Thực hư tác hại của nước ngọt có gas không cồn


Uống nhiều sẽ có vòng eo lớn?


Nước ngọt có gas không cồn là nước uống sục khí CO2 bão hòa, tạo cảm giác cay nồng, dễ chịu, khiến "đã khát". Vì vậy, loại thức uống này khá phổ biến trên thế giới. Tại Việt Nam, theo báo cáo của cục thuế các tỉnh - thành phố, tổng sản lượng tiêu thụ nước ngọt có gas không cồn năm 2013 lên tới 925 triệu lít.

Theo lập luận của cơ quan đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với nước ngọt có gas không cồn, trong nước ngọt có gas không cồn, ngoài nước lọc, thành phần còn lại gồm các chất tạo hương, tạo màu, bảo quản.

Mặc dù chất bảo quản có hàm lượng cho phép nhưng nếu sử dụng hằng ngày hoặc quá mức thì dễ gây một số bệnh như béo phì, mỡ máu, gút và tăng nguy cơ ung thư... Do vậy việc định hướng cho người tiêu dùng đối với nước ngọt có gas không cồn là cần thiết, tránh gây ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng.

Dự thảo đề xuất này đã dẫn một nghiên cứu được tiến hành bởi Trung tâm Khoa học Y tế thuộc Đại học Texas, Mỹ, cho thấy "Những người uống nhiều nước ngọt có gas sẽ có vòng eo lớn hơn những người khác ít uống hoặc không uống, đồng thời trong nước ngọt có gas tiềm ẩn chất gây ung thư như Methylmadizole" để chứng minh tác hại của nước ngọt có gas không cồn.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia về dinh dưỡng, việc chỉ lấy nghiên cứu của trung tâm y tế của một trường đại học liên quan đến "vòng eo" và của một số nhà khoa học đơn lẻ để đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với nước ngọt có ga không cồn là thiếu cơ sở.

Khả năng gây béo phì?

Những nghiên cứu khoa học của các tổ chức có uy tín trên thế giới và kết luận của Cục Vệ sinh - An toàn thực phẩm, Bộ Y tế Việt Nam, chỉ ra rằng, gas tạo ra cảm giác no và do đó giảm được lượng thức ăn vào cơ thể một cách đáng kể. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng của Anh (British Journal of Nutrition) cho thấy, tăng mức độ gas trong thức uống làm tăng cảm giác no và giảm lượng calo hấp thu sau đó.

Các nhà nghiên cứu còn phát hiện, so với nước giải khát không gas, việc dùng nước giải khát có gas làm lượng thức ăn đưa vào cơ thể ít hơn một cách đáng kể. Hay nói cách khác, những người sử dụng nước giải khát có ga trước bữa ăn cảm thấy no và ăn ít hơn, do đó mức độ béo phì sẽ giảm.

Và khả năng gây ung thư?


Một kết luận khác trong tờ trình đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với nước ngọt có gas không cồn cho rằng, các phụ gia như chất tạo màu, hương vị, chất bảo quản có thể gây ra các căn bệnh như mỡ máu, tiểu đường, bệnh gút và tăng nguy cơ ung thư cũng không có cơ sở vững chắc.

Hiện nay ngành y tế đã có những quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm rất chặt chẽ đối với việc sử dụng các phụ gia, vốn không chỉ được sử dụng trong nước ngọt có gas, mà trong nhiều loại thực phẩm và đồ uống phổ biến khác tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong một thông báo được đăng tải gần đây trên trên website của mình, Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế đã khẳng định chất tạo màu caramel (4-methylimidazole) trong các sản phẩm đồ uống là an toàn, phù hợp với quy định an toàn thực phẩm của Việt Nam.

Mối liên hệ giữa nước giải khát có gas và các vấn đề tiêu hóa trong tờ trình đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với nước ngọt có gas không cồn cũng khá mơ hồ, dễ gây hoang mang cho dư luận. Thực tế, theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Khoa học Dinh dưỡng của Mỹ, nước giải khát có gas không gây hại đường tiêu hóa.

Các nghiên cứu khác gần đây thậm chí còn khẳng định nước uống có gas có lợi cho sức khỏe tiêu hóa và tim mạch. Nghiên cứu của Hiệp hội Khoa học Dinh dưỡng Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng, nước khoáng có ga có nồng độ natri (sodium) cao giúp giảm cholesterol và nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch đối với phụ nữ.

Nước có gas đã được biết đến trong nhiều thế kỷ như là một loại đồ uống giúp điều trị một số bệnh thuộc hệ tiêu hóa, và một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Tiêu hóa và gan của châu Âu xác nhận rằng, nước có ga làm giảm chứng khó tiêu và triệu chứng táo bón.

Trong những năm gần đây, nghiên cứu đoạt giải Nobel của TS. Barry Marshall đã chứng minh vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP), chứ không phải thực phẩm có tính axít và cay là nguyên nhân gây ra viêm loét tá tràng và dạ dày.

Lập luận bảo vệ sức khỏe cộng đồng trong đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với nước ngọt có gas không cồn còn "bị lung lay" bởi hàm lượng đường trong các loại nước ngọt không có ga không hề thua kém nước ngọt có gas, thậm chí còn cao hơn. Trong thực tế, nguy cơ gây béo phì là do thói quen ăn uống quá nhiều các loại thực phẩm từ động vật và lối sống thiếu vận động chứ không phải do uống nhiều nước ngọt có gas.

Một số lợi ích của nước ngọt có gas không cồn

Nước ngọt có ga không cồn cung cấp một phần phốt pho cho cơ thể. Cơ thể rất cần phốt pho vì đó là khoáng tố cơ bản của mô xương và đồng thời là chất xúc tác cho nhiều phản ứng biến dưỡng. Nhưng nếu uống quá nhiều nước ngọt có gas thì thừa phốt pho, là nguyên nhân dẫn đến hậu quả bất lợi trên hệ thần kinh, vận động, nội tiết.

Nước ngọt có gas không cồn là món giải khát để kích thích tiêu hóa đối với những người biếng ăn và để "chữa cháy" cho người tụt đường huyết.

Nước ngọt có gas giúp cân bằng mức pH trong dạ dày, tạm thời làm giảm chứng ợ nóng và khó tiêu.

Trẻ em hay người lớn có sức khỏe bình thường, mỗi ngày uống một ly soda chanh pha ít đường có lợi cho sức khỏe, vì cung cấp nước, vitamin C, đường, năng lượng cho cơ thể hoạt động và tăng sức đề kháng.

Bệnh nhân sau khi phẫu thuật được khuyên nên dùng nước ngọt có gas, do tác động của khí carbonic trong nó lên lưỡi và thực quản, gây ra ợ, giúp kích thích chức năng dạ dày.

linhly
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp