Sống khỏe nhờ "tuyệt chiêu trộn gạo"

"Canh đúng ngày đầu và giữa tháng, hễ thấy bóng dáng mình chạy xe ra đầu hẻm là bà chủ sạp gạo lại gọi với vào: Hôm nay có gạo mới về, cô lấy luôn nha?". Chị Cẩm Tú, nhân viên một công ty dầu khí của Mỹ có trụ sở đóng tại quận 1, TP.HCM bắt đầu câu chuyện như vậy khi đề cập đến cách chọn gạo của gia đình mình.


Gạo nội địa bên cạnh gạo ngoại nhập bày bán tại siêu thị. (Ảnh: Lê Quang Nhật)

Ăn theo thói quen

Nhà chị Tú có cả thảy 4 người. Mỗi tháng ăn hết khoảng 20kg gạo. Thường, chị chia làm 2 lần mua vào đầu và giữa tháng để cho lúc nào cũng được ăn gạo mới. Chị nói, cửa hàng gạo đầu con hẻm gắn bó với gia đình ngót chục năm nay. Bà chủ cửa hàng cũng quen "gu" ăn gạo của nhà chị nên cứ đến kỳ là cân 10kg để sẵn ra đó…

"Nhà mình hay ăn gạo lài sữa, bông lúa vàng hoặc gạo thơm Đài Loan đặc biệt", chị Tú nói. Loại gạo này có cơm dẻo, thơm, nhai kỹ có vị ngọt, giá từ 17.500-22.000 đồng/kg nhưng nhược điểm là nếu vo gạo không kỹ, cơm nấu để qua đêm có mùi thiu rất khó chịu.

Cách chọn và mua gạo của chị Tú cũng phổ biến với số đông người tiêu dùng hiện nay. Mỗi gia đình, dù ở mặt tiền hay trong hẻm, chung cư hay nhà phố, đều chọn cho mình một cửa hàng gạo thân tín. Những cửa hàng này được ví như là mối ruột của mỗi gia đình. Gia chủ thường được cửa hàng giới thiệu, thậm chí bày cho cách chọn gạo, nấu làm sao cho ra cơm ngon nhất.

Một chị bạn làm cùng cơ quan tâm sự từ lúc sinh ra đến khi đi lấy chồng, nay chị thuộc hàng U40 nhưng vẫn chỉ chọn một cửa hàng gạo ruột từ thời xa xưa để mua. "Bà chủ cửa hàng hay đóng gạo vào các bao nylon loại 5kg, khi nào hết là kêu bả mang tới. Nấu cơm không ngon thì bả cũng đổi lại cho mình!", chị kể. Hỏi ăn gạo lâu một mối như vậy nhưng có biết gạo đó thương hiệu gì, sản xuất ở đâu thì chị bạn ậm ừ: "Thì có nghe bả giới thiệu gạo thơm Đài Loan đặc biệt, gạo bông lúa vàng sáu tháng. Miễn sao cơm ăn vừa miệng là được".

Thói quen mua gạo gần nhà, chọn gạo xá của người tiêu dùng đang giúp sức cho hệ thống sạp, tạp hoá, cửa hàng gạo mọc lên từ đường lớn đến các con hẻm nhỏ, từ chợ trung tâm đến chợ vùng ven, chợ cóc, chợ ổi, từ siêu thị đến cửa hàng sang trọng….

Chị Bảy sống bằng nghề bán tạp hoá nhưng cũng không quên dành ra một góc đặt vài cái chậu nhựa đựng gạo để bán. Cặp vợ chồng sống bằng nghề may, sau vài năm tích góp được vài chục triệu cũng mở cửa hàng gạo. Người trường vốn mở cửa hàng to, gạo chất đầy ngồn ngộn, ken kín cả lối đi. Còn ít tiền thì chỉ cần lấy của đại lý năm, bảy bao gạo, san ra cỡ chục cái chậu nhựa, sau đó kiếm vài miếng bìa cacton làm bảng tên cho từng loại rồi cắm thẳng đứng lên trên mỗi cái chậu nhựa. Như vậy là có thể kiếm sống khỏe re.

Gạo cũng là thực phẩm, nhưng khác với người bán thịt heo, thịt gà, thủy hải sản - hẳn cần phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh y tế cũng mở được cửa hàng bán.

Tuyệt chiêu trộn gạo

Có ai đó bảo rằng người tiêu dùng đang quá dễ tính khi ăn gạo. Nhận định này hoàn toàn đúng. Người dùng đang bỏ tiền mua gạo ở cửa hàng, chấp nhận sử dụng loại gạo xá mà không cần biết nguồn gốc, chất lượng gạo như thế nào.

Khi bật mí về chất lượng gạo, một ông bạn thân đang làm chủ cửa hàng gạo ở quận Thủ Đức, thẳng thừng khuyên: "Cậu nên tìm mua gạo đóng túi có thương hiệu, nhà sản xuất, địa chỉ rõ ràng chứ đừng ăn gạo xá ở cửa hàng nữa". Ông này giải thích hầu hết các cửa hàng gạo hiện nay đều trộn gạo lẫn lộn với nhau để bán. Họ trộn gạo thường với gạo thơm, trộn gạo thơm ít với gạo thơm nhiều, thậm chí là tẩm ướp hoá chất, chất bảo quản để bán mà ít ai biết được.

"Các loại gạo trộn với nhau thường là những loại có cùng đặc tính và hình dạng gần giống nhau", ông bạn phân tích. Ví như gạo thơm hương lài (giống lúa VD20) có đặc tính hạt dài, cơm dẻo, mềm và thơm thường được trộn với những giống lúa như dòng OM có cơm cũng dẻo nhưng không mềm, không thơm, không ngọt bằng thơm lài chính hiệu và hơn hết là có giá thấp hơn 5.000, 7.000 đồng mỗi ký.

Chị Thu Trang, nhân viên kế toán công ty may Place (khu chế xuất Tân Thuận, quận 7) tâm sự: "Tui thường mua gạo lài sữa ở một sạp gạo gần nhà nhưng chất lượng cơm không phải lúc nào cũng như nhau". Nhiều khi để ý thấy gạo lài sữa bán quanh năm ngày tháng. Có lần mua về thì nấu ra cơm vừa dẻo, vừa thơm ngon, nhưng lần khác thì lại khô, nở xốp, chẳng có mùi vị gì cả.

Trường hợp chị Trang không phải là hiếm. Nhiều người tiêu dùng cũng cho hay "rất khó hiểu" khi cùng một loại gạo nhưng đợt này mua về nấu cơm rất ngon, đến lần khác thì cơm lại chẳng ra gì.

Theo một chủ cửa hàng kinh doanh gạo khác thì các dòng gạo thơm chế biến từ giống jasmine, OM, ST, VD20 nếu không bị trộn sẽ có cơm rất ngon. Riêng giống lúa VD20 (tên gạo ở cửa hàng là các loại lài sữa, thơm Đài Loan đặc biệt…) trồng nhiều ở vụ đông xuân.

Từ tháng 9-11 có thêm nguồn cung cấp từ Campuchia, chất lượng gạo ngon hơn vì dân Campuchia trồng loại lúa này tới 6 tháng. Vì vậy gạo lài sữa chỉ ngon cơm vào đầu vụ đông xuân hoặc thu đông, quá thời gian trên thì các vựa gạo thường lấy lúa cũ xay xát nên cơm nấu bị khô, không thơm.

Hiện nay, nông dân miền Tây thường trồng các giống lúa thơm nhiều nhất vào vụ đông xuân (từ tháng 2-5). Thời gian này nguồn cung gạo thơm trên thị trường dồi dào, cửa hàng thường ít trộn, nhưng từ vụ hè thu trở về cuối năm thì nguồn cung hạn hẹp nên họ phải trộn thêm vào tỉ lệ 10-15% gạo thường để bán.

Ngoài ra, gạo mới thu hoạch cũng cho cơm ngon hơn gạo cũ. Trong khi ở các cửa hàng, cơ sở vật chất bảo quản kém, gạo thường chỉ được đóng vào các bao tải, xếp xuống nền gạch, bị ẩm mốc, dễ bắt mối, mọt nên gạo nhanh xuống cấp. Chưa kể, nhiều cửa hàng còn giở chiêu "râu ông nọ cắm cằm bà kia", lấy thương hiệu gạo này để đặt tên cho gạo khác nhằm thu lời cao.
doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp