Corticoid tiêm vào khớp để điều trị, song việc làm này cần phải cân nhắc rất kỹ giữa lợi ích chữa bệnh và những nguy cơ do thuốc gây ra cho người sử dụng. Thế nhưng, hiện ở một số địa phương việc tiêm corticoid vào khớp còn rất tuỳ tiện...
Dùng khi nào?
Dùng thuốc tiêm vào trong khớp (như khớp gối) hay khoang mô mềm (như vị trí giữa cơ và xương) là thủ thuật hay dùng để chẩn đoán và điều trị một số bệnh như thấp khớp, viêm gân, viêm bao hoạt dịch, hội chứng ống cổ tay. Nhiều nghiên cứu về việc tiêm corticoid vào khớp gối chứng minh rằng chúng giúp cải thiện đáng kể các triệu chứng đau, viêm. Hiệu quả thay đổi tuỳ theo liều dùng. Liều tương đương quy ra prednisolon được các thầy thuốc dùng thay đổi trong một khoảng khá rộng (từ 6,25-80mg), tuỳ theo độ lớn của các loại khớp (gối, cổ tay, cùi tay, ngón tay, ngón chân, vai, háng).
Tiêm thuốc vào khớp cần được thực hiện tại cơ sở y tế.
Khi có tràn dịch khớp sẽ có tình trạng viêm bao hoạt dịch. Việc tiêm corticoid kèm với việc chọc rửa khớp thường đem lại hiệu quả cao hơn. Vì vậy có khuyến cáo nếu tràn dịch khớp gối vẫn tồn tại sau 2 lần tiêm (cách nhau 8-10 ngày) thì nên chọc rửa khớp kèm với tiêm corticoid.
Những corticoid thường dùng tiêm vào khớp là hydrocortisone, prednisolon, methylprednisolon, triamcinolon... chúng đều có tác dụng chung của nhóm corticoid như có tác dụng trên chuyển hoá glucid, protid, lipid, muối và nước (với vai trò là một hormon hay như một hormon) nhưng mức độ có khác nhau. Về vai trò trên chuyển hoá: độ mạnh xếp theo thứ tự hydrocortison, prednisolon, methylprednisolon, triamcinolon. Về vai trò chống viêm chống dị ứng: độ mạnh lại xếp theo thứ tự ngược lại. Chẳng hạn: triamcinolon có hiệu quả làm giảm đau, chống viêm, chống dị ứng cao nhất nhưng lại ít có tác dụng chuyển hoá glucid, protid, lipid và ít gây ứ muối nước. Nếu lấy prednisolon làm chuẩn thì methylprednisolon có hiệu lực gấp 11,5 lần và 25mg prednisolon chỉ bằng 20mg triamcinolon. Những so sánh này chỉ có tính chất tương đối khi tính toán liều lượng (vì trong lâm sàng chúng còn phụ thuộc vào tính đáp ứng của từng cá thể).
Và những lưu ý
Thủ thuật này thường gây ra một số nguy cơ nguy hiểm, vì thế cần chú ý:
Yêu cầu đầu tiên là người thực hiện thủ thuật này phải có trình độ chuyên môn hiểu rõ cấu tạo khớp, bao hoạt dịch để có thể đưa thuốc vào đúng chỗ và phải bảo đảm vô khuẩn tuyệt đối. Hiện nay, ngay tại một số vùng nông thôn, một số người làm dịch vụ y tế chưa có đủ trình độ cần thiết đến từng nhà thực hiện thủ thuật này là rất nguy hiểm, dẫn đến nhiễm khuẩn khớp, rách gân, tổn thương cơ, nặng hơn có thể để lại các di chứng. Việc thực hiện thủ thuật này cần được cân nhắc về liều lượng và cân nhắc đến tiền sử bệnh tật. Nếu dùng liều cao, nhắc đi nhắc lại nhiều lần kéo dài, thuốc sẽ gây ra tác dụng phụ toàn thân: giữ muối và nước, xáo trộn cân bằng điện giải, làm giảm khả năng miễn dịch, tạo cơ hội cho nhiễm khuẩn, siêu vi nấm. Nếu không chú ý đến tiền sử bệnh tật của người bệnh sẽ làm tăng huyết áp, suy tim co thắt (đối với người có nguy cơ tim mạch), làm giảm dung nạp glucose (với người bệnh đái tháo đường).
Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng việc dùng thủ thuật này cũng có thể gây ra dị ứng (mặc dù đây là những thuốc chống viêm chống dị ứng). Vì thế, khi thực hiện thủ thuật này phải xem xét người bệnh có tiền sử dễ bị dị ứng hay không và đặc biệt là có dị ứng với bản thân thuốc này hay không (trong các lần dùng trước bằng đường dùng khác).
Một số tài liệu trước đây cho rằng, nếu tiêm vào khớp nhiều lần có thể làm phá huỷ sụn khớp, teo cơ nhưng hiện cũng có tài liệu cho rằng điều này do bản chất của bệnh hơn là do tác động của corticoid. Tuy chưa thống nhất nhận định nhưng đây cũng là điều cần cảnh giác.
Mỗi thuốc có các chống chỉ định riêng, nhưng nói chung việc tiêm corticoid vào khớp thường không được dùng cho người đang bị các bệnh do nhiễm vi khuẩn, siêu vi, nấm, bệnh gút, vẩy nến, người bị bệnh tiểu đường phụ thuộc insulin, người có các nguy cơ bị bệnh tim mạch, người có thai, đang cho con bú.
Các thuốc tiêm vào khớp thường là các hỗn dịch, nên phải chú ý lắc kỹ trước khi tiêm.
Tiêm trực tiếp corticoid vào khớp là một thủ thuật đem lại hiệu quả giảm đau giảm viêm, chống cứng khớp nhanh nhưng chỉ có tác dụng nhất thời (cho dù với cách làm tốt có thể kéo dài hiệu quả tới 16-24 tuần), phải được thực hiện tại bệnh viện với sự chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa, có điều kiện tiêm bảo đảm, không được thực hiện tại nhà với những người chưa đủ trình độ, không có điều kiện tiêm bảo đảm và ngay khi thực hiện tại bệnh viện cũng phải hết sức thận trọng. Người bệnh đừng vì nôn nóng muốn khỏi bệnh nhanh, ngại đi lại, tốn kém mà dễ dãi chấp nhận những cách làm không đúng dẫn đến nguy hiểm.
Bình luận của bạn