Làm gì để tránh tử vong vì bệnh dại khi bị chó mèo cắn?

Có nên tiêm vaccine phòng bệnh dại?

Đã có 49 người Việt chết vì bệnh dại trong năm 2016

Chó dại cắn 7 người, một thai phụ tử vong

Bị mèo cắn có cần tiêm phòng dại?

Bị chó cắn: Có phải tiêm phòng dại không?

Bệnh dại nguy hiểm thế nào?

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus dại gây ra, bệnh lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật (thường là chó, mèo). Thời gian ủ bệnh dại trung bình từ 20 - 90 ngày, cũng có trường hợp đến cả năm, vết thương càng nặng thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Thời kỳ phát bệnh thường từ 2 - 4 ngày. Trước đó, bệnh nhân thường có các triệu chứng như: Bị đau nhức tại vết cắn và lan dọc theo hệ thần kinh kèm theo cảm giác bồn chồn, thổn thức và sợ gió... Sau đó, bệnh nhân sẽ bị co cứng, co thắt cơ thực quản và hô hấp, hạ huyết áp, giãn đồng tử, có những phản ứng cơ thể dữ dội và tử vong.

Cho đến nay, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu vì vậy người bị bệnh dại gần như tử vong 100%. Bệnh dại tuy nguy hiểm nhưng có thể phòng bệnh bằng vaccine và người dân hoàn toàn có thể phòng tránh được bệnh dại.

Theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y Tế, từ đầu năm đến nay, 49 trường hợp tại 20 tỉnh thành tử vong cho bệnh dại. Nghệ An có số ca tử vong cao nhất nước. Những trường hợp tử vong này hoàn toàn có thể tránh được bằng cách tiêm phòng bệnh dại cho chó mèo. Nếu bị chó mèo nghi dại cắn, cào thì cần tiêm phòng vaccine đúng và đầy đủ. Tuy nhiên, thay vì đến cơ sở y tế để được tư vấn, tiêm phòng, nhiều người chữa ở thầy lang, đắp thuốc Nam… hoặc không nghĩ đến khả năng con vật bị dại. Người nhiễm virus dại khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong gần 100%.

Bệnh dại lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn

Cách phòng chống bệnh dại:

Để chủ động phòng chống bệnh dại người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

- Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.

- Không thả rông chó, mèo; Chó ra đường phải được đeo rọ mõm.

- Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

Tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo giúp phòng bệnh dại hiệu quả

Các bước xử lý để tránh tử vong vì bệnh dại khi bị chó mèo cắn:

- Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn. Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine.

- Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương. 

- Ngay sau khi bị chó cắn nên nhanh chóng cách ly con chó đã cắn người ra một khu vực khác và nhốt lại để theo dõi. Không nên đánh đập và tìm cách bắt giữ nó ngay lúc đó vì có thể nó sẽ cắn thêm nhiều người nữa trong lúc bị đuổi bắt.

Chỉ tiêm phòng vaccine mới ngăn ngừa được bệnh dại

- Đến ngay Trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại. Phải tiến hành tiêm phòng ngay nếu nạn nhân bị chó cắn là trẻ nhỏ, vết cắn sâu hoặc nằm ở các bộ phận nguy hiểm như đầu, mắt, đầu chi (tay, chân), cơ quan sinh dục. Ngoài ra, nếu trước đó con chó từng cắn người hoặc có biểu hiện lên cơn dại, con vật sống trong vùng dịch dại hoặc bạn không thể theo dõi được con vật cũng đều cần đi tiêm phòng.

Với các vết thương nhẹ, xa thần kinh trung ương (như cẳng chân), con vật không có biểu hiện dại, đã được tiêm phòng, sống trong khu vực không có bệnh dại, có thể chỉ cần theo dõi con vật trong vòng 10 ngày để xem xét khả năng tiêm phòng. Nếu con vật vẫn sống khoẻ mạnh thì không cần tiêm. Nhưng nếu nó bị mất tích, lên cơn dại hoặc bị giết trước 10 ngày thì việc chủng ngừa là vô cùng cần thiết. 

- Tuyệt đối không dùng thuốc Nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.

Dấu hiệu nhận biết chó bị dại:

Bệnh dại ở chó thường có 2 thể điển hình đó là thể điên cuồng và thể bại liệt.

Chó dại thể điên cuồng: Chó lên cơn dại dữ dội, mắt đỏ ngầu, cằm trễ, chảy dãi, sùi bọt mép trắng xóa như bọt xà phòng. Chó dại thường sợ gió, sợ nước và bỏ nhà đi lung tung. Sau 2 - 7 ngày sau chó bị chết.

Chó dại thể bại liệt: Chó ủ rũ, không cắn, cũng không sủa, bỏ ăn, liệt ở một bộ phận hay nửa người. Sau 2 - 7 ngày chó bị chết. Chó bị dại thể này rất nguy hiểm vì rất khó phát hiện.

Thanh Tú H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bệnh thường gặp