trường hợp bị ngộ độc và tử vong do sử dụng mật cá trắm.
Cá trắm chia thành hai loài. Cá trắm đen (mylopharyngodon piceus) có mình và vây màu xám đen, ăn tôm cá nhỏ và cá trắm trắng (ctenopharyngodon idellus) có mình và vây màu xám nhạt, gần như trắng, ăn rong, cỏ.
Độc tố chính trong mật cá trắm là 5α Cyprinol và gây tổn thương chủ yếu là viêm gan, thận.
Nguyên nhân tử vong do phù phổi cấp, phù não do vô niệu, ứ nước, tổn thương vi thể như cầu thận tổn thương nhẹ, các mao mạch giãn rộng, chứa đầy nước không có hồng cầu, gan bị xung huyết các tĩnh mạch giữa múi, các xoang tĩnh mạch giãn rộng, đầy hồng cầu.
Mức độ gây ảnh hưởng của mật của cá trắm tới sức khỏe phụ thuộc vào liều lượng đua vào cơ thể. Mật của cá trắm từ 3 kg trở lên thì chắc chắn gây ngộ độc, gây viêm thận cấp và có thể dẫn đến tử vong sau 2 ngày nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời.
Triệu chứng ngộ độc cấp
Khi bị ngộ độc mật cá trắm, người bệnh có thể mắc các hội chứng sau:
- Rối loạn tiêu hóa, thời gian ủ bệnh 2-3 giờ, sẽ có biểu hiện buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đôi khi có máu, người mệt, chóng mặt, vã mồhôi.
- Viêm ống thận cấp với biểu hiện tiểu ít, tiến tới vô niệu, ure máu tăng, phù não, phổi, tiểu ra albumin, máu.
- Viêm gan cấp: Da và niêm mạc trở nên vàng, gan to, rối loạn chức năng khử độc và các chức năng khác.
Khi bệnh nhân có những biểu hiện ngộ độc mật cả trắm thì nên xử trí bằng cách đào thải chất độc ra khỏi cơ thể với việc gây nôn sớm, rửa dạ dày, lọc màng bụng, điều chỉnh nước, điện giải và muối, dùng các biện pháp hỗ trợ hô hấp, tim mạch.
Tiến triển bệnh
- Nếu được điều trị sớm và tích cực, chức năng thận, gan sẽ phục hồi dần…
- Lượng nước tiểu tăng dần, phù giảm bớt, sút cân, huyết áp trở lại bình thường, lượng nước tiểu có khi lên đến 3 - 4 lít, có thể gây mất nước, mất muối. Vàng da cũng bớt dần. Các tổn thương sẽ phục hồi hoàn toàn không để lại di chứng, nhưng chậm.
- Nếu không điều trị, bệnh nhân sẽ tử vong do suy thận cấp, phù phổi cấp.
Không sử dụng mật cá trắm dưới bất kỳ hình thức nào
Đến nay chưa có tài liệu khoa học nào khẳng định việc nuốt mật cá có tác dụng chữa bệnh mà thực tế rất nhiều trường hợp nuốt mật cá đã dẫn đến tử vong. Để đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng mật cá trắm dưới bất kỳ hình thức và mục đích nào.
Theo Tiến sỹ Phạm Duệ - Giám đốc trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai thì hiện nay chưa có một tài liệu y học nào khẳng định mật động vật có thể bồi bổ sức khỏe hay chữa bệnh cho con người qua đường ăn uống. Đồng thời, việc sử dụng các loại mật ngoại lai có nhiều nguy cơ nhiễm độc.
Tiến sỹ Phạm Duệ cho biết thêm, Trung tâm chống độc cũng đã cấp cứu cho rất nhiều bệnh nhân nhập viện vì sử dụng mật động vật, nhiều nhất là do nuốt mật cá trắm. Và điều đáng quan tâm là những người ngộ độc mật cá trắm đều cho biết là nuốt mật cá trắm với mục đích chữa bệnh theo mách bảo của bạn bè, người thân, hàng xóm...
Trong hầu hết các loại động vật thì cá trắm có mật to nhất. Cộng thêm tâm lý không mất tiền mua nên khá nhiều người dân, đặc biệt là bà con ở nông thôn hoặc ngoại thành cứ vô tư sử dụng mà không biết rằng mình đang đùa với cái chết. Hầu hết việc ăn, uống các loại mật, tiết động vật đều không mang lại sức khỏe cho cơ thể mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm bệnh. Do đó xét trên nhiều khía cạnh thì việc sử dụng mật hoặc tiết động vật chỉ có hại hơn là có lợi.
Bình luận của bạn