Hiện tình trạng bệnh nhi dần ổn định, vùng dương vật còn sưng nhưng đã đỡ ngứa.
Cuối tuần vừa rồi, bé được gia đình cho đi tắm biển ở Sầm Sơn, Thanh Hóa. Sau một hồi vùng vẫy dưới nước, khi lên bờ; trẻ bắt đầu có biểu hiện ngứa ngáy, khó chịu. Ngay lập tức, bé được đưa đến Bệnh viện Thanh Hóa điều trị nhưng không đỡ. Sau đó, trẻ được chuyển thẳng tới khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).
Bác sĩ Nguyễn Hồng Phong cho biết, trẻ được đưa vào viện ngày 30/5 trong tình trạng dương vật sưng to, đái buốt, không sốt. Bé được chẩn đoán bị dị ứng, viêm dương vật do tiếp xúc với sứa biển.
Theo bác sĩ Phong, những trường hợp dị ứng do tiếp xúc với sứa biển không phải là hiếm gặp trong mùa hè. Tuy nhiên, phần lớn mọi người chỉ mẩn đỏ ngoài da, sau khi bôi thuốc thường tự khỏi mà không cần nhập viện. Vì thế, trường hợp dị ứng nặng như bé Bảo khá hy hữu.
Sứa có màu trong suốt, mắt thường rất khó phát hiện. Vì thế, khi tiếp xúc với sứa ở những vùng da hở, chất độc tiết ra dính vào da gây nên tình trạng dị ứng, viêm da.
Trong những trường hợp như thế, bác sĩ khuyến cáo nên vệ sinh sạch sẽ vùng da bị dị ứng. Nếu không cải thiện thì cần đi khám để bác sĩ kê thuốc, giúp làm dịu vùng da dị ứng, giảm ngứa, tránh ngãi trầy xước dễ gây nhiễm trùng. Cha mẹ cũng cần lưu ý, khi đi tắm biển không nên cho trẻ nhỏ cởi trần nhằm hạn chế nguy cơ sứa biển tiếp xúc với các vùng da nhạy cảm.
Sứa biển là động vật không có xương sống, sống ở biển hay những nơi nước mặn. Sứa còn sống vốn chứa nhiều độc tố, dễ khiến người chạm phải bị dị ứng. Độc tố của sứa biển khi xâm nhập vào cơ thể người có thể gây đau đầu, tức ngực... Nếu trong 15 phút sau khi chạm phải sứa, nạn nhân ngứa ở bàn tay, bàn chân; nổi mày đay toàn thân; khó thở, vã mồ hôi hay hôn mê... thì cần đưa ngay vào bệnh viện.Nếu chỉ có phản ứng ngoài da, tại chỗ nổi rát, mẩn đỏ và ngứa nhiều thì mới bị nhiễm độc nhẹ và không nên quá lo lắng.
Bình luận của bạn