Lễ Thất tịch trong văn hóa Việt Nam

Lễ Thất Tịch còn được gọi là ngày ông Ngâu bà Ngâu

Cúng rằm tháng Bảy với cỗ chay thanh tịnh

Hóa vàng mã – Quan niệm và lễ tục Việt Nam

Món quà ý nghĩa tặng cha mẹ mùa Vu Lan

Ăn bánh Trung thu thế nào để không lo tăng cân?

Thất tịch gắn liền với chuyện tình Ngưu Lang - Chức Nữ

Lễ Thất tịch không chỉ có ở Việt Nam và Trung Quốc. Ở Hàn Quốc và Triều Tiên, ngày lễ này có tên gọi là Chilseok. Còn tại Nhật, lễ hội có tên là Tanabata nhưng theo dương lịch. Điểm chung là chúng đều gắn với các dị bản về chuyện tình dang dở của Ngưu Lang (một chàng trai chăn trâu) và Chức Nữ (một cô gái giỏi dệt lụa).

Thất là "bảy", tịch là "chiều tối", Thất tịch có nghĩa là "chiều tối ngày mùng 7 âm lịch". Tháng 7 âm lịch ở miền Bắc nước ta là tháng mưa nhiều, nhiều ngày mưa rả rích còn gọi là mưa Ngâu. Người xưa dùng sự tích vợ chồng Ngâu để lý giải cho hiện tượng thời tiết này.

Tranh Ông Ngâu bà Ngâu được vẽ vào khoảng năm 1930

Tranh Ông Ngâu bà Ngâu được vẽ vào khoảng năm 1930

Trong cuốn “Nếp cũ Con người Việt Nam”, nhà văn Toan Ánh kể lại: Chức Nữ, ái nữ của Ngọc Đế có nhan sắc và tài nữ công khéo léo. Ngưu Lang, chỉ là một chàng chăn trâu nhưng có tâm hồn thi sĩ. Trai tài, gái sắc, đôi bên nặng một lòng yêu. Trước mối tình đằm thắm ấy, Ngọc Đế tác thành cho đôi lứa.

Đôi uyên ương được cùng nhau chung sống, hưởng hạnh phúc của tình yêu, nhưng mải mê say mối duyên vàng lụa, chàng và nàng đều xao lãng phận sự của mình. Nàng thoi biếng dệt, kim chỉ biếng khâu; Chàng văn biếng luyện, sách đèn biếng ngó, và cả đàn trâu cũng không buồn săn sóc đến.

Thấy thế, Ngọc Đế nổi giận, đày hai người ở hai bờ sông Ngân. Hàng năm tháng Bảy tới, vào ngày mùng 7 Thất tịch, họ được gặp nhau một lần trên cầu Ô Thước do đàn quạ đội đá bắc cầu. Những dòng nước mắt của hai bên rơi xuống cõi trần gây nên những ngày mưa liên tiếp, là mưa Ngâu. Trong ngày này, dân chúng lại không thấy chim đậu trên cành cây, nên lại càng tin hơn về giả thuyết trên. Vậy mới có câu: "Đồn rằng tháng Bảy mưa Ngâu/Con trời lấy chú chăn trâu cũng phiền".

Theo “Tầm nguyên từ điển” của học giả Lê Văn Hòe, chữ "ngâu" là do đọc chệch từ chữ "ngưu" mà thành. Trong thiên văn học của người Hán cổ, Ngưu Lang và Chức Nữ là cặp sao trong 28 chòm sao (nhị thập bát tú). Ngưu Lang thuộc chòm Thiên Ưng, còn sao Chức Nữ là thuộc chòm Thiên Cầm. Đây cũng là 2 trong số các sao sáng nhất khi quan sát từ Trái Đất, ở vị trí cao nhất, dễ thấy nhất vào mùa Hè. Vì vậy, có lẽ người xưa đã dựa vào hình ảnh trên bầu trời, mượn dải Ngân Hà và những cơn mưa rào tháng Bảy mà dệt nên chuyện tình buồn của Ngưu Lang - Chức Nữ.

Thời tiết Thất tịch năm nay ra sao?

Hạt hồng đậu gắn với ngày Thất tịch vốn chỉ dùng để xâu vòng, không thể ăn

Hạt hồng đậu gắn với ngày Thất tịch vốn chỉ dùng để xâu vòng, không thể ăn

Ngày nay, nhắc đến Thất tịch, nhiều người nghĩ ngay đến tục ăn chè đậu đỏ nhằm sớm tìm được ý trung nhân. Tuy nhiên, việc coi Thất tịch là ngày lễ tình nhân chỉ mới thịnh hành ở Trung Quốc cách đây hơn 20 năm. Hạt hồng đậu - biểu tượng ban đầu của ngày lễ này - vốn là một loại hạt có độc, màu đỏ tươi, hình dáng giống trái tim và dùng để xâu thành chuỗi vòng với ngụ ý tình yêu son sắt.

Hồng đậu đồng âm với đậu đỏ, khi "du nhập" về Việt Nam biến thành trào lưu ăn đậu đỏ vào ngày Thất tịch với mong muốn “thoát ế”. Đâu ai muốn tìm được “nửa kia” vào ngày hội ngộ của một cặp đôi trắc trở như Ngưu Lang - Chức Nữ.

Trong văn hóa người Việt, chuyện ông Ngâu bà Ngâu không nhằm mục tiêu chính là lý giải biến động của hai chòm sao Ngưu Lang - Chức Nữ. Thất tịch lặp hai con số 7 có vị trí đặc biệt với người xưa, cũng là ngày đánh dấu sự biến chuyển lớn về thời tiết, những ngày mưa dầm có thể ảnh hưởng tới mùa vụ của những cộng đồng trồng lúa nước. Trong khi đó, theo TS Nguyễn Bích Hà (trong Tạp chí Văn hóa dân gian số 3/2001), Ngưu Lang - Chức Nữ ở Triều Tiên và Nhật Bản không hề khóc, đơn giản vì khí hậu nước họ không mưa vào ngày này.

Hà Nội chuyển mưa từ đêm 10/8 Dương lịch (tức đêm Thất tịch) - Ảnh: Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia

Hà Nội chuyển mưa từ đêm 10/8 Dương lịch (tức đêm Thất tịch) - Ảnh: Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia

Ngày Thất tịch năm 2024 diễn ra vào 10/8 Dương lịch. Trước đó, tuần qua, Bắc Bộ và Trung trải qua nhiều ngày liên tiếp nắng nóng diện rộng, có nơi trên 37 độ C. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ đêm 10-14/8, Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa, mưa vừa và rải rác có dông, cục bộ có nơi mưa to đến rất to.

Xu hướng này sẽ kéo dài thêm nhiều ngày trong tuần tiếp theo. Trận mưa Thu dai dẳng này chính là mưa Ngâu, không rõ là những giọt nước mắt hối hận hay mừng vui của vợ chồng chàng Ngâu. 

 
Quỳnh Trang
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bạn đọc viết