Thiếu ngủ, mất ngủ ảnh hưởng gì tới sức khỏe tinh thần?

Người hay bị thiếu ngủ, mất ngủ sẽ có nguy cơ bị rối loạn lo âu, trầm cảm…

16 biện pháp tự nhiên trị mất ngủ dưới lăng kính khoa học

Bổ sung dưỡng chất nào khi bị mất ngủ?

10 biện pháp giúp bạn “tạm biệt” nỗi lo mất ngủ, khó ngủ

9 vấn đề sức khỏe có thể gây rối loạn giấc ngủ

Đừng nghĩ rằng mất ngủ, thiếu ngủ chỉ khiến bạn thấy mệt mỏi, uể oải. Trên thực tế, thiếu ngủ có thể ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh sau:

Rối loạn lo âu

Rối loạn lo âu và thiếu ngủ, mất ngủ có mối quan hệ hai chiều. Những người bị rối loạn lo âu thường mất nhiều thời gian để đi vào giấc ngủ. Họ cũng thường không có giấc ngủ sâu. Ngược lại, thiếu ngủ cũng khiến bạn hay thấy lo lắng hơn.

Mất ngủ, thiếu ngủ có thể khiến bạn bị rối loạn lo âu

Một nghiên cứu năm 2017 đã chỉ ra rằng, những người bị mất ngủ, thiếu ngủ có nguy cơ bị rối loạn lo âu cao hơn hẳn những người có giấc ngủ ngon.

Trầm cảm

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, người hay bị mất ngủ, thiếu ngủ cũng có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn người bình thường. Trên thực tế, mối liên hệ giữa rối loạn giấc ngủ và trầm cảm còn mạnh hơn cả mối liên hệ giữa rối loạn giấc ngủ và rối loạn lo âu.

Cụ thể, có tới 90% người bệnh trầm cảm phải vật lộn với các rối loạn giấc ngủ. Họ cũng có khả năng tự tử cao hơn người bệnh trầm cảm có giấc ngủ bình thường.

Ảnh hưởng tới khả năng đưa ra quyết định

Sau một đêm mất ngủ, bạn có thể đưa ra nhiều quyết định tồi tệ. Điều này có thể diễn ra trong khoảng thời gian dài nếu bị thiếu ngủ, mất ngủ mạn tính. Các nhà nghiên cứu cho rằng, thiếu ngủ có thể làm giảm hoạt động của các tế bào não.

Điều này có nghĩa là các tế bào thần kinh trong não sẽ gửi tín hiệu với tốc độ chậm hơn, từ đó khiến bạn mất nhiều thời gian hơn để đưa ra quyết định hay phản ứng với mọi việc xung quanh.

Rối loạn lưỡng cực

Người bệnh rối loạn lưỡng cực thường ngủ ít hơn khi ở trong trạng thái hưng cảm. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, tình trạng mất ngủ thường trở nên trầm trọng hơn trước khi người bệnh chuyển sang giai đoạn hưng cảm. Thêm vào đó, mất ngủ, thiếu ngủ cũng có thể là nguyên nhân kích hoạt trạng thái hưng cảm ở người bị rối loạn lưỡng cực.

Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)

Các nhà khoa học từ Đại học Harvard (Mỹ) giải thích rằng, những đứa trẻ bị ADHD thường có giấc ngủ ngắn hơn, khó ngủ và ngủ không yên giấc so với những đứa trẻ bình thường. Ngược lại, trẻ hay bị thiếu ngủ cũng có nguy cơ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý cao hơn, dễ trở nên bất ổn về mặt cảm xúc.

Vậy làm sao để cải thiện chất lượng giấc ngủ?

Nhìn chung, bạn có thể khắc phục tình trạng mất ngủ, thiếu ngủ bằng cách:

- Hạn chế tiếp xúc với ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử (điện thoại, máy tính, TV…) trong vòng 1 tiếng trước khi ngủ.

- Tránh uống đồ uống có cồn và caffeine trong vòng 6 tiếng trước khi ngủ.

- Giữ phòng ngủ tối và mát mẻ.

- Tắm nước ấm trước khi ngủ.
Vi Bùi H+ (Theo Care2)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Thần kinh