Nhiều trẻ viêm phổi nặng vì thời tiết chuyển mùa

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng đang thăm khám cho bệnh nhi viêm phổi nặng. Nguồn ảnh: Dân trí

Con viêm phổi nặng vì mẹ lơ là!

Viêm phổi – Biến chứng nhanh cực nguy hiểm

Gần 1 triệu trẻ em tử vong hàng năm do viêm phổi

Gia tăng bệnh nhi bị viêm phổi

60% trẻ nhập viện do viêm phổi

Ghi nhận tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, có khoảng 110 bệnh nhi đang điều trị nội trú, trong khi số giường bệnh lại không đủ gây nên tình trạng quá tải. Trong đó, bệnh viêm phổi chiếm 60% số bệnh nhi đang điều trị tại viện. Đồng thời, số bệnh nhi đến khám ngoại trú cũng tăng mạnh với hơn 200 ca đến khám mỗi ngày.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai: “Bệnh nhi đến khám quá đông tại thời điểm chuyển mùa gây ra tình trạng quá tải nên các chỉ định nhập viện được đưa ra rất hạn chế. Vì vậy, những trẻ nhập viện đa số là bệnh nặng. Hiện, khoa có 10 máy thở thì đã phải sử dụng 9 máy, 1 máy để dự phòng cấp cứu. Và nếu tình trạng thời tiết này còn kéo dài thì số trẻ nhập viện do các bệnh đường hô hấp, trong đó có viêm phổi sẽ tăng cao…”.

Dấu hiệu nguy hiểm ở trẻ nhỏ
- Trẻ bú kém, sốt, co giật, hạ nhiệt độ, thở khò khè, thở rít, ho, ngủ li bì khó đánh thức…
- Co rút lồng ngực mạnh và thở nhanh (trên 60 lần/phút) là viêm phổi nặng, cần đi bệnh viện điều trị. Ngưỡng thở nhanh ở trẻ dưới 2 tháng là 60 lần/phút trở lên.
- Bất kỳ một trường hợp viêm phổi nào ở trẻ nhỏ dưới 2 tháng tuổi đều nặng và phải điều trị tại bệnh viện.

Sở dĩ trẻ dễ mắc viêm phổi trong thời tiết này là do “khi trời rét, cha mẹ luôn chú tâm chống rét cho con. Nhưng khi trời ấm lên, cha mẹ lại không chú tâm cởi bớt áo rét hoặc một số cha mẹ không dám cho con mặc áo mỏng vì sợ trẻ lạnh. Trong khi đó, trẻ nhỏ thường rất hiếu động và cũng ra mồ hôi khi mặc một áo thu đông mỏng. Và khi đó, mồ hôi ra thấm vào lớp quần áo, thấm trở lại cơ thể nên trẻ bị nhiễm lạnh, rất dễ bị bệnh đường hô hấp rồi biến chứng viêm phổi”, bác sỹ Dũng chia sẻ.

Với kiểu thời tiết này, trẻ dưới 1 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi là đối tượng dễ bị viêm phổi nhất. Bởi, trẻ nhỏ dưới 6 tháng sức đề kháng kém nên nguy cơ mắc bệnh cao hơn trẻ lớn. Hơn nữa, viêm phổi ở trẻ nhỏ cũng không biểu hiện rầm rộ như ở trẻ lớn (sốt, ho, khó thở...)  mà ít có dấu hiệu điển hình, có những trẻ thậm chí còn không sốt, không ho nên việc nhận biết dấu hiệu là rất khó khăn.

Vì thế, với trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi và trẻ sơ sinh, các bậc phụ huynh cần quan sát trẻ rất kỹ. Nếu thấy trẻ bỗng ậm ạch khó chịu, bú ít hơn ngày thường, khóc khi đang bú, có giấc ngủ bất thường (ngủ nhiều hơn bình thường hoặc ít hơn bình thường), quấy khóc thì cha mẹ cần theo dõi chặt chẽ.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nhận định, với bệnh viêm phổi ở trẻ sơ sinh, phụ huynh cần chú ý dấu hiệu quan trọng để nhận biết là trẻ thở nông và thở gấp. Với trẻ dưới 2 tháng tuổi, nhịp thở bình thường khoảng dưới 60 lần/phút. Ở trẻ từ 2 - 11 tháng tuổi nhịp thở bình thường khoảng dưới 50 lần/phút… Nếu trẻ sơ sinh có nhịp thở nhanh hơn mức này thì cần nghĩ tới triệu chứng viêm phổi và nên sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám, điều trị. Một triệu chứng khác là trẻ bị rút lõm lồng ngực, nếu quan sát thấy phần dưới lồng ngực (1/3 dưới) lõm xuống một cách rõ rệt (lõm sâu) khi trẻ hít vào thì khả năng đã chuyển sang giai đoạn viêm phổi nặng. 

Phòng bệnh là tốt nhất!

Để trẻ khỏe mạnh trong thời tiết này, cha mẹ hãy chú ý chăm sóc và phòng bệnh cho con, nhằm giảm thấp nhất nguy cơ mắc bệnh. Yếu tố lý tưởng đầu tiên đối với chăm sóc trẻ em là duy trì tăng trưởng thể lực phù hợp độ tuổi, củng cố hệ miễn dịch, gia tăng sức đề kháng.  

Trẻ dưới 6 tháng tuổi cần được tăng cường sức đề kháng qua sữa mẹ để phòng ngừa bệnh tật. Nguồn ảnh: Internet 

Ngoài ra, các bác sỹ nhi khoa cũng khuyến cáo, để phòng và hạn chế tái phát các bệnh đường hô hấp ở trẻ, trong đó có viêm phổi, các mẹ cần: Bảo đảm cho trẻ bú mẹ ngay sau khi sinh càng sớm càng tốt, cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng tuổi; Trẻ sau 6 tháng có thể cho ăn dặm thêm và phải cho trẻ ăn đủ chất nhưng lưu ý không nên ép trẻ ăn để trẻ nôn, trớ vì sẽ sặc lên mũi và gây các bệnh đường hô hấp; Vệ sinh cá nhân và môi trường sạch sẽ, không nên đun bếp hoặc hút thuốc trong phòng; Giữ ấm cho trẻ nhất là khi trời lạnh và thay đổi thời tiết; Tiêm phòng cho trẻ đẩy đủ và đúng lịch; Phát hiện sớm các biểu hiện nhiễm khuẩn hô hấp để trẻ được điều trị kịp thời. 

Đặc biệt lưu ý trong vấn đề lựa chọn trang phục phù hợp cho trẻ, đặc biệt là giai đoạn chuyển mùa: Rét thì phải mặc đủ ấm, giữ ấm cổ - chân; Khi thời tiết nóng lên phải cởi bớt quần áo để trẻ được thoáng mát, không ra mồ hôi vì sẽ gây nhiễm lạnh khi hạ thân nhiệt… Giai đoạn giao mùa nên theo dõi kỹ hơn. 

Khi trẻ cần được khám và điều trị tại bệnh viện, cha mẹ nên nghiêm túc tuân thủ y lệnh, điều trị dứt điểm… chứ không tự ý dùng thuốc. Để tránh bệnh tái phát, cần có chế độ chăm sóc tích cực để tăng cường thể lực và củng cố hệ miễn dịch cho trẻ.

"Thời tiết có mối liên quan trực tiếp tới bệnh đường hô hấp ở trẻ em, bởi mỗi dịp “chuyển trời” đột ngột khiến cơ thể trẻ không thích nghi kịp, dễ nhiễm bệnh. Nguyên nhân thứ hai không kém phần quan trọng là do virus, vi khuẩn… tấn công vào hệ miễn dịch còn chưa đủ sức chống chọi của bé. Ngoài ra, không thể không nhắc đến yếu tố làm quá trình điều trị khó khăn và dai dẳng hơn – đó chính là việc các bậc cha mẹ tự khám/chữa bệnh sai phương pháp cho con”.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Trưởng khoa Nhi – BV Bạch Mai).
Linh Ly (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ