Trẻ hiếu động hay… bệnh?

Trẻ hiếu động hay… bệnh?

7% trẻ em bị rối loạn tăng động giảm chú ý ADHD

Trẻ rối loạn tăng động giảm chú ý: Học tốt hơn khi di chuyển

Ngày càng nhiều trẻ em mắc rối loạn tăng động giảm chú ý vì nước ngọt

Hiếu động, nghịch ngợm - Cẩn thận là bệnh!

Trong những năm con trai học mẫu giáo, chị N.T.T.H (30 tuổi) thường cười xòa khi cô giáo than phiền bé quậy, không chịu làm theo các sinh hoạt chung của lớp. “Con trai mà, còn nhỏ tí biết gì, hiếu động một chút thì tốt thôi” - chị lập luận.

Chơi nhiều, nói nhiều: Đừng vội mừng!

Tuy nhiên, mọi chuyện không đơn giản khi bé lên lớp 1. Cuối học kỳ, kết quả học tập của cậu bé không đạt không phải vì sức học yếu mà do kém tập trung, hay nhìn vẩn vơ ra cửa sổ lúc cô giảng bài, còn làm phiền các bạn xung quanh. Lần này, chị H. không dám lơ là lời nhắc của cô giáo nữa mà đem con đến một phòng khám tâm lý trẻ em. “Bác sỹ (BS) nói con mình bị tăng động giảm chú ý, có mẹ nào biết về bệnh này không, chia sẻ cho mình ít kinh nghiệm…” - dòng status đầy âu lo của chị H. được chia sẻ trên mạng xã hội.

Còn chị T.T.M (36 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) từng mừng thầm khi con gái nhỏ không những thích chạy nhảy cả ngày mà còn nói chuyện liên hồi. Con vào lớp 1, chị rất an tâm vì nghĩ bé thích nói năng nên học chữ sẽ tốt. Tuy nhiên, cuối năm học, chị M. phải đưa con đến bệnh viện (BV) khám tâm lý bởi cháu bị đánh giá rất thấp cả môn tiếng Việt lẫn toán, lại vô cùng nghịch ngợm. Bao nhiêu cách giáo dục từ mềm mỏng đến cứng rắn đều không điều chỉnh được hành vi của cô bé.

Theo bảng phân loại bệnh quốc tế ICD-10, chứng “Rối loạn tăng động giảm chú ý” (Attention Deficit Hyperactivity Disorder - ADHD) có mã số F.90.0, thuộc mục “rối loạn hành vi và cảm xúc, thường khởi phát ở trẻ em và vị thành niên”, nhóm các rối loạn tâm thần và hành vi. ICD-10 cũng định nghĩa đây là một nhóm các rối loạn đặc trưng bởi sự xuất hiện sớm (thường trong 5 năm đầu đời), sự thiếu kiên trì trong các hoạt động đòi hỏi sử dụng nhận thức; Sự thiếu tổ chức, quy chế kém và quá đáng trong các hoạt động, không làm điều gì đến nơi đến chốn…

Còn theo cuốn Hỏi đáp các vấn đề tâm lý trẻ em do nhóm tác giả thuộc BV Nhi Đồng 1 biên soạn, ADHD là một rối loạn chức năng não làm trẻ khó kiểm soát hành vi. Trẻ trai mắc nhiều hơn trẻ gái. ADHD đặc trưng với 3 hội chứng hành vi: Kém tập trung, tăng động và xung động.

Người lớn nên tham gia sinh hoạt và hướng dẫn trẻ các nguyên tắc, lối cư xử hợp lý để trẻ có điều kiện phát triển tốt nhất về tâm sinh lý

Một tuổi đã cần nguyên tắc!

ThS.BS Phạm Minh Triết - Trưởng Khoa Tâm lý BV Nhi Đồng 1, cho biết trẻ mắc ADHD thường có biểu hiện lăng xăng, hay nói nhưng chưa nói hết chuyện này đã nhảy sang chuyện khác, hay chen ngang; Có biểu hiện tăng động, bốc đồng; Xao lãng học tập, sinh hoạt... Bên cạnh đó, trẻ kém tập trung nên hay quên, hay làm mất đồ. Nếu nhờ làm vài việc, thường bé chỉ làm việc đầu tiên và quên mất các việc sau đó do không chú ý khi được dặn dò. Để chẩn đoán bệnh, thường phải chờ trẻ hơn 4 tuổi. Trẻ phải có những biểu hiện trên ở ít nhất 2 môi trường (ví dụ: Ở nhà và trường học, ở nhà và BV…).

“ADHD có nhiều nguyên nhân, bao gồm: Di truyền, liên quan đến thai kỳ bất thường (có tai biến, mẹ bị nhiễm trùng…), các nguyên nhân thứ phát như một chấn động tâm lý hay môi trường sống lỏng lẻo nguyên tắc…” - BS.   Triết cho biết. Việc điều trị cũng tùy vào bệnh là nguyên phát hay thứ phát và mức độ của bệnh, có thể dùng thuốc kết hợp điều trị tâm lý hoặc chỉ điều trị tâm lý. Quan trọng nhất vẫn là cha mẹ hiểu về bệnh của con. Đa số trẻ bị ADHD hay kèm rối loạn cư xử nhưng đừng nghĩ là đứa trẻ hư, đừng phạt hay la mắng mà hãy giúp trẻ điều chỉnh.

Trong các nguyên nhân trên, nguyên nhân “môi trường sống lỏng lẻo nguyên tắc” được các chuyên gia đặc biệt quan tâm. Nhiều phụ huynh khi đưa con đến khám không ngờ rằng chính quan niệm “con nít chưa biết gì” nên không điều chỉnh khi trẻ sai, chiều con quá mức, đáp ứng những nhu cầu không hợp lý… đã ảnh hưởng xấu đến trẻ. “Thực ra, từ 1 tuổi, trẻ đã có thể hiểu được từ “không”. Cha mẹ nên bắt đầu đặt ra nguyên tắc bằng cách nói “không” khi trẻ làm sai, giúp trẻ biết dừng lại. Hãy thực hiện kiên nhẫn, thường xuyên và đừng dùng bạo lực” - BS Triết khuyên.

Đừng để gia đình căng thẳng

Theo ThS. Trần Thị Yến Nhi - Đơn vị Tâm lý Trung tâm Giám định Pháp y tâm thần TP.HCM, trẻ cũng có thể mắc phải ADHD khi trải qua một chấn động tâm lý liên quan đến căng thẳng gia đình: Cha mẹ ly hôn, cãi vã trước mặt trẻ, trẻ có cảm giác bị bỏ rơi... Trẻ bắt đầu có triệu chứng tăng động như một cách gây sự chú ý đối với cha mẹ. Mặt khác, trẻ từ khi rất nhỏ đã có thể cảm nhận được cảm xúc của cha mẹ, sự căng thẳng, giận dữ, những lời trách móc nhau... Cha mẹ nghĩ rằng trẻ không hiểu nhưng thực ra trẻ cảm nhận được và sẽ bị stress, cảm thấy đau khổ... Stress này có thể dẫn đến nhiều rối loạn khác nhau về tâm thần - tâm lý, trong đó có cả ADHD.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ