Món ăn từ rươi: Ngon nhưng độc "chết người"

Rươi là món ăn được nhiều người yêu thích

Đề phòng sốc phản vệ do thức ăn ở trẻ

Hiểu đúng về dị ứng

Làm thế nào đối phó với dị ứng mùa xuân?

Ngộ độc do ăn nấm rừng

Rươi: “Món quà xứ Bắc”

Rươi thuộc bộ giun đốt, nhiều lông tơ, sống tiếp giáp giữa vùng nước ngọt và nước lợ, mỗi năm chỉ xuất hiện ngắn ngủi có vài ngày, thời gian được dân gian đúc kết chính xác là “tháng chín đôi mươi, tháng mười mùng năm”. Có nghĩa là rươi chỉ nổi nhiều, tập trung nhất vào ngày 20 tháng chín và mùng 5 tháng mười âm lịch mỗi năm.

Rươi là một đặc sản theo mùa chỉ có ở miền Bắc. Có những món ăn, sơn hào hải vị nếu chưa kịp ăn hôm nay, mai kia vẫn có thể thưởng thức nhưng với rươi nếu không nhanh bạn đành phải chờ năm sau.

Bổ dưỡng nhưng nhiều hiểm họa

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trong 100gr rươi có 81,9gr nước, 12,4gr protid, 4,4gr lipid, cung cấp cho cơ thể được 92calo, không hề thua kém giá trị dinh dưỡng khi đem so với thịt bê non (trong 100gr thịt bê có 78,2gr nước, 20gr protid, 0,5gr lipid, cung cấp được 87calo). Ngoài ra, rươi còn chứa nhiều loại muối khoáng quan trọng với sức khỏe như calci, phospho, sắt, kẽm…

Rươi là món ăn bổ dưỡng nhưng chế biến không đúng cách sẽ gây hại cho sức khỏe

Rươi là loài sống ở đáy nước cùng bùn cát, do đó không tránh khỏi việc chúng bị nhiễm những chất độc từ chính môi trường mà chúng sinh sống, nhất là ở khu vực nước bị ô nhiễm nhiều. Đặc biệt, khi chết, rươi rất dễ bị phân hủy, sinh ra nhiều độc tố. Do đó ăn phải rươi chết sẽ bị ngộ độc, sình bụng, khó tiêu, tiêu chảy cấp, nặng nề hơn là nguy hiểm tới tính mạng.

Rươi cũng như các loài nhuyễn thể dưới nước thường chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh như Salmonella, E.coli, gây tiêu chảy, đường ruột nếu chế biến không cẩn thận, đúng cách. Ngoài ra, khi sơ chế, cần phải loại bỏ những con rươi đã chết tránh bị nhiễm độc.

Theo Đông y, vỏ quýt (hay còn gọi là trần bì) có rất nhiều tác dụng, trong đó có tác dụng phòng và chữa những bệnh liên quan đến đường tiêu hóa.

Hơn nữa, do rươi giàu đạm nhưng chất đạm của rươi không giống với chất đạm của các thực phẩm khác như bò, lợn, gà nên có thể gây dị ứng cho người ăn. Nếu bạn đã từng bị dị ứng khi ăn rươi 1 lần rồi thì không nên thử lại lần thứ 2.

Chính vì vậy, khi ăn rươi người ta thường cho thêm vỏ quýt. Vỏ quýt không chỉ là gia vị tạo mùi cho món rươi thêm thơm ngon mà nó còn có tác dụng phòng bệnh liên quan đến đường tiêu hóa có thể gặp phải khi ăn rươi.

Ai không được ăn rươi?

Người có cơ địa dị ứng: Những người có cơ địa dị ứng hoặc đã từng dị ứng với những món ăn giàu đạm cần thận trọng khi ăn rươi. Nếu muốn ăn, bạn nên thử từng chút một để xem phản ứng của cơ thể.

Phụ nữ có thai: Vì những mối nguy hiểm đã phân tích ở trên nên phụ nữ có thai cũng nên thận trọng khi ăn rươi.  Rươi là món giàu đạm nên thường gây khó tiêu, đầy bụng không có lợi cho tiêu hóa.

Phụ nữ có thai nên cẩn trọng khi ăn rươi

Trẻ em: Nếu muốn cho trẻ ăn rươi, cha mẹ cần thận trọng vì hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện. Nếu ăn nhiều rươi, trẻ có thể gặp nguy cơ về đường tiêu hóa và dị ứng, đồng thời nếu việc chế biến không đảm bảo có thể gây ngộ độc nguy hiểm cho trẻ.

Dự trữ rươi như thế nào?

Rươi tươi ngon là những con lớn, thân mập mạp, màu đỏ, còn ngọ nguậy. Kinh nghiệm mua rươi tươi, mới là chỉ lấy những con còn khỏe ở phía trên, vì đa số rươi phía dưới thường bị đè vỡ bụng, có mùi tanh. Rươi sắp chết là những con nhỏ, gầy, có màu xanh, bò yếu hoặc lâu lâu mới ngọ nguậy.

Khi rửa rươi chỉ cần thả rươi vào chậu nước, dùng tay khuấy nhẹ để rươi khỏi bị vỡ bụng. Rửa chừng ba lần cho sạch bớt bùn, rác. Rươi sạch vớt ra để ráo nước, chuẩn bị “làm lông” để khi ăn không bị ngứa rát cổ. Dùng nước nóng chừng 40 độ C, thả rươi vào, dùng đũa khuấy nhẹ. Khi thấy bùn, chân và lông rươi rụng, nổi lên thì vớt rươi ra và chế biến món ăn. Bạn có thể cho rươi đã làm sạch vào hộp nhựa để vào ngăn đá của tủ lạnh dùng dần. Hoặc bạn có thể hấp chín hoặc rán qua, đóng hộp cẩn thận mà không lo bị hỏng, thời gian sử dụng lâu dài. 

TS. Phạm Duệ - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cảnh báo: "Nếu sau khi ăn rươi xuất hiện các triệu chứng như mẩn ngứa, nổi ban, có thể tê bì vùng lưỡi, miệng, hoặc tê bì toàn bộ vùng mặt, chân tay; người bệnh cũng có thể bị nôn, đi ngoài; những trường hợp nặng có thể bị tụt huyết áp, suy hô hấp, trụy tim mạch, hôn mê, mất ý thức... cần đưa ngay người bệnh đến bệnh viện gần nhất để được cấp cứu. Bởi các triệu chứng ngộ độc rươi có thể xuất hiện từ từ sau vài giờ hoặc nửa ngày sau khi ăn, nhưng cũng có những trường hợp tối cấp, triệu chứng ngộ độc sẽ xuất hiện sau ăn khoảng 30 phút, gây ra phản ứng sốc phản vệ và bệnh nhân có thể tử vong nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời".
Thùy Trang H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp