Dấu hiệu nhận biết trẻ dậy thì sớm
Theo ThS. BS Đinh Thạc, dậy thì là một giai đoạn khá đặc biệt khi có sự thay đổi cơ thể từ một đứa trẻ thành một người trưởng thành. Biểu hiện bằng sự tăng trưởng nhanh chóng của xương và cơ bắp, những thay đổi về hình dạng cơ thể, đặc biệt hơn là kích thước và sự phát triển của cơ quan sinh dục để duy trì khả năng sinh sản của con người. Tuổi dậy thì thông thường bắt đầu ở bé gái có độ tuổi từ 8 đến 12 tuổi và ở các bé trai có độ tuổi từ 9 đến 14 tuổi. Tuổi dậy thì sớm đối với bé gái là trước 8 tuổi và và đối với bé trai là trước 9 tuổi.
Dậy thì sớm ở bé gái: Dấu hiệu đầu tiên là ngực phát triển. Ngực nhú lên thành những cục nhỏ dưới núm vú, ở một hoặc hai bên. Những cục này có thể cứng và có kích thước khác nhau, thời điểm này trẻ thường bắt đầu cao nhanh. Trong giai đoạn dậy thì, chiều cao của bé gái thường cao vọt tới 7 - 8cm mỗi năm và đạt đỉnh điểm khi kỳ kinh đầu tiên xuất hiện. Sau khoảng 6 tháng, lông mu xuất hiện (mặc dù ở một số trẻ, mọc lông mu lại là biểu hiện đầu tiên của dậy thì), rồi đến lông nách. Trong vài năm tiếp theo, ngực tiếp tục lớn lên, lông mu và cơ quan sinh dục ngoài tăng trưởng dần dần, dẫn tới kỳ kinh nguyệt đầu tiên, đây chính là giai đoạn “khủng hoảng về tâm lý” đối với bé gái khi phát hiện cháy máu bất thường ở vùng kín. Cơ thể tiếp tục phát triển và toàn bộ quá trình dậy thì hoàn tất sau 3 - 4 năm, với ngực, quầng vú và lông mu phát triển như ở người lớn.
Dậy thì sớm ở bé trai: Quá trình dậy thì ở bé trai thường bắt đầu muộn hơn bé gái. Dấu hiệu dậy thì đầu tiên là tăng kích thước tinh hoàn, vài tháng sau lông mu bắt đầu mọc. Theo thời gian lông mu, lông nách, tinh hoàn và dương vật tiếp tục phát triển đến khi trẻ thờ thành một người lớn hoàn toàn, nam thường đạt tốc độ tăng trường chiều cao tối đa chậm hơn nữ từ 2 - 3 năm. Những thay đổi hình thái cơ thể của bé trai bao gồm bàn tay và bàn chân to ra, rồi đến cánh tay và cẳng chân, thân và ngực phát triển. Những thay đổi khác bao gồm hiện tượng “vỡ giọng” với giọng nói trở nên trầm, đục hơn, các cơ bắp to lên, mọc “ria mép”, đặc biệt là khả năng cương cứng dương vật và hiện tượng mộng tinh rất phổ biến ở bé trai...Ở một số em trai, ngực có thể phát triển.
Nguyên nhân trẻ dậy thì sớm
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, nguyên nhân gây dậy thì sớm bao gồm:
- Ăn nhiều thịt gia cầm, gia súc nuôi tăng trọng, các loại rau, quả...phun xịt nhiều chất kích thích là một trong những yếu tố gây dậy thì sớm ngày càng trở nên phổ biến.
- Ăn nhiều thức ăn nhanh như gà rán, bánh humburger, bánh pizza…và đặc biệt là sự lạm dụng các loại thuốc bổ cho trẻ làm thức dậy chức năng giới tính khiến các bé dễ bị dậy thì sớm.
- Ảnh hưởng của phim ảnh và loại hình giải trí thời hiện đại khiến hormone sinh dục xuất hiện sớm, nhất là những trẻ em thường xuyên tiếp xúc với văn hóa phim ảnh, đặc biệt là những phim tình cảm có “cảnh nóng” dành cho người lớn hoặc những trò chơi bạo lực nguy hiểm.
Ngoài ra, việc dùng nhầm nước gội đầu, đồ dưỡng da của người lớn, hít phải bụi có chứa Oestrogen cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị dậy thì sớm. Bởi Oestrogen có thể đi vào hệ tuần hoàn hoặc toàn thân gây nên những biểu hiện dậy thì sớm. Tình trạng đó được gọi là “chứng dậy thì sớm có nguồn gốc trừ bên ngoài”. Các nhà khoa học cũng nghi ngờ “dậy thì sớm” có liên quan đến sự kích hoạt của não, có thể do u não, tổn thương não, teo não, động kinh, u nang buồng trứng, u tuyến thượng thận...
Hầu hết trẻ dậy thì sớm, tâm sinh lý chưa phát triển kịp với sự lớn lên về thể chất. Nhiều bé gái đã hốt hoảng, sợ hãi, xấu hổ, lo lắng, dẫn đến buồn rầu và bỏ học khi cơ thể có sự thay đổi. Một số trẻ bị rơi vào trầm cảm vì không biết chia sẻ cùng ai. Các bé trai có khuynh hướng hung hăng, dễ nổi cáu và hay gây gổ với những người xung quanh. Trẻ có thể bị mất ngủ, đứng ngồi không yên hoặc có những hành vi bất thường, nhiều trẻ còn bị rối loạn suy nghĩ và có cái nhìn lệch lạc về tình dục…
Khi trẻ có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào kể trên phụ huynh cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa Nội tiết để được thăm khám và điều trị, khi cần thiết phải làm một số xét nghiệm về nồng độ hormon trong máu và nước tiểu, chụp CT, MRI để phát hiện sớm u bướu ở một số bộ phận như u não, u buồng trứng, u tinh hoàn. Trẻ cũng cần được tư vấn tâm lý thật thấu đáo khi có dấu hiệu học tập sa sút, hoặc trẻ bị rơi vào trạng thái trầm cảm.
Bình luận của bạn