Dinh dưỡng cho người viêm mũi xoang cấp tính

Viêm mũi xoang cấp tính có đặc điểm là thời gian mắc bệnh ngắn, nước mũi chảy nhiều, đau đầu, phát sốt, khứu giác bị suy giảm, thường thuộc nhiệt chứng, thực chứng.Nguyên nhân thường là cảm nhiễm phong nhiệt, cảm nhiễm thấp nhiệt gây nên. Ngoài ra, do môi trường sống ngày càng bị ô nhiễm, cũng là yếu tố gây ra viêm xoang mũi, số người mắc bệnh viêm xoang mũi ngày càng tăng.

Viêm xoang mũi cấp tính được chia thành 3 thể bệnh phong nhiệt, nhiệt thịnh và thấp nhiệt.

Thể phong nhiệt

Các triệu chứng thường gặp là mũi nghẹt, chảy nhiều nước mũi có màu trắng nhầy hoặc vàng, đau đầu, sốt, sợ lạnh, chất lưỡi hơi đỏ, rêu lưỡi trắng mỏng hoặc vàng mỏng.Nên dùng các thực phẩm có tác dụng trừ phong, thanh nhiệt, thông mũi, như rau húng dũi, húng quế, bạc hà, sắn dây, hoa cúc, lá dâu tằm…

Trà hoa cúc

Hoa cúc khô 10-12 g,bỏ cuống, rửa sạch. Bỏ hoa cúc vào bình ngâm với 100 ml nước sôi, chừng 10 phút là được. Uống thay nước trà.Thức uống này có tác dụng trừ phong, thanh nhiệt, tiêu viêm, thông mũi.

Ảnh: langviet|
Trà hoa cúc có tác dụng trừ phong, thanh nhiệt, tiêu viêm, thông mũi. Ảnh: langviet

Trà hoa cúc, lá dâu

Hoa cúc 8-10 g, lá dâu tằm 8 g.Cả hai bỏ cuống, rửa sạch. Bỏ hoa cúc, lá dâu vào bình, ngâm với 150 ml nước sôi, chừng 10 phút là được. Uống thay nước trà.

Thức uống này có tác dụng trừ phong, thanh nhiệt, giải độc, thông mũi, sáng mắt, hạ huyết áp.

Trà sắn dây, kim ngân hoa

Sắn dây khô 12-16 g, kim ngân hoa khô 10 g, đường phèn 5 g.

Kim ngân hoa rửa sạch, sắn dây rửa sạch, cắt nhỏ. Cho tất cả vào nồi với 200 ml nước, nấu sôi bằng lửa nhỏ chừng 10 phút là được. Uống mỗi ngày thay trà. Thức uống này có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm, thông mũi.

Một số món ăn có ích cho người bị viêm xoang thể phong nhiệt

Cháo gạo lứt, hoa cúc

Hoa cúc 15 g rửa sạch, gạo lứt 100 g vo sạch. Bỏ gạo, hoa cúc, vào nồi nấu chung thành cháo. Trước tiên dùng lửa lớn nấu sôi, sau đó vặn lửa nhỏ nấu thêm 45 phút là được, nêm gia vị vừa ăn. Mỗi ngày ăn 1 lần, vào lúc đói bụng.

Món cháo này có tác dụng tán phong nhiệt, thông mũi, tiêu viêm.

Canh thịt gà hoa cúc

Thịt gà 200 g rửa sạch, xắt miếng vừa ăn. Hoa cúc 50 g rửa sạch. Hành lá rửa sạch cắt khúc. Cho thịt gà và hoa cúc vào nồi cùng với 500 ml nước, dùng lửa lớn nấu sôi, sau đó vặn lửa nhỏ lại nấu thêm khoảng 1 giờ là được, nêm gia vị vừa ăn. Dùng ăn trong bữa cơm.

Món ăn này có tác dụng thanh nhiệt, khử phong, tiêu viêm, thông mũi.

Mực xào hoa cúc, nấm hương

Mực tươi 100 g, hoa cúc tươi 50 g, nấm hương 30 g, gừng tươi 5 g, hành tím 10 g, dầu ăn, muối, lượng thích hợp.

Mực cắt miếng, rửa sạch. Hoa cúc rửa sạch. Nấm hương rửa sơ, bỏ cuống, cắt làm 2. Gừng xắt sợi. Hành tím băm nhỏ.

Đun chảo nóng, cho dầu vào, chờ dầu nóng rồi cho gừng, hành, vào khử cho thơm. Cho mực, hoa cúc, nấm hương, và ít muối vào, dùng lửa nhỏ xào chừng 10 phút là được, nêm gia vị vừa ăn. Mỗi ngày ăn 1 lần, trong bữa cơm.

Món ăn này có tác dụng tăng sức đề kháng, thông khí, trừ phong thanh nhiệt.

Củ cải trắng xào giấm

Củ cải trắng 100 g, giấm ăn 5 ml, hành tím 10 g, muối, đường phèn, dầu ăn, lượng vừa đủ.

Củ cải trắng rửa sạch, xắt miếng; hành tím băm nhỏ.Đun chảo nóng, cho dầu vào, chờ dầu nóng rồi cho hành vào khử cho thơm. Tiếp theo, cho củ cải cùng giấm, muối, đường phèn vào trộn đều, xào chín là được, nêm gia vị vừa ăn. Mỗi ngày ăn 1 lần, trong bữa cơm.

Món ăn này có tác dụng thanh nhiệt giải độc, thông khí, tiêu viêm.

Thể nhiệt thịnh

Các triệu chứng thường gặp là mũi nghẹt, nước mũi đặc, có màu vàng, mùi hôi, niêm mạc mũi sưng đỏ, giảm khứu giác, đau đầu nhiều, sốt, miệng khô đắng, người nóng bứt rứt, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng khô.

Nên dùng những thực phẩm có tác dụng trừ nhiệt, lợi thủy, thông mũi như atisô, mướp đắng, bí đao, cà chua, cải ngọt, mã đề, rau má, rau đắng, rau diếp quăn, cải xoong, đậu xanh, hoa cúc, bông súng, rau nhút, sương sâm, sương sáo, rau câu.

Nước cà chua rau cần tây

Cà chua một trái lớn rửa sạch, cắt miếng nhỏ. Rau cần tây 100 g rửa sạch, cắt từng đoạn ngắn. Cho cà chua, rau cần tây vào máy xay sinh tố cùng với 100 ml nước để xay nhuyễn. Sau khi xay, thêm 1 muỗng nước chanh vắt để uống.

Công dụng bổ dưỡng, an thần, dịu thần kinh, có ích cho người bị viêm xoang mũi, thần kinh bị căng thẳng, ho lâu ngày, ăn uống không tiêu, suy nhược cơ thể, cao huyết áp, người nóng bứt rứt, đi cầu táo, tiểu vàng, đau nhức các khớp do phong thấp (những trường hợp không bị tiểu đường có thể thêm ít đường hoặc mật ong cho dễ uống).

Cháo gạo lứt, đậu xanh

Đậu xanh 50 g rửa sạch, dùng nước ấm ngâm chừng 4 giờ. Sau đó nấu chung với 80 g gạo lứt thành cháo như là được. Chia 2 lần ăn vào bữa sáng và chiều.

Món cháo này có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, có ích cho người bị viêm xoang mũi thể nhiệt thịnh.

Canh bí đao nấu tôm

Bí đao 300 g gọt vỏ, bỏ ruột, cắt thành miếng vừa ăn. Hành lá rửa sạch, cắt nhỏ.

Ngâm 100 g tôm nõn vào một nồi nước cho nở mềm, đặt lên bếp đun đến khi nước sôi thì hạ bớt lửa. Cho bí đao vào, đun đến khi nước sôi trở lại, nêm gia vị vừa ăn rồi tắt bếp, để nồi canh trên bếp cho bí tiếp tục chín. Rắc thêm hành lá vào nồi canh. Dùng ăn trong bữa cơm.

Món canh này có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm. Rất có ích cho người bị viêm xoang mũi thể nhiệt thịnh.Có thể thay bí đao bằng một loại rau quả khác như mướp đắng, cà chua, rau má, rau đắng, cải xoong.

Ảnh: ttgdtx.
Canh bí đao nấu tôm có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm, rất có ích cho người bị viêm xoang mũi thể nhiệt thịnh. Ảnh: ttgdtx

Thể thấp nhiệt

Các triệu chứng thường gặp là mũi chảy nhiều nước mũi vàng đục, nghẹt mũi kéo dài, niêm mạc mũi sưng đỏ, giảm khứu giác, nặng đầu, ngực tức, bụng đầy, chán ăn, nước tiểu vàng, cơ thể mệt mỏi, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhầy.

Nên dùng những thực phẩm có tác dụng trừ nhiệt, trừ thấp, lợi thủy, thông mũi như rau diếp cá, đậu ván, sắn dây, râu bắp, bắp, rễ tranh, mã đề, bông súng, củ sen, cải bẹ xanh, cải bông, rau mồng tơi, rau bù ngót, rau sam, rau cần tây, trái su su, trái thơm.

Nước ép rau hỗn hợp

Rau cần tây 50 g, rau diếp xoăn 100 g, bắp cải 100 g, ba thứ rửa sạch, xắt nhỏ. Ớt tây một trái xắt nhỏ. Chuối chín một trái (chuối xiêm hay chuối già đều được) xắt nhỏ.

Cho tất cả vào máy xay, ép lấy nước, chia 2-3 lần uống trong ngày, vào lúc đói bụng.

Món ăn này có tác dụng làm êm dịu thần kinh, giải độc, tiêu viêm. Có ích cho người bị viêm xoang mũi, ho đàm, mất ngủ do tình trạng thần kinh dễ bị kích động.

Cháo đậu đỏ, bắp

Gạo lứt 80 g, đậu đỏ 50 g, bắp 50 g.Nấu tất cả thành cháo nhừ. Mỗi ngày ăn 1 lần vào lúc đói bụng.

Món cháo này có tác dụng thanh nhiệt, lợi thủy trừ thấp, thích hợp với người bị viêm xoang mũi, cao huyết áp, tiểu tiện khó.

Canh giá, rong biển, thịt heo

Giá đậu xanh 200 g, rong biển 100 g, thịt nạc heo 50 g, hành 10 g, gia vị các loại.

Giá bỏ rễ, rửa sạch; rong biển rửa sạch, xắt sợi; thịt heo rửa sạch, xắt miếng vuông khoảng 4 cm; hành rửa sạch, cắt nhỏ.

Cho thịt heo vào nồi cùng với 1.000 ml nước, dùng lửa lớn nấu sôi. Cho giá, rong biển vào, vặn lửa nhỏ nấu thêm 20 phút, nêm gia vị vừa ăn, cho hành vào là được. Mỗi ngày 1 lần, trong bữa cơm.

Món ăn này có tác dụng thanh nhiệt, khử phong, trừ thấp, tiêu viêm. Thích hợp với người bị viêm xoang mũi thể thấp nhiệt.

Canh rau bù ngót nấu tôm nõn

Tôm nõn khô 20 g ngâm nước cho nở mềm rồi thả vào nồi cùng với 1.000 ml nước, nấu lửa nhỏ cho tôm tiết ra chất ngọt.

Rau bù ngót 200 g chọn loại có nhiều ngọn non, tuốt lấy lá, bỏ cọng, rửa lá sạch, để ráo, vò sơ.

Canh sôi thì thả rau vào, đảo đều, ấn cho rau chìm trong nước rồi đậy nắp lại cho canh chín.

Mở vung, nêm gia vị vừa ăn rối tắt bếp, múc canh ra tô. Dùng ăn trong bữa cơm.

Canh rau bù ngót, tôm đất

Rau bù ngót (bù ngót) 150 g, tôm đất 150 g, thịt heo xay 150 g, bắp vàng 1 trái, hành tím băm, muối, tiêu, dầu ăn, nước mắm, bột ngọt hoặc bột nêm.

Tôm bóc vỏ, giã nát nhuyễn, trộn chung với thịt xay, ướp với ít muối, bột ngọt tiêu và hành tím băm. Bắp bào mỏng. Rau ngót tước lấy lá, rửa sạch, để ráo nước, vò sơ.

Đun nồi nóng, cho dầu vào, phi hành cho thơm rồi cho hỗn hợp tôm thịt vào xào săn, thêm 1.000 ml nước, đun sôi. Cho bắp vào nấu khoảng 2 phút, cho rau ngót vào, nêm gia vị vừa ăn. Canh sôi lại thì tắt bếp. Múc canh ra tô, rắc thêm tiêu, dùng ăn trong bữa cơm.

Có thể thay thế rau ngót bằng các loại rau khác để nấu canh, như rau mồng tơi, rau sam, cải bẹ xanh, cải bông, rau cần tây, bông súng.

Theo Lương y Đinh Công Bảy
Tổng Thư ký Hội Dược liệu TP HCM

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp