Làm gì khi con thường xuyên "ăn vạ"?

Vì sao bé thường xuyên nổi giận kiểu "ăn vạ"?

Cơn giận dữ là cách biểu hiện sự thất vọng khi trẻ không đạt được những điều mình mong muốn: có thể là về thể chất, trí tuệ hoặc tình cảm tại thời điểm đó. Về thể chất, đó có thể là đói hoặc khát. Vướng mắc về trí tuệ liên quan đến vấn đề trẻ gặp phải khi học hỏi hoặc thực hiện một kỹ năng nào đó hay không tìm được từ biểu lộ suy nghĩ, cảm xúc. Sự thất vọng về tình cảm xảy ra khi bé không được tiếp tục chơi với đồ chơi chúng thích hoặc bé cảm thấy tổn thương khi bị mắng.
Hầu hết trẻ khoảng 2-3 tuổi đều có lượng từ vựng rất ít ỏi. Trẻ muốn nói với mẹ điều gì đó nhưng bạn lại không hiểu hoặc không làm đúng ý trẻ, vậy là bé dễ dàng nổi giận và thể hiện bằng cách "ăn vạ" ba mẹ.

Tuy vậy, trẻ nhỏ không có ý chọc giận hay làm cha mẹ xấu hổ với người khác. "Thật ra, những cơn giận dữ là một phần bình thường trong quá trình lớn lên của trẻ” - Jay L. Hoecker, bác sỹ nhi thuộc bệnh viện Mayo (Rochester, Minnessota, Mỹ) giải thích - Hành động "ăn vạ" đó chỉ là phản ứng nhất thời của trẻ khi không đạt được điều mình mong muốn".

Kiềm chế cơn giận của trẻ



Có rất nhiều cách giúp bé kiềm chế cơn giận. Đó là khuyến khích bé hành xử tốt, ví dụ như:

+ Thiết lập thời gian biểu cố định cho trẻ:
các mẹ nên thiết lập và duy trì một thời gian biểu cố định trong ngày để con bạn biết điều gì sắp xảy ra. Bé phải ngủ trưa vào lúc 11 giờ, thức dậy lúc hai giờ chiều và đi ngủ lúc 21 giờ, thức dậy lúc 6 giờ. Nếu có “du di”, bạn cần đưa ra giới hạn vừa phải, từ 15-30 phút và chắc chắn giữ nghiêm nội quy dù trẻ có mè nheo.

+ Có kế hoạch: nếu phải đưa bé theo cùng khi làm việc lặt vặt, bạn cần khởi hành sớm, khi trẻ no, không mệt mỏi và nên mang theo một món đồ chơi để trẻ thư giãn khi cần.

+ Khuyến khích trẻ dùng từ ngữ: Trẻ nhỏ hiểu nhiều từ ngữ hơn là số từ chúng có thể nói. Nếu trẻ nói chưa rõ, bạn có thể dạy bé ngôn ngữ ký hiệu hoặc từ đơn giản nào đó để diễn đạt những điều trẻ cần, như xòe hai bàn tay khi muốn nói “cho con thêm”, nhăn mặt khi “con đau”. Chúng ta càng hiểu trẻ sẽ càng ít nổi giận và đương nhiên, không cần dùng đến chiêu "ăn vạ" quen thuộc.

+ Để trẻ chọn lựa: Thay vì để trẻ tự chọn quần áo hoặc ép trẻ mặc cái mà chúng không muốn, bạn cứ đưa hai chiếc áo và hỏi: “Con muốn mặc áo xanh hay áo đỏ?”. Bạn nhớ khen sau khi trẻ chọn, chẳng hạn “Chiếc áo này thật hợp với màu quần của con”.

+ Ngợi khen khi trẻ hành xử tốt: Bạn hãy để ý đến con khi bé cư xử tốt. Nói với trẻ bạn rất tự hào khi bé chia sẻ đồ chơi với bạn bè, biết lắng nghe người lớn.

+ Đánh lạc hướng trẻ: Khi bạn cảm giác trẻ bắt đầu muốn nổi giận, bạn đánh lạc hướng trẻ như: “A, có con mèo dễ thương qúa kìa” hoặc hướng trẻ đến hoạt động mà chúng thích.

+ Tránh những nơi làm bé dễ nổi giận: Nếu trẻ hay vòi mua đồ chơi, bạn tránh đưa trẻ đến gần khu vực bán đồ chơi. Nếu trẻ thường tức giận do chờ đợi món ăn trong nhà hàng quá lâu, bạn nên gọi điện gọi món trước khi đến.

Đối phó cơn giận của trẻ


Khi trẻ nổi giận, bạn nên giả vờ không nghe, không thấy. Nếu mất bình tĩnh hoặc đầu hàng yêu sách của trẻ, quá sớm, nghĩa là bạn đang dạy cho trẻ cách để chúng đạt điều mình muốn một cách dễ dàng. Điều này không hề tốt với con vì nó có thể thành thói quen xấu của trẻ. Sau khi trẻ đã nguôi, bạn có thể nói: “Con mà làm thế, mẹ sẽ không để ý đâu. Nếu con cần điều gì, hãy nói ra cho mẹ biết”. Nếu cơn giận lên cao không có điểm dừng và trẻ có thể làm đau bản thân, bạn hãy mang trẻ ra chỗ khác với gương mặt nghiêm khắc và bình tĩnh giải thích với trẻ rằng bạn sẽ phạt bẹ hoặc bạn muốn bé cư xử ra sao.

Từ sáu tuổi trở lên và sau tất cả các cố gắng kiếm chế cơn tức giận của trẻ mà bé vẫn hay nổi giận, bạn cần đưa con đến gặp các bác sỹ nhi chuyên về tâm lý để tham khảo ý kiến bác sỹ.
doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ