Linh thiêng ngôi đền nơi cửa biển

Bậc “Nữ trung hào kiệt” - Chế Thắng Phu Nhân Nguyễn Thị Bích Châu

Gợi ý món ngon cuối tuần: bún cá chấm

“Ở Hà Nội, ra đường là gặp bún bò Huế”

Một ngày đón Thu Hà Nội

Tìm về nguồn gốc cà phê trứng Hà Nội

Bên cửa biển xã Kỳ Ninh, nơi mà sông, núi, biển đang từng ngày tô điểm cho cảnh sắc ngôi đền thiêng mấy trăm năm qua – đền thờ Chế Thắng Phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu. Nơi ấy, tôi, gia đình tôi và những con người trên mảnh đất Kỳ Anh quê tôi đã trở nên thân thuộc. Thánh Mẫu, Mẹ Bích Châu là những cái tên chúng tôi gợi nhắc về Người - gần gũi nhưng cũng rất thành kính về một vị cung phi hết lòng phù vua, cứu nước.

Ngược dòng lịch sử nước Đại Việt hàng trăm năm trước, Chế Thắng Phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu (? – 1377) tên thật là Nguyễn Cơ, tự Bích Châu, quê ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Đến năm Long Khánh thứ nhất (1373), bà được vua Trần Duệ Tông tuyển làm Tả Cung Quý Phi, lấy hiệu là Phù Dung. Lúc bấy giờ, chế độ phong kiến nhà Trần suy vong, nhân tài không được trọng dụng, Quý phi Nguyễn Thị Bích Châu thảo bản “Kê minh thập sách” dâng lên nhà vua.

“Kê minh thập sách” của Quý phi Nguyễn Thị Bích Châu đã đưa ra những điểm trọng yếu nhất, thiết thực nhất về đường lối chính trị, văn hóa, quân sự để có thể giúp vua trị vì đất nước. Khi bản “Kê minh thập sách” được dâng lên, vua Trần Duệ Tông vỗ án mà rằng “Không ngờ một nữ tử mà lại thông tuệ đến thế”. Và đến tận ngày nay, những lời mà Quý phi Bích Châu viết ra trong bản “Kê minh thập sách” vẫn còn nguyên giá trị. 

Bản “Kê minh thập sách” gồm 10 điều trị nước, an dân đến nay vẫn còn nguyên giá trị

Bản “Kê minh thập sách” gồm 10 điều trị nước, an dân đến nay vẫn còn nguyên giá trị

Năm 1377, nhà vua ngự giá xuất quân “chinh phạt” Chiêm Thành. Khuyên ngăn không được, Quý phi xin đi theo để hộ giá. Do chủ quan, mất cảnh giác, sao nhãng việc đề phòng nên canh ba đêm mồng 10 tháng 2, quân Chiêm Thành dồn hết lực lượng, tấn công bất ngờ, quân nhà vua trở tay không kịp. Trước tình thế nguy cấp, Quý phi Nguyễn Thị Bích Châu chỉ huy một đội quân xông pha trận mạc bảo vệ vua và bị trúng mũi tên độc của giặc. Quý phi đã hy sinh vào đêm 11 rạng sáng ngày 12 tháng 2 năm 1377 vì nghĩa lớn, vì nước, vì vua.

Ba ngày sau, Vua Trần Duệ Tông cũng băng hà. Lúc bấy giờ, vua Trần Phế Đế lên ngôi và lệnh đưa linh cữu của Quý phi Bích Châu về triều để mai táng. Tuy nhiên, đến vùng biển Ô Tôn thuộc Châu Hoan (xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh ngày nay) gặp phải mưa to, gió lớn, triều đình xuống chiếu cho quân lính an táng linh cữu bà tại đây và vua Trần Phế Đế cho lập miếu thờ tại Cửa Khẩu, huyện Kỳ Hoa (nay là xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh)

Năm 1470, vua Lê Thánh Tông đi đánh giặc Chiêm Thành, đến cửa biển Kỳ Hoa phát hiện ngôi miếu, biết được câu chuyện của Quý phi Bích Châu, nhà vua vô cùng cảm kính và đề tặng bốn chữ "Nữ trung hào kiệt" dán lên bài vị và làm lễ cầu mong hương linh Quý phi trợ sức. Sau khi thắng trận trở về, vua Lê Thánh Tông hạ chiếu lập đền, cấp ruộng tế và người trông coi, sắc phong cho bà là Chế Thắng. Kể từ đó, đền được gọi là đền Chế Thắng Phu Nhân Nguyễn Thị Bích Châu.

Đền thờ Chế Thắng Phu Nhân Nguyễn Thị Bích Châu nay thuộc địa phận thôn Tam Hải 2, xã Kỳ Ninh. Đền có khuôn viên rộng 26.370 m2, tọa lạc trên một cồn cát cao bên bờ sông Vịnh, phía bên kia sông là núi Cao Vọng nằm sát cửa biển. Ngay từ cổng chính du khách sẽ nhìn thấy 2 câu đối bằng chữ Hán:

“Kê Minh Thập Sách thánh trí truyền lưu phù Việt Quốc

Chế Thắng Phu Nhân Mẫu ân vĩnh bảo hộ Nam dân”

(Kê Minh Thập Sách trí tuệ thánh hiền truyền lưu phù nước Việt

Chế Thắng Phu Nhân ơn mẹ dài lâu gìn giữ giúp dân Nam”)

Cổng chính của ngôi đền

Cổng chính của ngôi đền

Đền bao gồm khu cổng chính có miếu Ông Quan Tả, nhà Quan Tả và tam quan; khu điện thờ chính của Quý phi Bích Châu gồm: Hạ điện, Trung điện và Thượng điện, được kết nối với nhau theo kiểu chữ Công. Phía sau Thượng điện, tương truyền có mộ của Quý phi Nguyễn Thị Bích Châu.

Ngôi đền thiêng, cổ kính thu hút nhân dân và du khách thập phương hàng trăm năm nay

Ngôi đền thiêng, cổ kính thu hút nhân dân và du khách thập phương hàng trăm năm nay

Phía bên trái thượng điện là nhà Sắc – nơi thờ và cất giữ sắc phong qua các triều đại. Bên trái nhà Sắc còn có một cổng phụ nằm ở phía Tây Nam, ngay bên trái của cổng phụ là nhà văn bia được xây dựng vào năm 2009, là nơi để tấm bia đá khắc bản “Kê minh thập sách”.

Bia đá khắc bản Kê minh thập sách

Bia đá khắc bản "Kê minh thập sách"

Khung cảnh nhà Sắc

Khung cảnh nhà Sắc

Cùng với những hạng mục chính, thời gian qua, xung quanh ngôi đền còn có thêm nhiều công trình khác như: lầu chuông, lầu khánh, bia dẫn tích, cầu bến thả hoa đăng… tạo nên cảnh quan đẹp đẽ, trang nghiêm thu hút du khách gần xa. Năm 1991, đền thờ Chế Thắng Phu Nhân Nguyễn Thị Bích Châu đã Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích Lịch sử và Danh thắng cấp Quốc gia.

Lầu để chuông và khánh

Lầu để chuông và khánh

Cầu và bến thả hoa đăng

Cầu và bến thả hoa đăng

Hàng trăm năm nay, người dân quê tôi tôn Quý phi là Loan Nương Thánh Mẫu. Lễ giỗ, ngày Rằm, mồng Một hay các dịp đặc biệt, chúng tôi đều mong muốn về đền thắp hương, khấn cầu, mang trong mình tâm thức ngưỡng vọng, tri ân về Thánh Mẫu, vãn cảnh đền và tìm cho mình sự thư thái, bình yên.

Về thăm đền, tôi còn bắt gặp được nhiều du khách từ mọi miền đất nước như Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa… Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu di tích đền Chế Thắng Phu Nhân Nguyễn Thị Bích Châu, từ đầu năm 2024 đã đón khoảng hơn 500.000 lượt du khách đến tham quan, chiêm bái. Trong đó, lượng khách từ ngoại tỉnh chiếm khoảng 40%.

Việc mở rộng, tu bổ hệ thống giao thông thuận lợi, du khách đến thăm đền Chế Thắng Phu Nhân Nguyễn Thị Bích Châu có thể kết hợp tham quan trải nghiệm các địa điểm khác tại thị xã Kỳ Anh như: biển Kỳ Ninh, khu nhà hàng mực nhảy Vũng Áng, cua Hòa Lộc, di tích lịch sử Hoành Sơn Quan, Đèo Ngang…

 
Đào Dung
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa